Mô Hình Nuôi Rắn Hổ Trâu Cho Hiệu Quả Kinh Tế Cao

Năm 1999, anh Nguyễn Văn Tiền từ quê Thanh Hóa vào lập nghiệp tại thôn 11 xã Ia T’mốt (huyện Ea Súp, Đắk Lắk). Sau khi lập gia đình, năm 2004 do một tai nạn không may, anh mất đi 2 bàn chân. Cuộc sống dường như đã chao đảo, mất phương hướng nhưng vai trò là trụ cột gia đình đã không cho phép anh gục ngã, nản lòng. Từ sự cố đó, anh Tiền xác định chăn nuôi là phù hợp nhất với điều kiện bản thân và gia đình.
Từ năm 2005, anh Tiền bắt tay vào nuôi nhím, dế, dúi, kỳ đà… Những loài vật nuôi này cho giá trị kinh tế tương đối cao nhưng do anh chưa có nhiều kinh nghiệm chăm sóc nên chỉ mang lại hiệu quả trong một thời gian nhất định. Đến năm 2010, anh Tiền mạnh dạn chuyển hướng sang nuôi rắn hổ trâu. Vừa nuôi, anh vừa tìm tòi, học hỏi kiến thức kinh nghiệm qua sách báo, vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Để rắn hổ trâu nhanh lớn, anh đã dựa vào điều kiện khí hậu của địa phương xây dựng mô hình rắn nuôi bán tự nhiên.
Ngoài diện tích xây chuồng khép kín, anh còn tạo một khoảng vườn tự nhiên tạo thông thoáng cho khu vực nuôi. Trung bình để nuôi được 1 tạ rắn thì phải mất 5 tạ thức ăn, ban đầu nuôi với số lượng ít thì có thể tiết kiệm bằng cách đi soi ếch, cóc, nhái vào ban đêm mang về cho rắn ăn nhưng khi số lượng rắn nhiều lên mà thức ăn phải mua hoàn toàn thì rất tốn kém.
Để bảo đảm lượng thức ăn cho hàng trăm con rắn, anh Tiền quyết định mua ếch về nhân giống và nuôi làm thức ăn thường xuyên cho rắn, nhờ vậy đã tiết kiệm được một khoản khá lớn.
Năm 2011, mô hình nuôi rắn hổ trâu đã mang lại cho gia đình anh nguồn lãi 80 triệu đồng. Hiện tại, trong chuồng rắn nhà anh có khoảng 200 rắn hổ trâu đã sinh sản, dự tính số rắn con anh sẽ để lại nuôi và bán 200 con đủ thời gian thu hoạch. Dự tính nếu giá bán từ 500.000/kg thì anh sẽ thu lãi hơn 100 triệu đồng.
Theo anh Tiền chia sẻ, những hộ nghèo không có điều kiện đầu tư vốn cao thì nuôi rắn rất hiệu quả, tốn ít vốn mà giá cả khá ổn định, mỗi hộ có thể nuôi khoảng 10 con, đến cuối năm có thể thu về 20 - 30 triệu đồng. Anh cũng sẵn sàng chia sẻ về kinh nghiệm nuôi rắn, kỹ thuật làm chuồng cho những hộ có nhu cầu tìm hiểu.
Có thể bạn quan tâm

Tận dụng những vạt đồi, sườn núi, chân ruộng cao khó khăn về nước tưới, nông dân xã Tiền Phong, huyện Yên Dũng (Bắc Giang) đã đưa cây kim tiền thảo vào trồng tại địa phương. Sau vài năm, loại cây dược liệu này đã mang lại thu nhập cao cho các hộ.

Vài năm trở lại đây, chuối tiêu nổi lên là giống cây trồng cho lợi nhuận cao vì nhu cầu thị trường xuất khẩu lớn. Diện tích chuối tiêu ngày càng mở rộng, nông dân đầu tư trồng giống nuôi cấy mô vì giống này cho năng suất cao, chất lượng đồng đều nên đáp ứng được tiêu chuẩn xuất khẩu.

Tháng tám ở Sông Mã (Sơn La), đây là thời điểm bà con nông dân các xã đang bước vào thu hoạch nhãn chính vụ. Đi dọc Quốc lộ 4G, từ Mường Sai, Chiềng Khương, Chiềng Cang, Chiềng Khoong đến Thị trấn có thể dễ dàng bắt gặp những chiếc xe tải trọng lớn, chở đầy nhãn nối đuôi nhau đưa đặc sản của huyện biên giới Sông Mã đến với mọi miền quê.

Quả hồng giòn ở A Lưới (Thừa Thiên Huế) rớt giá thê thảm khiến các hộ nông dân gặp khó khăn trong việc tái tạo vườn cây…

Hiện nay có đến 80% sản lượng thanh long Bình Thuận xuất sang thị trường Trung Quốc. Do đó, khi “thâu tóm” được phần lớn các vựa thanh long tại Bình Thuận, thương lái Trung Quốc “vô tư” làm giá, không chỉ với các thương lái người Việt mà cả với người Trung Quốc yếu cơ hơn…