Mang cuộc sống mới cho nông thôn

Sở KH&CN tỉnh đã thực hiện được các mô hình sản xuất cây giống chất lượng cao, phục vụ nhu cầu sản xuất cho nông dân.
Phục vụ nông nghiệp nông thôn
Trong giai đoạn 2011-2015, từ kinh phí sự nghiệp khoa học công nghệ (KHCN), tỉnh đã đầu tư xây dựng các mô hình sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật.
Trong đó, tập trung cho phát triển kinh tế nông nghiệp.
Tiêu biểu có mô hình sản xuất nấm ăn và nấm dược liệu thuộc dự án cấp bộ “Ứng dụng khoa học công nghệ xây dựng mô hình sản xuất các loại nấm ăn và nấm dược liệu tại tỉnh Hậu Giang”.
Dự án đã hỗ trợ toàn bộ 100% chi phí meo giống nấm rơm, bịch phôi các loại nấm ăn và nấm dược liệu, tập huấn kỹ thuật cho các hộ dân tại thành phố Vị Thanh, huyện Long Mỹ và huyện Phụng Hiệp.
Bước đầu, mô hình đã tạo điều kiện cho lao động nhàn rỗi có thêm thu nhập, góp phần đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp của địa phương.
Thông qua đó, bà con cũng được các cán bộ khoa học hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc nấm ăn và nấm dược liệu, kỹ thuật xây dựng mô hình trồng nấm.
Ông Lưu Công Bằng, ở ấp Mỹ Hiệp 1, xã Tân Tiến, thành phố Vị Thanh, cho biết: “Tham gia mô hình, tôi được cung cấp bịch phôi để trồng thử.
Sau thời gian thực hiện, tôi thấy mô hình cũng khá hiệu quả, góp phần tăng thu nhập cho gia đình”.
Mô hình trồng 50ha khóm Cầu Đúc theo tiêu chuẩn VietGAP cũng góp phần nâng cao phẩm chất cho trái khóm.
Sau ba năm triển khai xây dựng mô hình sản xuất khóm Queen “Cầu Đúc” theo tiêu chuẩn VietGAP, năng suất và chất lượng được cải thiện đáng kể.
Từ đó đã nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của trái khóm Queen “Cầu Đúc” Hậu Giang trên thị trường.
Đến nay, mô hình 50ha sản xuất khóm Queen “Cầu Đúc” theo tiêu chuẩn VietGAP vẫn được Hợp tác xã Nông nghiệp Thạnh Thắng, xã Hỏa Tiến, thành phố Vị Thanh tiếp tục duy trì, bởi hiệu quả thấy rõ.
Không chỉ vậy, Sở KH&CN tỉnh còn thực hiện hàng loạt các mô hình sản xuất giống cây, con chất lượng cao; trồng cây đặc sản theo tiêu chuẩn VietGAP; trồng lúa kết hợp nuôi thủy sản; xây dựng vùng chuyên canh cây ăn trái đặc sản...
Các mô hình đã góp phần tạo sức bật mới cho ngành nông nghiệp cả tỉnh.
Bảo hộ cho nông sản chủ lực
5 năm qua, hàng loạt nông sản chủ lực của tỉnh được Sở KH&CN tỉnh quan tâm đăng ký nhãn hiệu tập thể.
Cả tỉnh có nhiều mặt hàng nông sản chủ lực đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng nhãn hiệu chứng nhận, bảo hộ nhãn hiệu độc quyền là: lúa Hậu Giang 2, cá rô Hậu Giang, cam sành Ngã Bảy, chanh không hạt Hậu Giang, quýt đường Long Trị, cá thát lát Hậu Giang, khóm Cầu Đúc.
Hiện tại, 2 nông sản chủ lực là cam xoàn Phụng Hiệp và xoài cát Bảy Ngàn cũng đã được Sở KH&CN tỉnh gửi hồ sơ, dự kiến sẽ được công nhận trong năm tới.
Kết quả này góp phần đưa nông sản Hậu Giang đủ “năng lực” vươn ra thị trường trong nước và nước ngoài.
Ông Nguyễn Văn Thật, Giám đốc Hợp tác xã chanh không hạt Thạnh Phước, cho biết: Cũng nhờ được bảo hộ nhãn hiệu nên sản phẩm chanh không hạt của hợp tác xã tạo được uy tín, lòng tin với khách hàng trong và ngoài tỉnh.
Bởi vậy, số lượng chanh được đặt hàng xuất khẩu đến các nước châu Âu ngày càng gia tăng.
Có thể nhận thấy, hoạt động nghiên cứu, ứng dụng KH&CN đã có những đóng góp nhất định trong việc xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn, góp phần cho chương trình xây dựng nông thôn mới.
Công tác nghiên cứu, phối hợp với các ngành, địa phương ứng dụng kết quả KHCN đã mang lại những kết quả nhất định.
Song, sức lan tỏa vào sản xuất, đời sống chưa nhiều, số lượng kết quả đề tài nghiên cứu được ứng dụng vẫn còn khá khiêm tốn.
Nói về vấn đề này, Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Huỳnh Trường Vĩnh đã đưa ra giải pháp khắc phục trong thời gian tới: “Sau khi các đề tài, dự án báo cáo nghiệm thu, Sở KH&CN sẽ chuyển giao ngay kết quả nghiên cứu cho các đơn vị liên quan tiếp nhận, vận động cơ quan, doanh nghiệp xã hội hóa trong ứng dụng triển khai, nhân rộng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn.
Để KHCN trở thành phong trào rộng khắp trong toàn dân, nhằm làm tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế trên mọi lĩnh vực”.
Giai đoạn 2010-2015, Sở KH&CN tỉnh đã tổ chức xét duyệt, nghiệm thu cho gần 190 đề tài, dự án; chuyển giao kết quả nghiên cứu 115 đề tài, dự án cho các đơn vị tiếp nhận và triển khai ứng dụng vào thực tế.
Có thể bạn quan tâm

