Mô Hình Hợp Tác Xã Giúp Bà Con Yên Tâm Nuôi Cá

Với hiệu quả kinh tế mang lại, trong những năm gần đây mô hình nuôi cá lóc thương phẩm trong ao đất phát triển mạnh, được nông dân Khu phố 2, Phường Vĩnh Lợi, Thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang, hưởng ứng nuôi rất nhiều, trong số đó có hộ bà Phạm Thị Ém (số nhà 196 - đường Nguyễn Biểu) - một xã viên Hợp tác xã nuôi cá Thắng Lợi là một điển hình.
Trước khi nuôi cá gia đình bà sinh sống bằng nghề làm ruộng nhưng với diện tích nhỏ nên cuộc sống gặp khó khăn, từ khi Hợp tác xã (HTX) nuôi cá Thắng Lợi thành lập, gia đình bà đã chuyển sang đào ao nuôi cá với diện tích ban đầu 300m2 thả 10.000 con cá giống. Bà chọn con giống khỏe mạnh, kích cỡ đồng đều, không bị dị tật.
Để chủ động và ổn định, bà đã hợp đồng với xí nghiệp chế biến thủy sản mua phụ phẩm chế biến về xay cho cá ăn. Hàng ngày cho cá ăn, bà luôn quan sát và kiểm tra các sàng ăn để biết sức khỏe của cá và tăng giảm lượng thức ăn cho phù hợp.
Đồng thời, để đảm bảo môi trường nước nuôi không bị ô nhiễm bà thay nước hàng ngày, khoảng 20 – 30% lượng nước trong ao. Sau 5 tháng nuôi, gia đình bà thu hoạch cá, trừ các khoản chi phí còn lãi gần 24 triệu.
Không dừng lại ở đó, với sự quyết tâm với nghề nuôi cá lóc, bà đã đi học hỏi thêm kinh nghiệm nuôi cá lóc và tham gia các buổi tập huấn kỹ thuật, học tập qua sách báo, qua bạn bè, nay bà khá thành công trong mô hình nuôi cá lóc ở khu phố 02 phường Vĩnh Lợi.
Đến nay gia đình bà đã mở rộng thêm diện tích nuôi 825 m2 (2 ao), số lượng giống thả 60.000 con. Gia đình mướn thêm người vận chuyển, xay thức ăn, trông coi và bảo quản ao. Sau gần 5 tháng nuôi gia đình bà thu hoạch trên 13 tấn cá, với giá cá trong thời điểm đầu năm 2014 xuống chỉ còn 35.000 đồng/kg, bà thu gần 460 triệu đồng, trừ các khoản chi phí gia đình còn lãi gần 75 triệu đồng.
Bà Ém bộc bạch: “Mỗi vụ (5 tháng) nuôi cá như vậy trừ chi phí cải tạo, công chăm sóc, con giống, thức ăn, công thu hoạch tôi vẫn còn lãi, nếu như giá cả không xuống, giữ được như mọi năm thì còn lãi hơn nhiều, tuy nhiên nhờ có HTX hỗ trợ kỹ thuật nuôi, đảm bảo nguồn thức ăn và đầu ra sản phẩm nên gia đình vẫn tiếp tục nuôi cá các vụ tới”.
Hiện ở khu phố 2, phường Vĩnh Lợi có 20 hộ nuôi, những hộ nuôi này ngoài được đào tạo qua các lớp tập huấn, HTX nuôi thủy sản còn hợp đồng với xí nghiệp chế biến thủy sản để cung ứng nguồn thức ăn ổn định cho bà con. Với mô hình này không những giúp gia đình bà Ém mà còn tạo điều kiện cho các thành viên trong HTX nuôi cá đạt hiệu quả, mang lại nguồn thu nhập ổn định.
Có thể bạn quan tâm

Sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết giữ ổn định 3,8 triệu ha đất lúa đến năm 2020, có ý kiến lo ngại khó thực hiện được chủ trương này, nhưng thực tế hiện nay tốc độ chuyển đổi đã chậm lại; thậm chí có địa phương xin chuyển đổi mục đích sử dụng, quay lại trồng lúa !

Đưa về những giống lúa mới, giúp nông dân ứng dụng có hiệu quả các tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất, đặc biệt, thực hiện tốt việc liên doanh liên kết, giải quyết đầu ra ổn định cho sản phẩm của nông dân - đó là những gì mà từ nhiều năm nay, Hợp tác xã nông nghiệp (HTXNN) Liên Thôn, xã Tuyết Nghĩa, huyện Quốc Oai đã làm được.

Các loại ngô ngọt, ngô rau dùng làm nguyên liệu cho chế biến thực phẩm sẽ cho hiệu quả kinh tế cao vì bán được giá, thời gian sinh trưởng ngắn (chỉ khoảng 65-90 ngày)

Bà Trịnh Thị Ái Linh, Phó chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Phú Yên cho biết: Tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi ven biển ở các huyện Đông Hòa, Tuy An và Sông Cầu đã tạm lắng, không phát hiện thêm vùng nuôi mới bị nhiễm bệnh.

Với quy trình công nghệ hiện đại khép kín từ khâu nuôi đến chế biến, xuất khẩu… Trại cá sấu Tồn Phát, ở ấp Ràng, xã Trung Lập Thượng, huyện Củ Chi (TP.HCM) hiện đã được Tổ chức Bảo vệ Động vật Hoang dã Quốc tế (CITES) cho phép xuất khẩu cá sấu, góp phần mang lại lợi nhuận không nhỏ cho người nuôi.