Mô Hình Trồng Măng Tây An Toàn

Mới đây, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Bạc Liêu tổ chức trao giấy chứng nhận công nhận măng tây là rau an toàn cho Tổ hợp tác sản xuất măng tây (HTSXMT) xã Hiệp Thành (TP. Bạc Liêu). Khi có giấy chứng nhận rau an toàn, măng tây sẽ được đưa vào hệ thống siêu thị tiêu thụ.
Từ năm 2009, nông dân 2 xã Hiệp Thành và Vĩnh Trạch Đông (TP. Bạc Liêu) đã triển khai mô hình trồng thử nghiệm giống măng tây xanh trên 6 ha đất giồng cát. Cây măng tây rất phù hợp với vùng đất trồng rau màu, đất tơi xốp và không ngập nước (như vùng đất giồng vành đai xanh thành phố). Sau 5 tháng là cây măng đã cho thu hoạch và cho thu hoạch quanh năm (một năm chỉ ngưng khoảng 1 - 2 tháng để dưỡng cây). Theo tính toán, 1 ha măng tây thu từ 400 - 450 triệu đồng/năm, còn 1 ha rau màu chỉ khoảng 150 triệu đồng/năm. Từ khi phong trào trồng măng tây nở rộ, nhiều nông dân ở xã Hiệp Thành và Vĩnh Trạch Đông chuyển từ trồng rau màu sang trồng măng tây, và cuộc sống của họ dần khá lên. Nhiều nông dân trong và ngoài tỉnh đã đến đây tham quan và học tập kinh nghiệm trồng loại cây này.
Tổ HTSXMT xã Hiệp Thành có 12 thành viên với diện tích trồng 3,4 ha măng tây. Cây măng tây đã đem đến nhiều lợi nhuận cho thành viên Tổ HTSXMT trong những năm qua. Mới đây, cơ quan chức năng đã trao giấy chứng nhận công nhận măng tây là rau an toàn cho tổ hợp tác này. Đây là bước đầu để đưa măng tây vào bán trong hệ thống siêu thị. Hướng tới, ngành chức năng sẽ kết hợp với tổ hợp tác măng tây hướng dẫn bà con trồng măng tây theo quy trình VietGap.
Anh Lê Thanh Tú, Trưởng trạm Bảo vệ thực vật TP. Bạc Liêu, cho biết: “Việc thành lập Tổ HTSXMT và cấp giấy chứng nhận rau an toàn là bước đầu tìm đầu ra cho sản phẩm. Hiện Tổ HTSXMT xã Hiệp Thành đã ký kết hợp đồng với Công ty Hưng Lợi để thu mua măng tây với giá loại I là 50.000 đồng/kg, loại II là 30.000 đồng/kg. Sau khi quen dần phương pháp sản xuất rau an toàn, trạm sẽ hướng dẫn các thành viên trong Tổ HTSXMT trồng măng theo quy trình VietGap để nâng cao hơn nữa giá trị sản phẩm”.
Măng tây xanh là một đối tượng cây trồng mới, năng suất tăng dần theo từng năm, có thị trường tiêu thụ khá lớn trong và ngoài nước. Măng tây cho giá trị kinh tế cao, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân. Bước đầu, cây măng tây xanh thích nghi, sinh trưởng và phát triển tốt trên vùng đất giồng cát của TP. Bạc Liêu. Nếu các công ty thu mua với giá hợp lý hơn so với giá bán trên thị trường, người trồng măng sẽ có lợi nhuận cao hơn. Hy vọng trong tương lai không xa, vành đai xanh TP. Bạc Liêu sẽ ngày càng nổi tiếng với vùng chuyên canh cây măng tây xuất khẩu.
Có thể bạn quan tâm

Đại diện Tập đoàn Nestlé (nhà máy chế biến cà phê tại Khu công nghiệp Amata, TP.Biên Hòa), cho biết hiện đang phối hợp với Cơ quan Hợp tác và phát triển Thụy Sĩ (SDC) tài trợ 2 triệu euro và Công ty tư vấn EDE (Đức) thực hiện chương trình hỗ trợ quản lý nước hiệu quả cho 50 ngàn nông dân trồng cà phê ở khu vực Tây Nguyên.

Theo quy hoạch được các cấp có thẩm quyền phê duyệt, Gia Lai được chuyển 50.000 ha đất rừng nghèo, đất lâm nghiệp sang trồng cao su. Từ năm 2008 đến nay, tỉnh đã cho phép 44 dự án của 17 doanh nghiệp (DN) triển khai trồng cao su trên địa bàn 5 huyện.

Do ảnh hưởng bởi nắng hạn kéo dài, hàng chục héc ta keo trên núi Hòn Ngang, xã Diên Thọ, huyện Diên Khánh (Khánh Hòa) đã bị chết khô. Nhiều hộ dân trồng keo đã phải bán đổ bán tháo, những hộ khác cũng như đang ngồi trên đống lửa...
Ông Đỗ Thanh Ngọc - Trưởng trạm Thú y huyện Tân Hồng (Đồng Tháp) cho biết, hiện có hơn 300 ngàn con vịt trên các cánh đồng của huyện do nông dân địa phương đang thu hoạch lúa hè thu. Chủ yếu là các đàn vịt chạy đồng của các hộ dân trên địa bàn huyện và một số đàn vịt ở các tỉnh lân cận như: An Giang, Long An.

Cùng với trứng vịt Đồng Rui, mật ong, khau nhục, bánh gật gù, kẹo lạc hồng, bánh chả... gà đồi Tiên Yên đang dần trở thành một thương hiệu mạnh, mang tính đặc trưng của vùng đất cửa ngõ miền Đông tỉnh Quảng Ninh…