Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Mồng Tơi Lấy Hạt Được Giá

Mồng Tơi Lấy Hạt Được Giá
Ngày đăng: 02/04/2014

Một số hộ dân xã Long Kiến (Chợ Mới - An Giang) rất phấn khởi vì thu hoạch mồng tơi lấy hạt đạt năng suất cao, giá cả ổn định, đem lại thu nhập khá cho nông dân.

Hàng năm, khi mực nước lũ trên đồng rút dần, để lại lượng phù sa màu mỡ, cũng là lúc nông dân tất bật chuẩn bị mùa vụ mới. Một số nông dân xuống giống vụ đông xuân, hoặc trồng luân canh hoa màu. Đối với nông dân xã Long Kiến, vụ mùa năm nay xuống giống mồng tơi khoảng 50 héc-ta, tập trung chủ yếu ở ấp Long An.

Theo nông dân nơi đây, mồng tơi là loại rau dễ trồng, khi gieo hạt lên khoảng 1 tấc, nhổ đem trồng khoảng cách hạt khoảng 2 tấc. Đến khi cây phát triển cao cắm cọc giăng giàn như trồng bầu, bí, sau hơn 3 tháng gieo là có thể thu hoạch.

Nông dân thu hoạch nửa tháng một đợt và kéo dài từ 6 tháng đến 1 năm, tùy theo thổ nhưỡng và cách chăm sóc. Trồng mồng tơi lấy hạt thu hoạch cũng tương đối dễ, nhưng đòi hỏi tốn nhiều nhân công. Trung bình 1 công mồng tơi cần 3-4 nhân công, thu hoạch từ 3-4 ngày mới xong.

Tham quan nhiều vạt đất trồng mồng tơi lấy hạt của bà con nơi đây, chúng tôi không khỏi bỡ ngỡ với cách làm và hiệu quả kinh tế từ mô hình mang lại. Anh Huỳnh Thanh Phương, nông dân ấp Long An cho biết: “Thấy bà con trong vùng có thu nhập khá từ việc trồng mồng tơi lấy hạt, gia đình mạng dạn trồng thử 1 công, thu hoạch đợt đầu tiên được 40 kg hạt khô.

Đợt thứ 2 vừa thu hoạch xong được 100kg, bán với giá 85.000 đồng/kg, trừ các khoản chi phí, còn lãi gần 10 triệu đồng. Bình quân mỗi công trồng mồng tơi lấy hạt lời gần 5 triệu đồng/đợt”.

Qua gieo trồng vài vụ, bà con xã Long Kiến có thêm kinh nghiệm nên năng suất cũng khá hơn. Ông Nguyễn Văn Lượt cho biết, 1,5 công mồng tơi lấy hạt của gia đình đang cho thu hoạch rộ. Sau khi hái, hạt mồng tơi đem phơi từ 4 – 5 nắng bán với giá 85.000 đồng/kg. Mỗi tháng thu hoạch 2 đợt từ 50 – 60 kg hạt, sau khi trừ chi phí, ông còn lãi 6-7 triệu đồng/đợt.

Đối với mồng tơi, khâu chăm sóc nhẹ nhàng, chi phí đầu tư thấp, phù hợp với các hộ nông dân ít đất sản xuất. Đồng thời, việc thu hoạch hạt mồng tơi còn tạo việc làm cho một số bà con trong lúc nông nhàn. “Mỗi kg hạt, nhân công hái được trả 2.500 đồng, một người hái giỏi một ngày có thể hái từ 40 – 50 kg, thu nhập cũng hơn trăm ngàn đồng”- chú Lượt nói.

Còn chú Nguyễn Văn Tép, người có thâm niên 6 -7 năm trồng mồng tơi lấy hạt, chia sẻ: “Trồng mồng tơi lấy hạt cho thu nhập cao hơn lúa nhưng phải tốn công chăm sóc, tưới nước, bón phân, xịt thuốc thường xuyên, đặc biệt là phải có nhân công lúc thu hoạch.

Ngoài ra, chi phí đầu tư hạt giống, cây, dây làm giàn cũng khoảng 4 triệu đồng/công. Tuyệt đối không nên trồng liên tiếp nhiều vụ mồng tơi trên một mảnh đất, cần luân phiên các loại cây trồng khác 1 - 2 vụ, sau đó mới trồng lại để tránh bị “chết nhát”, không đạt hiệu quả”.

