Mía, mì héo hắt vì hạn

Giữa trưa, tại vùng mía thuộc thôn Lam Sơn (xã Ninh Sim), 10ha mía của ông Lê Mạnh Hùng (thôn Lam Sơn) xơ xác dưới những đợt gió nóng. Ông Hùng chia sẻ: “Từ tháng 4 tới nay, cứ 1 tuần/lần, tôi phải bơm nước từ suối lên cứu mía, tưới giáp vòng một đợt mất khoảng nửa tháng, chi phí cho mỗi lần tưới hết 800.000 đồng. Tuy vậy, đến thời điểm này, nước suối cũng đã cạn kiệt, không thể tiếp tục bơm tưới được nữa...”. Ông Hùng còn lo bệnh trắng lá mía hoành hành. Vụ trước, ông có 4ha mía bị trắng lá, sản lượng chỉ còn 20%, thất thu 70 triệu đồng. Năm nay, bệnh trắng lá tiếp tục phát triển với diện tích 1ha, ông đã nhổ bỏ một số. Tuy nhiên, theo ông, nếu trời mưa, bệnh này sẽ còn lây lan mạnh hơn.
Những diện tích mía lưu gốc còn có thể chống đỡ với thời tiết khắc nghiệt, còn diện tích mía trồng mới, mầm bị điếng do thiếu nước nên chết hàng loạt. Bà Phùng Thị Tuyết Vân (thôn Lam Sơn) cho biết, vừa qua, bà phải phá bỏ 2,5ha mía do thiếu nước, mầm khô. Bà chuyển toàn bộ diện tích này sang trồng mì; thế nhưng, hom mì cũng không được, mầm chết khô, thiệt hại hàng chục triệu đồng. Ông Nguyễn Hà Trung - Chi hội trưởng Chi hội Nông dân thôn Lam Sơn cho biết, toàn thôn có 280ha mía, mì (160ha mía). Thời gian gần đây, tình hình nắng nóng đã làm thiệt hại 70% diện tích mía, 100% diện tích mì, chủ yếu là những ruộng mía, mì giống.
Theo ông Trương Công Danh - Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Ninh Sim, xã có gần 2.000ha đất nông nghiệp, trong đó mía 1.500ha, mì 200ha, còn lại là hoa màu. 9 tháng qua, địa bàn xã không có mưa nên các ao, hồ, suối đã khô cạn. Nắng hạn cộng với gió Nam khô nóng khiến cây trồng héo rũ, đặc biệt là các diện tích trồng mới đều bị chết. Ước tính, diện tích mía chết 200ha, mì chết 100ha, thiệt hại bình quân 22 triệu đồng/ha mía, 12 triệu đồng/ha mì. Xã đang thống kê diện tích thiệt hại trình thị xã hỗ trợ.
Tại các cánh đồng mía của xã Ninh Tây, rải rác đã có nhiều diện tích mía non chết, để lại vùng đất trống. Theo ông Nguyễn Văn Được (thôn Xóm Mới), 0,5ha mía giống ông vừa đưa vào trồng cách đây 1 tháng hầu như không thể mọc lên được, ngọn mía thiếu nước chết mầm, tỷ lệ sống chỉ khoảng 10%, thiệt hại cả chục triệu đồng. Ông Y Ty - Chủ tịch Hội Nông dân xã Ninh Tây xác nhận, hàng trăm hecta mía, mì trên địa bàn xã bị thiệt hại.
Theo lãnh đạo Trạm Bảo vệ thực vật Ninh Hòa, thời tiết khắc nghiệt đã ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của cây trồng, chủ yếu là cây mía với diện tích bị héo hơn 2.000ha, tập trung tại 10 xã phía tây thị xã; tỷ lệ mọc mầm chỉ đạt 50 - 60%, có diện tích bị chết mầm cây con. Bệnh trắng lá mía tiếp tục gây hại trên diện tích mía lưu gốc khoảng 130ha. Trạm khuyến cáo nông dân tiến hành xới xáo kịp thời ruộng mía non để giữ ẩm cho đất, giúp cây mía có thể chịu được hạn; ngoài ra cần tiếp tục nhổ bỏ mía bị bệnh trắng lá đem tiêu hủy và xử lý vôi tại vị trí nhổ bỏ.
Ông Đặng Cửu - Trưởng phòng Kinh tế thị xã cho biết, do hầu hết các diện tích mía, mì đều nằm trong vùng có độ dốc, không có hệ thống thủy lợi nên không chủ động được nước tưới. Đến nay, thị xã vẫn chưa triển khai việc thống kê, rà soát diện tích thiệt hại do chưa có kinh phí hỗ trợ. Về bệnh trắng lá, năm 2014, kinh phí tỉnh hỗ trợ gần 5,6 tỷ đồng cho 2.100ha. Từ đầu năm đến nay, thị xã đã tổ chức 9 lớp chuyên đề cho khuyến nông viên và nông dân phòng, chống bệnh trắng lá mía, nhưng tình hình bệnh chưa thể dừng lại.
Trong tình hình nắng hạn kéo dài như hiện nay, thị xã cần chỉ đạo các xã thống kê, rà soát thiệt hại để có kế hoạch hỗ trợ cho nông dân.
Có thể bạn quan tâm

Vụ hành lá này, tuy năng suất có giảm vài chục phần trăm, nhưng người dân trồng hành lá ở Đại Tâm (Mỹ Xuyên - Sóc Trăng) vẫn không hề lo lắng, mà trái lại họ rất vui vì giá hành đang tăng lên từng ngày.

Lãnh đạo Metro Cash & Carry Việt Nam (Metro VN) cho biết, 40/55 hộ nông dân trồng rau quả, vùng nguyên liệu rau quả lớn nhất của Metro VN vừa được cấp giấy chứng nhận VietGAP.

Nhờ áp dụng mô hình bảo vệ thiên địch có lợi để khống chế dịch hại trên cây lúa, nông dân Nguyễn Tự Lực (xã Vĩnh Lộc, An Phú, An Giang) đã giảm giá thành sản xuất vụ đông xuân xuống còn 1.800 – 2.000 đồng/kg, tiết kiệm 1.500 đồng/kg so chi phí sản xuất bình quân vùng ĐBSCL (3.417 đồng/kg).

Trong một tháng trở lại đây, cây ngò gai bắt đầu có giá trở lại. Hiện thời điểm này, ngò gai ta giá dao động từ 21.000 - 22.000 đồng/kg. Còn giống ngò gai khác thì giá khoảng 17.000 - 18.000 đồng/kg.

Nhằm nghiên cứu, đánh giá khả năng thích nghi cũng như hiệu quả kinh tế từ trồng cây chùm ngây trên đồng đất Thái Nguyên, cuối năm 2014, Kỹ sư (KS) Vũ Trung Thành, thuộc Trung tâm thực hành Thực nghiệm (Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên) đã lập Dự án và được Hội đồng Khoa học của tỉnh phê duyệt đưa vào trồng thử nghiệm hơn 2ha cây chùm ngây tại địa bàn T.X Sông Công và huyện Đồng Hỷ bước đầu cho hiệu quả kinh tế cao.