Mở Rộng Diện Tích Ca Cao Xen Canh Vườn Cây Ăn Trái

Theo Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Tiền Giang, trong khuôn khổ Dự án phát triển ca cao giai đoạn 2010 - 2014, tỉnh đã trồng thêm được 1.100 ha ca cao xen canh dưới tán vườn cây ăn trái, nâng tổng diện tích lên đến 2.400 ha; phấn đấu đến năm 2020, mở rộng diện tích ca cao lên 5.000 ha.
Ngoài trồng xen ca cao dưới tán dừa tại các huyện phía Đông như Gò Công Tây, Chợ Gạo, Tân Phú Đông, các địa phương có tiềm năng và thế mạnh về trồng cây ăn trái đặc sản: Thành phố Mỹ Tho, Châu Thành, Cai Lậy còn xen canh ca cao trong vườn nhãn, vườn cây có múi hoặc các cây trồng khác đã mang lại hiệu quả, tăng thêm thu nhập cho nông hộ. Ca cao trồng sau 18 tháng đã cho trái.
Mỗi ha vườn cây ăn trái trồng xen được khoảng 600 cây ca cao. Bình quân mỗi cây cho trên 1 kg hạt ca cao khô, mỗi ha đạt năng suất hạt khô khoảng 600 kg. Trong năm nay, giá tiêu thụ tăng khá, đầu ra thuận lợi. Với giá thu mua hiện nay dao động 6.000 - 6.300 đồng/kg/trái tươi và 68.000 - 70.000 đồng/kg hạt khô, nông dân có thu nhập tăng thêm khoảng 40 triệu đồng ngoài nguồn thu từ vườn cây ăn trái.
Để thuận lợi cho nông dân, đồng thời khuyến khích bà con mở rộng diện tích ca cao trong mô hình canh tác mới, tỉnh gắn kết doanh nghiệp, mở rộng mạng lưới thu mua, tiêu thụ sản phẩm. Toàn tỉnh hình thành được 1 hợp tác xã, hàng trăm câu lạc bộ ca cao, trên 20 điểm thu mua ca cao, do Công ty Cargill bao tiêu. Sắp tới, tỉnh có kế hoạch thành lập thêm các tổ hợp tác trồng ca cao ở Hội Xuân (Cai Lậy), Điềm Hy và Long Hưng (Châu Thành) là những địa phương đang phát triển mô hình ca cao xen canh trong vườn cây ăn trái.
Có thể bạn quan tâm

10 năm qua (2003 - 2012), các chương trình tín dụng chính sách do Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) triển khai trên địa bàn tỉnh đã góp phần tích cực thực hiện công tác xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, nâng cao đời sống nhân dân các dân tộc trong toàn tỉnh.

Tính đến cuối năm 2012, tổng đàn bò trên địa bàn huyện Mỏ Cày Nam (Bến Tre) có gần 18.500 con. Bà con nông hộ thường chọn nuôi các giống bò ngoại như: Bradman, RedShinhi, Sahiwal, Lymousine và bò lai tạo từ bò địa phương với các giống bò ngoại, phân bố tập trung tại các xã An Thạnh, Thành Thới A, Đa Phước Hội và Tân Trung.

Ông Lưu Xuân Mộc, ấp Bùng Binh 1, xã Hoà Tân, TP Cà Mau, là người thành công nhất trong xã về mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến “bậc cao” nhờ áp dụng những cải tiến kỹ thuật trong cách nuôi.

Qua 2 năm xây dựng nông thôn mới, đến nay, xã Ninh Hòa (huyện Hồng Dân) đã xây dựng 11 mô hình sản xuất nhân giống lúa chất lượng cao, nuôi trồng thủy sản; thành lập 124 cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và ngành nghề tiểu thủ công nghiệp với 398 lao động tham gia.

Phú Yên đang có dịch lở mồm long móng (LMLM) gia súc ở một số xã. Để ngăn chặn dịch bệnh lây lan, các ngành chức năng đã cấm vận chuyển gia súc, sản phẩm gia súc ra khỏi vùng dịch. Tuy nhiên lại rất khó kiểm soát phân bò khi nó đang là mặt hàng được mua bán khá rộ.