Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Mô Hình Nuôi Gà Ri Đạt Hiệu Quả Cao Và Không Ô Nhiễm Môi Trường

Mô Hình Nuôi Gà Ri Đạt Hiệu Quả Cao Và Không Ô Nhiễm Môi Trường
Ngày đăng: 21/09/2013

Đó là mô hình nuôi gà ri trên nền “Đệm lót sinh thái” của chị Đoàn Thị Kim Uyên, ở ấp Phú Lợi B (Phú Kiết, Chợ Gạo - Tiền Giang) đã áp dụng có hiệu quả kinh tế cao trong những năm qua, đặc biệt tránh được mùi hôi thối và không ô nhiễm môi trường chung quanh, điều mà từ lâu nay hộ chăn nuôi nào cũng mong muốn.

Theo anh Trần Văn Hòa, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Chợ Gạo, phong trào chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn Chợ Gạo luôn là thế mạnh trong phát triển kinh tế gia đình ở vùng này, đàn gia cầm hiện nay khoảng 1,8 triệu con, chủ yếu gà công nghiệp, vịt và gà tàu thả vườn...

Thế nhưng vấn đề xử lý về môi trường vẫn là chuyện rất khó khăn và phức tạp, đặc biệt là ở các trang trại chăn nuôi và hộ chăn nuôi gần khu dân cư. Gia đình chị Kim Uyên là một trong những hộ tiên phong của huyện mạnh dạn sử dụng “Đệm lót sinh thái” (đệm lót sinh học) trong chăn nuôi gà, khử được mùi hôi thối và không ô nhiễm môi trường; đồng thời cho thu nhập cao.

Đến trại nuôi gà ri của chị Kim Uyên ở khu vực chung quanh nhà, diện tích khoảng 4.000m2 với đàn gà ri hiện nay trên 5.000 con trong 4 dãy chuồng lồng, chưa kể đàn gà con giống 2.000 con đang ương. Ở đây chị Kim Uyên nuôi gà ri theo quy trình khép kín vừa đáp ứng nhu cầu gà giống cho các hộ chăn nuôi, vừa xuất gà thịt ra thị trường, nhất là ở TP. Hồ Chí Minh. Do vậy, khách hàng đến đây mua từ trứng gà thương phẩm, gà con giống đến gà thịt thương phẩm… trại gà của gia đình chị đều đáp ứng cả.

Chị Kim Uyên cho biết, sau nhiều năm với nghề chăn nuôi gia súc, gia cầm tại gia đình, nhiều lúc cũng khó khăn, vất vả do dịch bệnh và giá cả thị trường thường xuyên biến động ảnh hưởng đến người chăn nuôi, nhưng gia đình chị vẫn kiên trì bám trụ với nghề chăn nuôi, từng bước khắc phục để vượt qua.

Bởi lẽ, vùng đất ở đây trồng cây ăn trái hàng năm cho thu nhập không được bao nhiêu, hơn nữa đất đai của gia đình lại ít cho nên gia đình chị quyết chí với nghề đã chọn và tìm hiểu trên sách vở, trên các phương tiện thông tin đại chúng về những ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong chăn nuôi để áp dụng cho gia đình.

Cuối cùng, chị quyết định nuôi gà ri, sử dụng “Đệm lót sinh thái” với chế phẩm Balasa- NO1 rải trên nền mụn cưa dày 1,5 tấc, thực hiện theo hướng dẫn của nhà sản xuất và ngành Khuyến nông huyện. Kết quả thực tế trong những năm qua đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, khử được mùi hôi thối và không ô nhiễm môi trường, đàn gà luôn phát triển tốt.

Kinh nghiệm thực tế ở trại nuôi gà ri của chị Uyên cho thấy, với phương pháp này, phân gà bị phân hủy hết nên mùi hôi thối, khí độc trong chuồng cũng không còn, từ đó cải thiện được môi trường sống cho vật nuôi và người lao động, tạo cơ hội phát triển chăn nuôi cho những hộ ở khu dân cư.

Vấn đề quan trọng là không phải thay đổi đệm lót trong suốt quá trình chăn nuôi, do đó giảm tối đa nhân công dọn chuồng và vật liệu làm đệm lót; giảm tối đa tỷ lệ mắc bệnh, đặc biệt là bệnh tiêu chảy; tăng cường chất lượng đàn gà và chất lượng sản phẩm.

