Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Mô Hình Trồng Rau An Toàn Trên Đất Cù Lao

Mô Hình Trồng Rau An Toàn Trên Đất Cù Lao
Ngày đăng: 08/07/2014

Sau những năm tháng trồng rau thuê ở thành phố Hồ Chí Minh, anh Nguyễn Văn Chiêu, ấp Phước Hòa A, thị trấn Cù Lao Dung (huyện Cù Lao Dung, Sóc Trăng) trở về quê hương và áp dụng mô hình trồng rau theo hướng an toàn để phát triển kinh tế gia đình và bước đầu anh đã thành công.

Chuẩn bị xe máy để chở 2 chiếc giỏ chất đầy cải ngọt đem ra chợ bán, anh Chiêu khoe: "Đây là đợt giao hàng thứ 2 trong ngày, buổi sáng tôi đem giao một chuyến, còn chuyến này phải giao cho kịp mấy chủ sạp rau bán chợ chiều". Cứ thế, gần 2 năm nay, hàng ngày anh chở từ 2 đến 3 chuyến rau, cải đem đi bỏ mối ở chợ thị trấn và chợ xã trên địa bàn huyện.

Được xem là người tiên phong trong mô hình trồng rau an toàn của huyện Cù Lao Dung, anh Chiêu cho biết: "Sau khi từ giả nghề thợ hồ nặng nhọc, nhưng thu nhập bấp bênh, tôi khăn gói lên thành phố Hồ Chí Minh tìm việc với nghề trồng rau thuê.

Tại đây, tôi được tiếp cận với mô hình sản xuất rau theo hướng an toàn, thấy rất hay, nên vừa làm, vừa học hỏi kinh nghiệm để khi có điều kiện về quê làm kinh tế gia đình". Sau thời gian làm thuê, với kinh nghiệm học hỏi được, anh quyết định về quê hương thực hiện mô hình trồng rau an toàn.

Ban đầu, anh chỉ dám thử nghiệm đầu tư nhà lưới trên 500 m2 đất gần nhà để trồng các loại cải ngọt, cải xanh, bẹ dún... Thời gian trôi qua, nhận thấy mô hình có thu nhập ổn định, anh thuê đất gần nhà để mở rộng diện tích trồng rau an toàn, đến nay đã được 2,5 công.

Cù Lao Dung là vùng đất rất tốt cho nhiều loại cây trồng, nhưng có điều lạ là có rất ít nông dân trong huyện chuyên về trồng rau. Vì vậy, lượng rau được bày bán ở huyện phần lớn được chở từ tỉnh Trà Vinh sang hoặc từ thành phố Sóc Trăng qua.

Do vận chuyển đường xa, nên ít nhiều chất lượng rau cũng bị giảm sút, trong khi rau của anh được trồng tại địa phương, nên khi ra đến chợ vẫn còn tươi xanh, trông đẹp mắt, rất được các tiểu thương và người tiêu dùng địa phương ưa chuộng.

"Trung bình mỗi ngày tôi giao 70 kg rau, kiếm được chừng 400 ngàn đồng. Những lúc hút hàng, lượng rau có thể lên đến 90 kg/ngày. Tôi thấy áp dụng mô hình trồng rau an toàn cũng không khó lắm vì mình đã có kinh nghiệm và tiếp cận được quy trình này khi còn làm thuê ở thành phố Hồ Chí Minh.

Cái khó lớn nhất đối với tôi lúc đầu là thiếu vốn đầu tư, những cũng may được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho vay 7 triệu đồng để làm nhà lưới và mua hạt giống để thực hiện mô hình. Đến đầu năm nay, lại có thêm nguồn vốn vay từ Quỹ Hỗ trợ nông dân, nên tôi có điều kiện hơn để mở rộng diện tích trồng rau an toàn" - anh Chiêu chia sẻ.

Theo anh Chiêu, mô hình rau an toàn không những mang lại hiệu quả kinh tế cao so với trồng mía mà còn đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng. Anh Chiêu phân tích: "Đã gọi là rau an toàn, thì việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật phải được hạn chế tối đa.