Sâm Ngọc Linh mọc chủ yếu trên đỉnh núi Ngọc Linh thuộc xã Trà Linh huyện Nam Trà My ở độ cao 1.200 - 2.100m. Đây là loại dược liệu cực kỳ quý hiếm nên sau 5 năm trồng và chăm sóc cho lợi nhuận hơn 30 tỷ đồng/ha. Vì thế, đây là cây thoát nghèo của người dân địa phương.

Vụ hè thu 2015, huyện Phước Sơn tổ chức sản xuất trên khoảng 40% diện tích so với tổng diện tích đông xuân 2014 - 2015. Tuy không bị áp lực cao bởi nắng hạn do vụ hè thu thường xuất hiện mưa dông, song do quản lý vận hành một số công trình thủy lợi, hồ chứa chưa tốt đã tác động không nhỏ tới sản xuất nông nghiệp.

Những năm qua, bên cạnh việc các hợp tác xã (HTX) phát huy vai trò “bà đỡ” thì nông dân nhiều địa phương cũng rất năng động liên kết với doanh nghiệp nhằm tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm.

Ngày đầu thành lập, dù gặp rất nhiều khó khăn nhưng sau gần 4 năm đi vào hoạt động, Quỹ Hỗ trợ ngư dân Quảng Ngãi đã thực sự trở thành “phao cứu sinh: đối với ngư dân. Ngay đầu năm 2015 đã có 2 gia đình ngư dân trong tỉnh nhận được nguồn hỗ trợ lớn để hiện thực hóa ước mơ đóng tàu vỏ thép vươn khơi bám biển để làm ăn hiệu quả hơn.

Tuy mang lại hiệu quả lớn nhưng hiện giờ, việc liên kết sản xuất lúa giống giữa nông dân, Hợp tác xã nông nghiệp (HTX) và doanh nghiệp sản xuất kinh doanh giống (DN) lại khó mở rộng diện tích vì nhiều lý do. Trong đó có chuyện nông dân và HTX chưa thực sự đặt niềm tin vào DN…