Mỗi Năm Lãi 400 Triệu Đồng Từ Nuôi Ba Ba, Rùa

Đó là mô hình chăn nuôi của ông Nguyễn Văn Túy ở thôn Nghĩa Xá, xã Đại Đồng (Tứ Kỳ - Hải Dương). Ông Túy là người tiên phong ở xã Đại Đồng trong việc nuôi ba ba.
Vào khoảng những năm 1980, ông thấy nhà hàng, khách sạn có nhu cầu tiêu thụ ba ba lớn, tuy nhiên ba ba trong tự nhiên thường nhỏ, không đáp ứng được yêu cầu. Từ đó, ông Túy đã nghĩ đến việc nuôi để có những con ba ba đủ trọng lượng. Ông đã đi thu mua ba ba bán ở các chợ đưa về ao nhà nuôi thêm một thời gian rồi mới xuất bán.
Thấy hiệu quả từ việc này mang lại cao, ông đã đầu tư nuôi theo cách chuyên nghiệp. Ban đầu, ông cải tạo hơn 1 sào ao cho phù hợp với nuôi ba ba như kè bằng bê-tông, làm hàng rào bảo vệ. Nguồn thức ăn cũng được ông chuẩn bị kỹ, ngoài việc đào giun, mua ốc bươu vàng, ông còn nuôi thêm giun quế để cho ba ba ăn.
Để mở rộng quy mô chăn nuôi, thời gian gần đây, ông đã mua đất ra khu mới và làm lại toàn bộ hệ thống ao nuôi. Đến nay, ông Túy đã có 4 ao nuôi ba ba với quy mô 7 sào. Trong ao luôn có khoảng 2.000 con ba ba với nhiều loại như ba ba gai, ba ba trơn... Để tăng hiệu quả kinh tế, ông Túy chọn hình thức nuôi gối. Trong ao nhà ông luôn có nhiều loại ba ba khác nhau, để vừa tận dụng hết nguồn thức ăn và lúc nào cũng có ba ba thịt để bán.
Để chủ động về nguồn con giống, năm 2000, ông Túy đã gây 60 con ba ba giống. Trung bình mỗi năm số ba ba giống này đẻ được 1.000 quả trứng, tỷ lệ nở đạt khoảng 90%. Một nửa ba ba nở ra, ông Túy bán cho khách hàng, số còn lại ông để nuôi. Năm 2012, ông Túy bán được 500 con ba ba giống và 200 con ba ba thịt, thu nhập đạt trên 500 triệu đồng.
Có kinh nghiệm từ nuôi ba ba, từ năm 2005, ông Túy đã tìm hiểu và đưa rùa cảnh về nuôi. Với quy mô hơn 20 con ban đầu, nay ông đã có trên 60 con, trong đó có 20 con sinh sản. Trung bình 1 năm, số rùa sinh sản này đẻ được khoảng 50 con rùa con. Giá bán 1 con rùa mới nở trên 2 triệu đồng, còn nếu để nuôi lớn có giá cả chục triệu đồng/kg.
Năm 2012, ông Túy cũng thu được trên 100 triệu đồng tiền bán rùa. Để mở rộng quy mô chăn nuôi, cách đây 2 tháng, ông Túy đã làm thêm chuồng để nuôi thỏ. Hiện nay, đàn thỏ đang sinh trưởng và phát triển tốt, sắp cho thu hoạch.
Chia sẻ về kinh nghiệm chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao, ông Túy cho biết: "Tôi luôn tìm hiểu đặc điểm của từng vật nuôi để tìm ra cách chăm sóc cho vật nuôi tốt nhất, có như vậy chúng mới lớn nhanh, ít bệnh tật, qua đó sẽ tăng hiệu quả kinh tế. Bên cạnh đó, cũng cần tìm hiểu kỹ về thị trường tiêu thụ. Khi thị trường khó khăn thì cần phải thu hẹp quy mô hoặc tìm những con khác cho phù hợp hơn. Vì vậy, tôi chưa bao giờ bị lỗ".
Hiện gia trại của ông Túy đang giải quyết việc làm thường xuyên cho 4 lao động đều là người trong gia đình. Ngoài việc làm giàu cho mình, ông Túy còn tích cực chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi với những người khác trong xã. Hằng năm, gia đình ông tham gia đóng góp hàng chục triệu đồng cho các loại quỹ của địa phương và ủng hộ các phong trào.
Có thể bạn quan tâm

Tháng 6/2013, Hợp tác xã (HTX) Ðồng Tiến ở xã Ðắk Sin (Đắk R’lấp - Đăk Nông) đã huy động vốn của xã viên được trên 20 tỷ đồng để đầu tư nuôi heo sinh sản và heo thịt theo mô hình khép kín an toàn dịch bệnh và hiện nay đang mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Để giảm phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu sữa ngoại nhập khẩu, trong đề án tái cơ cấu ngành chăn nuôi Việt Nam, Bộ NN-PTNT đặt ra chỉ tiêu tăng số lượng đàn bò sữa đạt 500.000 con vào năm 2020 để có sản lượng sữa khoảng 1 triệu tấn sữa tươi mỗi năm.

Từ khi cao su xuống giá, nhiều nông dân đã tìm cây trồng thay thế. Nhiều hộ bắt đầu trồng những cây có hướng kinh tế cao hơn, trong đó nổi lên là cây sưa đỏ. Những lời đồn thổi về giá trị của cây sưa đỏ trưởng thành đã khiến không ít nông dân ồ ạt chạy theo.

Nhiều hộ đã chịu khó tìm tòi đầu tư con giống, xây dựng chuồng trại quy mô và nhím được coi là vật nuôi mang lại nguồn thu nhập đáng kể, thậm chí là “khủng” cho người dân nơi đây, có không ít hộ giàu lên nhờ nuôi nhím. Còn giờ đây, giá nhím rớt thê thảm, khiến nhiều hộ chăn nuôi con vật này rơi vào cảnh “dở khóc dở cười”.

Những ngày qua, hàng trăm hecta cà phê trên địa bàn xã Tam Bố, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng bị rụng trái hàng loạt. Người trồng cà phê ở đây rất lo lắng, vì chưa có biện pháp xử lý. Trong khi đó, cơ quan chức năng cũng chưa xác định được nguyên nhân của tình trạng này để hướng dân cho nông dân.