Mô Hình Nuôi Cá Xen Trong Vườn Dừa Giúp Người Dân Xã Phú Vang Thoát Nghèo

Phú Vang là một trong những xã nghèo của huyện Bình Đại, với diện tích tự nhiên 997ha, trong đó diện tích đất sản xuất nông nghiệp là 641ha, dân số toàn xã 1.184 hộ, trong đó có 189 hộ nghèo chiếm tỷ lệ 16,13%. Kinh tế chủ yếu là trồng lúa và dừa, tiềm năng về nuôi thủy sản với hình thức xen canh khá mạnh nhưng chưa được đầu tư khai thác có hiệu quả, chủ yếu là hình thức nuôi nhử tôm, cá từ tự nhiên hiệu quả thấp.
Để khai thác có hiệu quả tiềm năng đất đai, giúp các hộ nghèo trên địa bàn xã nâng cao thu nhập và thóat nghèo. Chi cục Phát triển nông thôn đã đầu tư xây dựng mô hình nuôi cá xen trong vườn dừa cho 40 hộ nghèo từ nguồn vốn khuyến nông năm 2010, bình quân mỗi hộ với diện tích 500m2 mặt nước, thời gian thực hiện mô hình từ tháng 8 đến tháng 12 năm 2010.
Mô hình đã hỗ trợ (không thu hồi) cho các hộ nuôi các số tiền 118.174.400 đồng (bao gồm hỗ trợ 100% giá trị con giống với tổng số tiền 11.000.000 đồng; thức ăn là 87.174.400 đồng; hoá chất xử lý nước 20.000.000 đồng) và người nuôi đóng góp 11.000.000 đồng.
Trong quá trình thực hiện Chi cục Phát triển nông thôn, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND xã tổ chức cấp phát tài liệu, tập huấn kỹ thuật cho các hộ dân, đồng thời thường xuyên theo dõi, kiểm tra định kỳ ao nuôi và hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ bệnh cho từng giai đoạn phát triển của cá nuôi.
Hầu hết các hộ tham gia mô hình đều nắm được quy trình kỹ thuật nuôi cá và áp dụng đúng kỹ thuật từ khâu cải tạo ao, chọn con giống, chăm sóc cá nuôi và phòng trừ bệnh.
Qua 5 tháng thả nuôi, cá phát triển tốt, tỷ lệ sống bình quân đạt trên 90%, trọng lượng trung bình cá rô phi 300-400g/con, cá trắm cỏ 400g/con, cá chép 250-300g/con, kết quả bước đầu bình quân mỗi hộ dân có lãi khoảng 3.000.000đồng.
Thông qua mô hình đã trang bị kiến thức cho các hộ dân về kỹ thuật nuôi, cách chăm sóc, phòng trị bệnh cho cá nước ngọt, đồng thời hỗ trợ một phần kinh phí cho đối tượng là hộ gia đình nghèo thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm sản xuất, góp phần tạo công ăn việc làm, tăng thêm thu nhập, ổn định cuộc sống cho hộ dân, giảm bớt tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã.
Đây là mô hình sản xuất vốn đầu tư ít, kỹ thuật tương đối đơn giản, hiệu quả khá,… rất phù hợp đối với các hộ dân nghèo vùng nông thôn cần được quan tâm nhân rộng trong thời gian tới.
Có thể bạn quan tâm

Dự án sản xuất phát triển kinh tế hộ được triển khai đến các hộ nghèo trên địa bàn xã Bình Đức (Châu Thành - Tiền Giang), từ tháng 8-2012 đến tháng 8-2013 với sự tham gia của 20 hộ. Đây là những hộ khó khăn, không có nhiều đất cũng như vốn sản xuất nhưng chăm chỉ làm ăn và mong muốn thoát nghèo.

Vụ thu đông năm nay, toàn huyện Tân Yên (Bắc Giang) trồng 265 ha dưa hấu, tăng 160 ha so với cùng kỳ năm ngoái với các giống có năng suất, chất lượng cao như: Trang Nông 1786, Trang Nông 575, Tai Sơn 46, Tai Sơn 54. Ba xã dẫn đầu toàn huyện về diện tích dưa hấu là Ngọc Lý, An Dương, Cao Xá.

Chúng tôi lấy làm ngạc nhiên khi chứng kiến mô hình xen canh nho - trôm độc đáo của anh Phương Bảo Toàn 51 tuổi ở thôn Đắc Nhơn 1, xã Nhơn Sơn (Ninh Sơn - Ninh Thuận). Hàng chục cây trôm thẳng đứng tỏa cành tạo “mái che” xanh mát cho vườn nho đang mùa đơm bông kết trái. Mô hình nho - trôm đem lại hiệu quả kinh tế cao giúp gia đình anh bảo đảm cuộc sống no ấm, góp phần xây dựng nông thôn mới.

Vào một ngày đầu đông, chúng tôi có dịp tìm tới trang trại gà siêu trứng của ông Đôn Đức Hùng tại Phượng Cách, huyện Quốc Oai, Hà Nội. Từ một người tàn tật, giờ đây ông Hùng không chỉ làm giàu cho bản thân mà còn giúp đỡ nhiều người, giúp họ có công ăn việc làm ổn định.

Ngày 27/5, UBND tỉnh Kon Tum cho biết, nhằm khai thác tối đa lợi thế đất đai, khí hậu của vùng đất phía Bắc và Đông Bắc của tỉnh bao gồm 03 huyện Đăk Glei, Tu Mơ Rông và Kon Plông, tỉnh khẩn trương xây dựng Đề án Hỗ trợ phát triển cà phê chè tại các huyện này.