Việc làm nhà lưới, nhằm giúp rau phát triển tốt, không bị dập úng vào mùa mưa và hạn chế nước tưới vào mùa khô, nên sau thời gian khoảng 20 ngày là thu hoạch rau đem bán. Vì vậy, chi phí sản xuất cũng được tiết giảm đáng kể, nhưng để mô hình đạt hiệu quả cao cần phải bỏ công chăm sóc nhiều. Bởi vậy, hàng ngày tôi đều ra vườn rau, nếu phát hiện có sâu phải bắt liền, tránh ảnh hưởng tới những cây rau khác”.

Ở nhiều địa phương khác trên địa bàn tỉnh, mô hình rau an toàn chủ yếu được người dân trồng khi có sự hỗ trợ của cơ quan chuyên môn. Riêng mô hình của anh Chiêu, dù không có sự hỗ trợ nào, nhưng sản phẩm của anh vẫn có chổ đứng riêng trong thị trường rau cải hiện nay.

Nói về dự định sắp tới, anh Chiêu khoe: "Sắp tới, tôi sẽ mở rộng diện tích trồng rau an toàn để đa dạng thêm các loại rau, làm phong phú thêm thị trường rau sạch tại địa phương". Để sản phẩm rau an toàn mang thương hiệu Cù Lao Dung được vươn xa, một mình anh Chiêu chắc chắn sẽ khó thực hiện được.

Vì thế, theo đồng chí Đặng Thị Na - Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Cù Lao Dung, hội đang đề nghị hội cấp trên có biện pháp hỗ trợ nhằm giúp cho sản phẩm của anh Chiêu có thương hiệu, để nhân rộng và phát triển mô hình trồng an toàn tại địa phương.


Có thể bạn quan tâm

1 Công Gừng Lời Hơn 30 Triệu Đồng 1 Công Gừng Lời Hơn 30 Triệu Đồng

Tại huyện Long Mỹ (Hậu Giang), hiện thương lái mua gừng tại rẫy có giá 21.000 đồng/kg. So với vài tháng trước, giá gừng đã giảm 6.000 đồng/kg nhưng cao hơn vụ cùng kỳ 11.000 đồng/kg. Với năng suất trung bình mỗi công khoảng 1,3 - 1,5 tấn, nông dân bán thu được từ 45 - 50 triệu đồng/công. Sau khi trừ chi phí lời khoảng 30 triệu đồng.

24/09/2014
Trồng Trọt Chuyển Đổi Để Gia Tăng Giá Trị Trồng Trọt Chuyển Đổi Để Gia Tăng Giá Trị

Trồng trọt từng chiếm giá trị tổng sản lượng rất lớn trong toàn ngành Nông nghiệp. Tuy vậy, tăng trưởng của ngành này nhiều năm nay không ổn định, mấy năm gần đây có xu hướng chậm lại.

24/09/2014
Làm Giàu Từ Trồng Quýt Làm Giàu Từ Trồng Quýt

Theo giới thiệu của Bí thư Đoàn xã Tả Ngài Chồ (Mường Khương - Lào Cai), chúng tôi đến thăm gia đình anh Giàng Seo Di khi anh chuẩn bị lên đồi hái quýt cho phiên chợ cuối tuần. Sau gần 2 giờ đi bộ lên đồi, tôi có dịp nghe anh kể về hành trình thoát nghèo của gia đình nhờ cây quýt Mường Khương.

24/09/2014
Ứng Dụng Tiến Bộ Kỹ Thuật Và Cơ Giới Hóa Trong Chăn Nuôi Ứng Dụng Tiến Bộ Kỹ Thuật Và Cơ Giới Hóa Trong Chăn Nuôi

Những năm qua, việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh có bước phát triển nhanh, đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Trong lĩnh vực chăn nuôi, nhiều cơ sở sản xuất giống, các trang trại, gia trại từng bước đưa công nghệ cao vào sản xuất, góp phần giải phóng sức lao động và nâng cao chất lượng sản phẩm.

24/09/2014
Bỏ Sài Thành Lên Núi Với... Atiso Bạc Tỷ Bỏ Sài Thành Lên Núi Với... Atiso Bạc Tỷ

Trong khi nhiều nông dân thành phố hoa đang “quay lưng” lại với cây atiso - đặc sản của Đà Lạt do giá cả bấp bênh, đầu ra thiếu ổn định, thì anh Nguyễn Trung Thành, một người con đất Sài thành lại bỏ phố lên núi để gắn bó với loại cây trồng này dưới chân núi LangBiang.

24/09/2014