Lúa Thu Đông Có Lãi

Những ngày qua, lúa thu đông (TĐ-vụ 3) gieo sạ sớm ở Cần Thơ, Vĩnh Long, Đồng Tháp đang vào mùa thu hoạch.
Giá lúa tăng thêm 100-150 đ/kg so với tuần trước. Đối với các giống lúa chất lượng cao hạt dài có giá 5.050-5.100 đ/kg, tăng 300-500 đ/kg so với cùng kỳ năm 2013. Với mức giá này, sau khi trừ chi phí, nông dân có lãi được khoảng 1.000 đ/kg.
Nông dân phấn khởi
Hiện Cần Thơ là một trong những địa phương ở ĐBSCL có vùng lúa TĐ thu hoạch sớm nhất, tập trung nhiều ở huyện Thới Lai, Phong Điền, Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh…, ước có đến 2/3 diện tích đã thu hoạch. Năng suất lúa đạt khá 38-42 gịa/công (20 kg/giạ). Thời tiết trong vùng tuy có mưa và nước trên sông rạch đang dâng lên, nhưng máy GĐLH vẫn vào đồng hoạt động tốt, giúp giảm chi phí cho bà con nông dân so với năm trước.
Ông Trương Thanh Phong, nông dân ở xã Tân Thạnh, huyện Thới Lai (Cần Thơ) vừa thu hoạch xong 10 công lúa TĐ nói: "Lúa vụ này ít đỗ ngã, năng suất 42 giạ/công. Lúa vừa thu hoạch xong có thương lái cho ghe tới cân tại ruộng, lúa IR50404 bán 4.800 đ/kg. Nhà nào trồng lúa thơm giá còn cao hơn, khoảng 5.200-5.250 đ/kg. Sau khi trừ chi phí tôi tính ra có lãi 18 triệu đ/ha".
Trong khi đó một số vùng lúa TĐ có đê bao lửng ở Đồng Tháp gấp gáp thu hoạch lúa trước khi nước mấp mé lên đồng.
Ông Trương Hữu Thời, ở ấp 4, xã An Khánh, huyện Châu Thành (Đồng Tháp) vừa thu hoạch xong 1,6 ha lúa IR50404, năng suất đạt gần 800 kg/công, bán 4.750 đ/kg. Ông Thời thở phào nhẹ nhõm: “So với năm ngoái, tôi thấy năng suất lúa TĐ năm nay không thua kém, mừng là gặp may bán trúng giá nên tính ra có lời tới gần 20 triệu đ/ha, cao hơn hai vụ lúa ĐX và HT vừa rồi”...
Hiện tỉnh Đồng Tháp có khoảng 25% diện tích lúa TĐ đang trong giai đoạn trổ chín sẽ thu hoạch vào cuối tháng 9 âm lịch.
Thu mua đón đầu
Ông Nguyễn Văn Công, thương lái lúa ở Đồng Tháp thừa nhận thị trường lúa TĐ năm nay giá cả không biến động nhiều, sức tiêu thụ khá đều nên hầu như đi chuyến nào cũng có lời. Hiện gạo từ giống lúa IR50404 loại 5% tấm giá 8.850–8.900 đ/kg, còn gạo từ các giống lúa chất lượng cao giá từ 11.000 -13.000 đ/kg tăng thêm 100-150 đ/kg so với tuần trước.
Ông Công nói: “Mới đây có DN điện thoại đặt hàng mua 200 tấn gạo và phải chạy hàng gấp trong vòng nửa tháng. Tôi liền gấp rút cho 2 chiếc ghe, mỗi chiếc trọng tải 30 tấn luân phiên thu mua lúa đưa về lò sấy, xay xát, lau bóng thành phẩm gạo trắng chở đến kho giao hàng”.
Tín hiệu thị trường tốt, vừa mới vào đợt đầu thu hoạch lúa TĐ, nhưng Bà Lê Thị Hồng Nhung, thương lái lúa ở huyện Thới Lai (Cần Thơ) dự đoán vào mùa giáp hạt, từ vụ TĐ đến vụ ĐX còn dài nên có thể giá cả còn tăng thêm nữa. Vì lẽ đó bà Nhung dự tính khi vùng lúa TĐ ở Cần Thơ thu hoạch sắp hết thì phải chạy trước sang huyện giáp ranh Giồng Riềng (Kiên Giang) để đặt tiền cọc mua lúa.
Theo ý kiến của một số thương lái thu mua lúa trong vùng, hoạt động mua bán lúa, gạo trong vùng vẫn chưa có sự gắn kết và tất cả chỉ dựa vào khả năng phán đoán, may-rủi.
Như hiện thời thương lái dự đoán lượng lúa tồn kho tại các DN không nhiều trong khi lúa HT trong dân đã tiêu thụ gần hết. Hơn nữa, những tháng gần đây thị trường lúa gạo trong và ngoài nước lưu thông trôi chảy nên thúc đẩy sức tiêu thụ lúa gạo trong vùng tăng lên.
Do đó giá lúa đang tăng chính là do DN đẩy mạnh thu mua để đáp ứng đủ đơn hàng XK. Trong đó có một số chủ nhà máy xay xát có tiềm lực vốn thu mua tạm trữ chờ giá lên.
Dù vậy, nhờ lúa TĐ có mức giá cao như hiện nay không chỉ giúp nông dân có lợi nhuận trên 30% mà còn tạo động lực thúc đẩy sản xuất lúa cho vụ mùa sắp tới.
Có thể bạn quan tâm

Chị Lê Thị Hân, ở ấp 1, xã Vĩnh Thuận Tây (Vị Thủy, Hậu Giang) nuôi cá rô đầu vuông gần 10 năm cho biết: “Những năm trước đây, tôi nuôi 8 ao cá với diện tích trên 10.000 m2 mặt nước, thu hoạch gần 100 tấn, nhưng nay vì thua lỗ nên chỉ nuôi 2 ao, với sản lượng thu hoạch khoảng 30 tấn”.

Khoảng 5 năm trở lại đây, việc chăn nuôi bò ở xã Văn Luông, huyện Tân Sơn (Phú Thọ) có bước phát triển nhảy vọt, nhất là số lượng bò lai Sind. Từ năm 2009 trở về trước, tổng đàn bò của xã hàng năm chỉ ở mức trên dưới 300 con, chủ yếu là giống bò vàng, thấp bé, lượng thịt ít.

Thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, những năm gần đây, người dân tỉnh Quảng Bình đã từng bước chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp độc canh cây lúa sang trồng các loại cây màu phù hợp với điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng, qua đó, nâng cao hiệu quả, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống của người dân.

Trước kia đàn bò ở đây chủ yếu là giống bò cỏ, nuôi chậm lớn nên xuất bán lãi không cao. Từ năm 1995 An Phú đẩy mạnh chương trình sind hóa đàn bò. Đến nay tổng đàn bò của xã trên 2.100 con, trong đó bò lai sind chiếm hơn 85%.

Thường cua giống được nông dân thả sau tôm từ 1 - 2 tháng và tận dụng chính môi trường nước của con tôm nên không tốn gì thêm, ngoài tiền mua con giống.