Úm gà trên nền đệm lót sẽ cho gà khỏe mạnh, đồng đều, ít bệnh và tăng trưởng tốt. Gà nuôi trên nền đệm lót không bị thối bàn chân, không bị què chân, lông tơi mượt và sạch, thịt chắc, giảm tồn dư kháng sinh. Do vốn đầu tư giảm nhiều so với cách nuôi trước đây nên người chăn nuôi có lãi nhiều.

Theo tính toán ở trại chăn nuôi của chị Kim Uyên, đàn gà ri đang phát triển, sau khi trừ tất cả chi phí, bình quân 1.000 con lãi khoảng 300.000 đồng/ngày. Điều chúng tôi rất tâm đắc, với đàn gà trên 5.000 con, nhưng chỉ một mình chị đảm đang chăm sóc, cho ăn uống… cho đến thu hoạch và xuất ra thị trường.

Được biết, chồng chị là cán bộ nhà nước, hàng ngày phải đi làm, đứa con gái duy nhất cũng đang học đại học năm thứ 2, trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh.


Có thể bạn quan tâm

Ớt Sừng Vàng Châu Phi Tăng Giá Ớt Sừng Vàng Châu Phi Tăng Giá

Hiện tại, giá ớt được thu mua với giá 40.000 đồng/kg. Cứ cách 2 ngày anh thu hoạch một lần, năng suất từ 40 - 50kg/công, vào những đợt thu hoạch rộ ớt sừng vàng châu Phi còn cho năng suất 150-180kg/công. Sau khi trừ hết chi phí, anh lời từ 30 triệu đồng - 40 triệu đồng/2 công ớt”.

22/09/2014
Nâng Cao Giá Trị Ngành Hàng Xoài Nâng Cao Giá Trị Ngành Hàng Xoài

Vừa qua, tại Khu du lịch Mỹ Trà, TP. Cao Lãnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức diễn đàn về ngành hàng xoài. Đại diện Viện Cây ăn quả Miền Nam, Viện Nghiên cứu phát triển đồng bằng sông Cửu long, Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu II, các sở, ngành, doanh nghiệp, công ty, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh cùng với gần 200 nông dân là nhà vườn các huyện Cao Lãnh, Lấp Vò và TP. Cao Lãnh tham dự diễn đàn.

22/09/2014
Vị Xuyên Nhiều Diện Tích Lúa Hè Thu Bị Rầy Nâu Gây Hại Vị Xuyên Nhiều Diện Tích Lúa Hè Thu Bị Rầy Nâu Gây Hại

Hiện tại, khoảng 20% diện tích bị rầy nâu gây hại trong số 900ha lúa hè - thu trà sớm (giai đoạn chín) đang được thu hoạch. Còn số diện tích lúa hè - thu chính vụ (giai đoạn ngậm sữa) bị rầy nâu gây hại cũng đã được người dân dùng nhiều biện pháp để diệt trừ.

22/09/2014
Đổi Thay Ở Hỏa Tiến Đổi Thay Ở Hỏa Tiến

Trong thời chiến, xã Hỏa Tiến là vùng đất anh hùng. Còn trong thời bình, Đảng bộ, chính quyền và người dân nơi đây luôn vững vàng ý chí, cùng một niềm tin và quyết tâm trong “cuộc chiến” chống đói nghèo và công cuộc xây dựng quê hương ngày một giàu đẹp.

22/09/2014
Người Xây “Thiên Đường” Tôm Trên Cát Người Xây “Thiên Đường” Tôm Trên Cát

“Đây thực sự là thiên đường nuôi tôm trên cát” - một bậc thầy trong lĩnh vực thủy sản ở Quảng Nam đã đúc rút điều này khi tận mắt chứng kiến “cơ ngơi” của chị Nguyễn Thị Hạnh - Giám đốc Công ty TNHH Sao Đại Dương (Thạch Trị - Thạch Hà). Bí quyết “vẽ” nên bức tranh hoàn mĩ ấy chính là tập thể những con người đang gắn bó máu thịt với từng hồ tôm, với niềm tin tuyệt đối vào tấm lòng và bản lĩnh của nữ giám đốc này.

22/09/2014