Theo các hộ nông dân, giá hạt mồng tơi thời điểm hiện tại khá cao, từ 80.000 - 90.000 đồng/kg nhưng không ổn định. Nông dân và cơ sở thu mua cần liên kết chặt chẽ, nhằm tránh tình trạng “ép giá” hoặc cung vượt cầu.

Theo Hội nông dân xã Long Kiến, những năm qua, mô hình trồng mồng tơi lấy hạt ở địa phương phát triển theo hình thức tự phát, hầu hết người dân ở đây trồng theo kinh nghiệm hoặc tự học hỏi, cũng không có hợp đồng thu mua sản phẩm. “Có lúc giá lên tới 120.000 đồng/kg, nhưng cũng có lúc chỉ còn khoảng 60.000 đồng/kg.

Điệp khúc “trúng mùa, rớt giá” diễn ra thường xuyên đối với mồng tơi lấy hạt. Bởi, nông dân sau khi thu hoạch hạt bán cho các chủ cơ sở bán hạt giống, hoặc khi nào cần thì thương lái TP. Hồ Chí Minh xuống thu gom đem đi tiêu thụ. Vì vậy, tình trạng ép giá khi nông dân thu hoạch rộ là điều không tránh khỏi”- ông Trần Như Hiền, Chủ tịch Hội Nông dân xã Long Kiến nói.


Có thể bạn quan tâm

Đồng Tháp Phấn Đấu Sản Xuất 350.000 Tấn Cá Tra Đồng Tháp Phấn Đấu Sản Xuất 350.000 Tấn Cá Tra

Để đảm bảo ổn định nguồn cá tra nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu, năm 2012, ngành Nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp xây dựng kế hoạch phát triển vùng cá tra lên 2.176 ha, đảm bảo sản lượng ổn định 350.000 tấn cá nguyên liệu, đáp ứng nhu cầu của các nhà máy chế biến.

14/12/2011
Hàng Tấn Cá Nuôi Chết Trắng Sau Một Đêm Hàng Tấn Cá Nuôi Chết Trắng Sau Một Đêm

au một đêm, hàng tấn cá nuôi chết trắng nổi khắp mặt hồ. Tình trạng trên đã diễn ra từ vài ngày nay gây thiệt hại lớn cho hộ nuôi cá, đồng thời khiến môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng.

26/02/2012
Giải Cứu Loài Cá Bí Ẩn Trên Dòng Mê Kông Giải Cứu Loài Cá Bí Ẩn Trên Dòng Mê Kông

Một loài cá cực ngon, dáng đẹp, từng xuất hiện vô số trên sông Mê Kông nay đối diện nguy cơ tuyệt chủng, có tên trong Sách đỏ. Giờ đề cập đến tên chúng, những người sống bằng nghề "đâm hà bá" đều lạ lẫm, mỗi người nói về loại cá này một cách…

01/10/2011
Mô Hình Sản Xuất Và Chế Biến Ca Cao Khép Kín Hiệu Quả Kinh Tế Cao Mô Hình Sản Xuất Và Chế Biến Ca Cao Khép Kín Hiệu Quả Kinh Tế Cao

Cây ca cao có mặt ở TP. Mỹ Tho từ trước năm 1980, lúc bấy giờ do khâu chế biến còn hạn chế và thị trường tiêu thụ gặp nhiều khó khăn, nên hiệu quả kinh tế không cao. Nhiều hộ nông dân ở thành phố đã đốn bỏ cây ca cao và trồng các loại cây ăn trái khác

25/01/2012
Cao Su Bị Thú Lạ Cắn Phá Cao Su Bị Thú Lạ Cắn Phá

Ngày 29/2, ông Hồ Văn Ngưm - Trưởng phòng NN-PTNT huyện A Lưới (TT- Huế) cho biết, vài tháng trở lại đây khoảng hơn 40 ha cao su của hàng chục hộ dân ở xã A Roàng bị loài thú lạ về cắn phá gây chết cây trên diện rộng.

01/03/2012