Mô Hình Bẫy Cây Trồng

Vụ hè thu 2011, Phòng NN-PTNT huyện Phú Hòa triển khai mô hình bẫy cây trồng diệt chuột tại 7 HTX nông nghiệp. Theo đánh giá của ngành nông nghiệp, mô hình này rất hiệu quả trong việc diệt chuột bảo vệ mùa màng.
HIỆU QUẢ CAO
Theo Sở NN-PTNT, chuột không chỉ gây hại nghiêm trọng trên các loại cây trồng như lúa, rau màu, hoa… mà còn phá vỡ kết cấu bờ mương, bờ ruộng dẫn đến hàng năm phải đầu tư khoản kinh phí lớn để sửa chữa. Còn đối với nông dân, tình trạng chuột cắn phá lúa là mối lo hàng đầu. Để giúp nông dân diệt chuột bảo vệ mùa màng, vào đầu vụ sản xuất, phòng kinh tế cũng như phòng NN-PTNT các huyện, thị xã, thành phố thường đầu tư kinh phí từ chương trình khuyến nông để mua thuốc diệt chuột, hỗ trợ cho HTX bỏ bã và phát động phong trào diệt chuột. Tuy nhiên, biện pháp này không đem lại hiệu quả cao, chuột sinh sôi di chuyển từ đồng này sang đồng khác cắn phá lúa, gây thiệt hại khá lớn cho nông dân.
Mô hình bẫy cây trồng của huyện Phú Hòa được triển khai trên cánh đồng trước đây bị chuột gây hại nghiêm trọng thuộc các HTX Nông nghiệp: Hòa An Đông, Hòa Trị 2, Hòa Quang Nam, Hòa Quang Bắc, Hòa Định Đông, Hòa Thắng 2 và Hòa Định Tây 1. HTX Nông nghiệp Hòa An Đông đã chọn 1.600m2 ruộng lúa để đặt bẫy và chọn 10ha ruộng không đặt bẫy để so sánh. Ruộng đặt bẫy diệt chuột được xuống giống sớm hơn các ruộng lúa khác 10 ngày với loại giống có hương thơm nhẹ. Kết quả trong vòng hai tuần đã bắt được 216 con chuột và đến thời điểm cuối lúa đẻ nhánh, số chuột vào bẫy đã lên đến 464 con. Ông Lê Văn Tiến, Phó Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Hòa An Đông cho biết: “Hiện nay, chuột là đối tượng gây hại rất nguy hiểm và khó phòng trừ, mô hình làm bẫy cây trồng này rất hiệu quả. Vụ này nông dân có ruộng gần khu vực đặt bẫy rất vui mừng vì chuột không cắn phá như trước nữa”.
Tương tự, tại HTX Nông nghiệp Hòa Trị 2, với 850m2 ruộng đặt bẫy, chỉ trong một thời gian ngắn đã bắt được 113 con chuột. Theo nhiều nông dân ở đây thì năm nào họ cũng mua thuốc đặt bã nhưng chuột có tính đa nghi không ăn mà cắn lúa xơ xác đến “nóng mặt”, có người dùng ni lông “bẹo” trắng đồng để dọa chuột, nhưng vẫn không ngăn chặn được. Nay áp dụng mô hình đặt bẫy cây trồng chỉ trong một khoảng diện tích nhỏ làm bẫy hom đã tiêu diệt được hàng trăm “ông tí”. HTX Nông nghiệp Hòa Trị 2, hiện có 13 hộ dân lắp 46 bẫy hom bắt được 1.570 con chuột. Theo đánh giá của Phòng NN-PTNT huyện Phú Hòa, hiệu quả mang lại là có những đám ruộng trước đây chuột gây hại đến 70% nay giảm rõ rệt.
CẦN NHÂN RỘNG
Để mô hình bẫy cây trồng diệt chuột mang lại hiệu quả cao đòi hỏi ruộng đặt bẫy phải gieo sạ trước lịch thời vụ gieo sạ đại trà trên cùng một cánh đồng từ 10-20 ngày. Khi ruộng đặt bẫy sạ trước, ruộng còn lại chưa được xuống giống, chuột thiếu thức ăn, gặp ruộng bẫy có lúa mộng hoặc lúa non là loại thức ăn mà chuột rất thích nên kiếm chỗ chui vào các lỗ hom của bẫy. Tuy nhiên, do không chủ động được nước tưới nên vừa qua huyện Phú Hòa chỉ có 7 HTX áp dụng được, còn lại 5 HTX Nông nghiệp: Hòa Định Tây 2, Hòa Thắng 1, Hòa An Tây, Hòa Trị 1 và thị trấn Phú Hòa không tổ chức đặt bẫy được. Theo kế hoạch của Phòng NN-PTNT huyện Phú Hòa, các HTX Nông nghiệp này sẽ triển khai lắp đặt bẫy trong vụ đông xuân 2011-2012 đến. Ông Nguyễn Siêng, Phó Phòng NN-PTNT huyện Phú Hòa, cho biết: “Qua theo dõi các bẫy cây trồng được lắp đặt trước khi gieo sạ càng sớm càng thu hút chuột. Từ hiệu quả của mô hình này, trong vụ đông xuân 2011-2012 huyện sẽ duy trì và nhân rộng mô hình, phấn đấu mỗi cánh đồng xây dựng một bẫy cây trồng diệt chuột”.
Cũng theo ông Siêng, vụ lúa hè thu 2011, huyện Phú Hòa hỗ trợ 195kg giống lúa thơm OM 6976 và 120 bẫy hom, đồng thời tập huấn cán bộ trực tiếp lắp đặt ruộng bẫy. Mô hình đặt bẫy cây trồng diệt chuột chủ động và bền vững nên bà con nông dân cần tích cực tham gia
Có thể bạn quan tâm

Theo dự báo năm nay, tình hình khô hạn sẽ diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến sản xuất. Nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do hạn hán gây ra, Sở NN&PTNT khuyến cáo nông dân huyện Thuận Nam tạm ngưng sản xuất vụ hè-thu năm 2014.

Đến nay, Trạm Thú y huyện đã tổ chức phun hóa chất khử trùng và tiêm phòng được 28 ngàn liều vac-xin phòng cúm gia cầm chủng H5N1 Re-6. Dự kiến đến ngày 30-3, Trạm Thú y huyện hoàn thành việc tiêm phòng bệnh cúm cho đàn gia cầm.

Giá heo lên đỉnh điểm 51-52 ngàn/kg, cứ 1 con heo nặng 1 tạ, sau 4 tháng người nuôi lãi bình quân 1 triệu đồng làm nhiều hộ lại đổ xô vào nuôi.

Sở NN-PTNT tỉnh cho biết, vụ Hè Thu năm nay, tỉnh ta tiếp tục xây dựng 130 cánh đồng mẫu lớn (CĐML), trong đó có 122 CĐML sản xuất lúa, diện tích 5.000 ha; 5 cánh đồng sản xuất đậu phụng, diện tích 300 ha; 2 cánh đồng mía, diện tích 100 ha và 1 cánh đồng mì, diện tích 50 ha.

Đắk Mil được xem là một trong các địa phương có điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng tốt giúp cho các loại cây trồng, vật nuôi phát triển một cách thuận lợi, mang lại năng suất cao. Để hướng tới sự phát triển bền vững, hiện tại, huyện đang đề xuất với ngành chức năng danh sách các nguồn gen cần được bảo tồn trong thời gian tới.