Lợi Nhuận Từ Trồng Bí Đỏ

Gần đây, bí đỏ đã trở thành cây trồng hàng hóa khá quen thuộc với người dân tại nhiều làng quê Dak Lak, mang lại nguồn thu nhập khá cao so với nhiều loại cây trồng khác.
Trong khi nhiều nông dân ở xã Ea Sar (huyện Ea Kar) đứng ngồi không yên bởi nhiều đồng mía quá thời gian thu hoạch nhưng chưa có lịch nhập cho nhà máy, gia đình chị Phạm Thị Nguyệt (thôn 1) lại khá thong dong với việc thu hoạch bí đỏ.
Mới bước vào đầu vụ nên chị Nguyệt chưa khẳng định lợi nhuận của vụ bí này là bao nhiêu, nhưng theo ước tính của gia đình, mỗi ha bí có thể cho năng suất từ 25-30 tấn, với giá thương lái thu mua tại ruộng hiện nay 7.000-8.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí lãi trên 50 triệu đồng/ha.
Ông Nguyễn Kim Anh (thôn 2) – người đang phá bỏ mấy ha mía để chuyển sang trồng bí đỏ và các loại hoa màu khác, cho biết: so với nhiều cây trồng khác, bí đỏ tương đối dễ trồng, dễ chăm sóc, không tốn nhiều công lao động; chi phí đầu tư về giống, phân bón không cao, chủ yếu dùng phân chuồng đã ủ hoai mục.
Cũng như ở huyện Ea Kar, gần đây nhiều bà con nông dân ở huyện Krông Bông cũng đã đầu tư kinh phí mua sắm máy bơm, ống tưới để trồng bí đỏ vụ 3 (từ tháng 10 hoặc 11 hàng năm), đưa diện tích bí đỏ toàn huyện lên hơn 20 ha. Mô hình bí đỏ của gia đình ông Nguyễn Văn Hùng (thôn 3, xã Ea Trul) được đánh giá là hiệu quả nhất hiện nay.
Nhờ biết áp dụng đúng kỹ thuật trồng và chăm sóc nên nhiều vụ bí đỏ liên tiếp ông Hùng “trúng lớn”. Ông Hùng chia sẻ: Thuận lợi nhất là không lo đầu ra, cứ đến mùa thu hoạch là thương lái đến tận ruộng thu mua.
Trung bình mỗi sào bí đỏ (loại bí đậu hay còn gọi là bí hồ lô) cho năng suất 2,5 tấn đến 3 tấn; thời điểm cận Tết Nguyên đán Giáp Ngọ có giá khoảng 10.000 đồng/kg, còn hiện nay là 5.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí 3 tháng trồng và chăm sóc, mỗi sào bí đỏ mang lại lợi nhuận khoảng 3-4 triệu đồng. Đây là khoản thu nhập không nhỏ đối với bà con nông dân ở vùng đất thường xuyên đối mặt với hạn hán, nếu không trồng bí người dân sẽ bỏ đất trống.
Do cây bí đỏ mang lại lợi nhuận cao nên đã xuất hiện tình trạng đổ xô trồng bí đỏ, thậm chí có những gia đình không có đất cũng đi thuê đất nơi khác để trồng loại cây này. Việc sản xuất độc canh, theo phong trào, bất chấp sự khuyến cáo của ngành chức năng luôn chứa đựng nhiều rủi ro, vì vậy, người dân cần hết sức thận trọng, không nên phát triển một cách ồ ạt.
Có thể bạn quan tâm

Sáng 5.2 (tức mùng 6 Tết Giáp Ngọ), hàng trăm chiếc tàu thuyền của ngư dân các tỉnh Nam Trung Bộ gồm Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa... đã mở biển, bắt đầu cho mùa khai thác năm mới trên ngư trường Trường Sa.

Ngày 25/10/2013, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ra Thông tư số 32/2013/TT-BTNMT (TT32) ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường.

Nghề nuôi ong lấy mật từ hoa bạc hà đã có từ lâu ở Đồng Văn cũng như các huyện miền núi của tỉnh Hà Giang. Tuy nhiên, người nuôi chủ yếu mang tính tự phát, nhỏ lẻ, không theo quy trình hợp lý nên sản lượng và chất lượng sản phẩm rất thấp.

Theo tin từ Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn Đồng Nai cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh trên 2,4 triệu con heo/năm. Trong đó, các trang trại và người chăn nuôi nhỏ lẻ cung cấp hơn 1,9 triệu con, doanh nghiệp Nhà nước gần 60 ngàn con, còn lại là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (chiếm tỷ trọng xấp xỉ 20%).

Hiện nay, diện tích cây sắn trên địa bàn tỉnh Lào Cai đạt trên 9.000 ha, năng suất bình quân khoảng 25 tấn/ha. Sắn đang là một trong những cây trồng mang lại nguồn thu nhập khá cho người dân vùng cao, vùng nông thôn. Vì vậy, việc canh tác sắn theo phương thức bền vững, đảm bảo hài hòa giữa lợi ích kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường tự nhiên đang trở thành vấn đề đáng quan tâm.