Mô Hình Nuôi Vịt Thịt Theo Hướng An Toàn Sinh Học Ở Đồng Tháp

Với nguồn vốn Khuyến nông Quốc gia, Trạm Khuyến nông huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp) đã đầu tư thực hiện mô hình nuôi vịt thịt theo hướng an toàn sinh học, với quy mô 2.500 con vịt siêu thịt, có 5 hộ dân tham gia, tập trung ở các xã: Mỹ Long, Mỹ Hội, Tân Hội Trung và Tân Nghĩa.
Để các hộ chăn nuôi an tâm sản xuất, Trạm Khuyến nông huyện kết hợp với Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Đồng Tháp, Trạm Thú y triển khai các tiêu chí của mô hình đến hộ chăn nuôi phải thực hiện như: có kinh nghiệm chăn nuôi vịt; sử dụng thức ăn công nghiệp để nuôi vịt và cho ăn đúng theo quy trình hướng dẫn; thuận tiện cho việc tham quan, học tập, chia sẻ kinh nghiệm...
Qua thẩm định nhận thấy, các hộ đăng ký tham gia mô hình có đủ điều kiện chăn nuôi theo tiêu chí: khu vực chăn nuôi, hướng xử lý phân thải, điều kiện kinh tế, phương thức nuôi, đảm bảo an toàn sinh học thay thế phương thức nuôi vịt chạy đồng.
Ngoài ra, các hộ tham gia mô hình còn được cán bộ kỹ thuật Trạm Thú y huyện Cao Lãnh hướng dẫn thiết kế chuồng trại, kỹ thuật nuôi dưỡng, chăm sóc thông qua lớp tập huấn, được hỗ trợ giống, thiết bị, vật tư. Ông Nguyễn Thanh Tòng, ấp Bình Hòa, xã Mỹ Hội, lần đầu tiên tham gia mô hình cho biết: "Nhờ chăm sóc tốt và thực hiện đúng quy trình phòng bệnh nên tỷ lệ hao hụt không đáng kể. Hơn 56 ngày, vịt đã đạt trọng lượng trên 3 kg/con. Mô hình này rất dễ quản lý, nhẹ công, dễ theo dõi bệnh, giúp tôi học được nhiều kinh nghiệm để việc làm ăn sắp tới có thu nhập khá ổn định, tiến lên làm giàu".
Anh Nguyễn Hữu Phận, ấp 3, Tân Hội Trung cũng cho biết: "Trước đây tôi chuyên nuôi chạy đồng, tận dụng nguồn thức ăn ở ngoài nhưng mầm bệnh khó kiểm soát. Nuôi vịt an toàn sinh học tỷ lệ hao hụt thấp, không lây lan mầm bệnh ra ngoài, nuôi ngắn ngày, khâu chăm sóc nhẹ nhàng...".
Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là giá thức ăn trong chăn nuôi không ổn định, vốn đầu tư cao, giá vịt thịt trên thị trường không ổn định, làm cho người chăn nuôi từ lỗ đến huề vốn, ảnh hưởng đến việc duy trì và mở rộng mô hình trong thời gian sắp tới.
Có thể bạn quan tâm

Đầu tháng 12-2013, anh Phạm Vĩnh Phúc 52 tuổi ở thôn Sơn Hải1 (xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam) đầu tư 200 triệu đồng nuôi 2 sào tôm thẻ chân trắng.

Hơn 20 năm về trước, khi nghề nuôi con đặc sản còn chưa phổ biến thì ông Vũ Cao Thăng ở xóm 2, xã Ân Hòa (Kim Sơn, Ninh Bình) đã mạnh dạn nuôi ếch da xanh, cá sấu, tắc kè…

Sau chỉ dẫn địa lý nho Ninh Thuận, cuối năm 2013, tỉnh ta có thêm nhãn hiệu tập thể “Táo Ninh Thuận”, “Tỏi Phan Rang” được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ bảo hộ. Nếu nói về nhãn hiệu tập thể nông sản được bảo hộ, còn phải kể tới măng khô Bác Ái, Rau an toàn Văn Hải và Tuấn Tú, nhưng nổi tiếng và mang tính đặc thù hơn cả của vùng đất Ninh Thuận chính là sản phẩm nho, táo và tỏi. Vấn đề hiện nay là phải làm gì để khai thác hiệu quả giá trị các nhãn hiệu trên?

Vừa qua, hội thảo trực tuyến về quản lý hội chứng tôm chết sớm (EMS) - một bệnh gây thiệt hại hàng tỷ USD cho người nuôi tôm đã được Liên minh Nuôi trồng thủy sản toàn cầu (GAA) tổ chức tại Việt Nam.

Có thể nói từ năm 2013 trở lại đây phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn tỉnh mới thực sự được đẩy nhanh “tiến độ” thực hiện, đặc biệt là “cứng hóa” đường giao thông nội đồng, thôn xóm được làm khá đồng bộ, qua đó, đã tạo nên “bề nổi” cho nhiều vùng nông thôn.