Mô Hình Nhà Sạch - Vườn Đẹp

Thực hiện nội dung đột phá “Nhà sạch-vườn đẹp và làm đường giao thông nông thôn” trong Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) của huyện Quản Bạ trong năm 2013, xã Quyết Tiến đã chọn thôn Vĩnh Tiến thực hiện làm điểm. Sau 6 tháng triển khai, đến nay đã có 48/48 hộ gia đình của thôn đạt tiêu chí “Nhà sạch - vườn đẹp”.
Nằm sát Quốc lộ 4C, thôn Vĩnh Tiến, xã Quyết Tiến (Quản Bạ) có 48 hộ, với hơn 200 nhân khẩu, trong đó khoảng 90% đồng bào là dân tộc Kinh ở các tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc lên định cư từ những năm 1970; người dân ở đây có tinh thần tự giác, ý thức, trách nhiệm cao trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; đây được xem là một thuận lợi lớn để triển khai thực hiện chương trình.
Ông Phùng Minh Thắng, Trưởng thôn Vĩnh Tiến cho biết: Ngay khi nhận được kế hoạch của xã, thôn đã chủ động tổ chức họp dân, phổ biến các nội dung liên quan đến các chủ trương, chính sách cụ thể của tỉnh, huyện trong việc hỗ trợ người dân xi măng thực hiện các phần việc như láng nền nhà, bó hè, di chuyển chuồng trại gia súc ra xa nhà, làm tường rào, bể nước...
Cùng đó là, lập kế hoạch, xây dựng dãy công việc cụ thể theo từng nhóm tiêu chí đảm bảo phù hợp, các hộ dễ triển khai thực hiện. Nhà sạch là “sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ”; vườn đẹp là có hàng rào bằng tre, nứa hoặc xếp bằng đá phù hợp với mỗi gia đình và trồng các loại cây thuốc nam phục vụ chữa các bệnh thông thường; các loại rau, đậu, cây ăn quả. Vì đây là chủ trương đúng, hợp lòng dân nên đã nhận được sự ủng hộ, tham gia nhiệt tình của các tầng lớp nhân dân trong thôn.
Ngồi trong ngôi nhà 4 gian lợp ngói, được bài trí gọn gàng, anh Nguyễn Viết Sâm, thôn Vĩnh Tiến cho biết: Tháng 5.2013, gia đình anh nhận được 800 kg xi măng hỗ trợ từ xã; ngay khi được cấp xi măng, gia đình đã bỏ thêm tiền mua cát, sỏi, xi măng và bỏ công để làm bể nước, nhà vệ sinh và làm đường quanh khu vực vườn.
Từ khi thực hiện chương trình, được cán bộ xã tuyên truyền, hướng dẫn, gia đình tôi hiểu được lợi ích của việc gìn giữ vệ sinh đối với đời sống gia đình và xã hội. Tôi đã vận động các thành viên trong gia đình nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh, tạo môi trường, cảnh quan xanh-sạch-đẹp ngay chính trong nhà mình, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống, đẩy lùi dịch bệnh.
Cùng với gia đình anh Sâm, gia đình chị Nguyễn Thị Liễu khi được hỗ trợ xi măng cũng tiến hành tu sửa bể nước, bó hè nhà, làm khuôn viên trồng hoa. Theo chị Liễu, mức hỗ trợ 800 kg xi măng cho một hộ gia đình làm các phần việc trong chương trình “Nhà sạch-vườn đẹp” là quá ít, đa phần các hộ dân trong thôn phải bỏ thêm tiền để mua thêm vật liệu; song đó lại là động lực giúp gia đình tôi, các hộ dân khác có thêm quyết tâm và điều quan trọng hơn cả là “mình làm mình hưởng”.
Để phong trào lan toả sâu rộng, thôn luôn chú trọng công tác tuyên truyền, vận động các hộ nâng cao ý thức gìn giữ vệ sinh môi trường; tự giác dọn dẹp gọn gàng, sạch sẽ khu vực quanh nhà, ngoài ngõ, di chuyển chuồng trại gia súc, gia cầm ra xa nhà. Đến nay, 100% hộ gia đình trong thôn đạt tiêu chí “Nhà sạch-vườn đẹp”, đời sống người dân không ngừng được nâng lên cả về vật chất và tinh thần, trên 90% hộ dân có xe máy, ti vi; năm 2012, thu nhập bình quân đầu người của thôn đạt trên 12 triệu đồng.
Từ thành công trong xây dựng “Nhà sạch - vườn đẹp” của thôn Vĩnh Tiến, xã Quyết Tiến tiếp tục triển khai đến các thôn còn lại, trong đó ưu tiên phát triển theo chiều sâu và lấy chất lượng là chính. Mục tiêu lớn nhất của xã là phấn đấu xây dựng thói quen ứng xử với môi trường sống, không ngừng nâng cao đời sống cả về vật chất và tinh thần của người dân ngay trong từng hộ gia đình. Một cuộc sống mới đang về với thôn Vĩnh Tiến, bắt nguồn từ những phong trào, hành động mà người dân đang cùng chung tay hưởng ứng, cùng nhau xây dựng đó là phong trào xây dựng “Nhà sạch - vườn đẹp”.
Có thể bạn quan tâm

Sáng nay 30-3, Tổng Cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) phối hợp với UBND tỉnh Phú Yên tổ chức Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Chiến lược phát triển Thủy sản Việt Nam và triển khai đề án “Tái cơ cấu ngành thủy sản”.

Chuyện đã qua, nhưng hậu quả thì đến hôm nay vẫn chưa giải quyết được, mà trước hết là sự lúng túng trong việc hỗ trợ vốn để người dân tái đầu tư, gây dựng lại thương hiệu tu hài Vân Đồn...

Thôn Phước Thiện, xã Bình Hải (huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) lâu nay người dân thường trồng cây phi lao (dương liễu). Tuy không đem lại giá trị kinh tế cao, những cánh rừng phi lao dọc bờ biển này có tác dụng chắn gió, chắn cát và giữ đất. Nhưng trước sức hút của con tôm, người dân đã chặt phá hết cây, thuê xe máy đào, máy ủi bạt rừng để lấy đất đào hồ nuôi tôm. Gia đình bà Trương Thị Vân trước đây làm nghề đi biển, nhưng thấy nuôi tôm có giá nên cũng thuê đất đào hồ tôm.

Nhằm góp phần bảo vệ & phát triển nguồn lợi thủy sản, nằm trong các hoạt động hướng tới kỷ niệm 55 năm Ngày truyền thống ngành Thủy sản (1-4-1959 - 1-4-2014), vừa qua tại khu vực nuôi trồng thủy sản ấp Cồn Cống, xã Phú Tân, Chi cục Thủy sản phối hợp với Hội Nghề cá tỉnh, Phòng NN&PTNT huyện Tân Phú Đông (Tiền Giang) và chính quyền xã tổ chức thả 60 ngàn con tôm sú giống ra môi trường thiên nhiên.

Từ đầu năm đến nay, giá heo thịt, heo giống trên địa bàn tỉnh Bình Định tăng khá mạnh. Thời điểm này, giá heo hơi được các thương lái thu mua trên địa bàn thị xã An Nhơn, Tuy Phước, Phù Cát… dao động từ 40.000 - 45.000 đồng/kg, heo giống từ 68.000-75.000 đồng/kg.