Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Lộc Bình Vào Vụ Khoai Tây

Lộc Bình Vào Vụ Khoai Tây
Ngày đăng: 25/12/2013

Lộc Bình là địa phương có diện tích trồng khoai tây vụ đông lớn nhất tỉnh Lạng Sơn. Đi dọc Quốc lộ 4B về Lộc Bình những ngày này, trải dài trên các cánh đồng từ xã Xuân Lễ đến xã Yên Khoái là cảnh bà con đang tấp nập cày, cuốc, xuống giống khoai tây. Đã thành truyền thống, vụ đông luôn được nông dân nơi đây chờ đợi, bởi đây là vụ cho thu nhập cao nhất trong năm.

Năm nay, nông dân xã Bằng Khánh, một trong những địa phương có diện tích khoai tây vụ đông lớn nhất huyện, xuống giống trên 30ha. Như đã thành nếp, ngay sau khi thu hoạch lúa mùa, nông dân trong xã bắt tay vào làm đất, trồng khoai tây vụ đông với phương châm “lúa thu hoạch đến đâu, làm đất trồng khoai tây đến đó”. Ở Bằng Khánh, nhà ít cũng trồng 1 - 2 sào (1 sào Bắc Bộ = 360m2), nhà nhiều trồng 4-5 sào khoai tây.

Trên cánh đồng thôn Bản Tẳng, chúng tôi gặp anh Hoàng Thanh Tùng đang miệt mài vun luống trồng khoai tây. Anh Tùng cho biết: “Vụ đông nào gia đình cũng trồng khoai tây, riêng vụ này tôi xuống giống 5 sào. Khoai tây trồng sau 3 tháng là cho thu hoạch, sản phẩm được thương lái thu mua tận ruộng nên trừ chi phí, mỗi sào thu lãi 3 - 4 triệu đồng. Năm ngoái gia đình trồng 3 sào, thu lãi 10 triệu đồng”.

Tại xã Yên Khoái, những năm trước, bà con chưa có phong trào làm vụ đông nên ruộng thường bỏ không. Tuy nhiên, khoảng 3 năm trở lại đây, nhiều hộ tham gia trồng khoai tây vụ đông. Hiện, trên khắp các cánh đồng của xã, không khí sản xuất khá sôi động. Người cày bừa, người lên luống để xuống giống khoai tây cho kịp lịch thời vụ.

Chị Hoàng Thị Hoa (thôn Long Đầu) cho biết: “Đây là năm thứ ba gia đình trồng khoai tây vụ đông. Nhờ khoai tây mà gia đình có thêm nguồn thu nhập đáng kể. Hiện, gia đình đang tập trung nhân lực để làm đất trồng 3 sào khoai tây, nếu thuận lợi thì vụ đông này có thu khoảng 10 triệu đồng”.

Năm 2013, Lộc Bình đặt mục tiêu trồng khoảng 500ha khoai tây vụ đông. Khoai tây hiện là cây chủ lực trong vụ đông của huyện. Để đảm bảo việc sản xuất đạt hiệu quả, tránh thiệt hại do thời tiết, sâu bệnh, trước khi vào vụ, chính quyền huyện Lộc Bình chỉ đạo các ngành chức năng sát sao, bám sát đồng ruộng; hướng dẫn nông dân trong từng khâu sản xuất.

Ngoài ra, huyện còn lên kế hoạch, quy hoạch vùng trồng cây vụ đông; tuyên truyền, vận động tới từng xã, thôn, xóm, hộ gia đình chủ động từ khâu làm đất, giống, phân bón; hướng dẫn bà con sau khi trồng phun phòng bệnh định kỳ, đồng thời đảm bảo nước tưới để cây khoai tây sinh trưởng, phát triển tốt, cho năng suất cao.

Vì thế, diện tích khoai tây của huyện luôn giữ ở mức ổn định, ngày càng khẳng định hiệu quả kinh tế bởi đây là loại cây dễ trồng, thời gian sinh trưởng ngắn, phù hợp với đồng đất địa phương, ít sâu bệnh, cho năng suất cao lại dễ tiêu thụ. Trung bình mỗi sào khoai tây đạt năng suất 4 - 5 tạ củ thương phẩm, trừ chi phí, thu lãi 3 - 4 triệu đồng.

Hiện, 27/27 xã của huyện Lộc Bình đều trồng khoai tây vụ đông, tạo thành phong trào rộng khắp, điểm sáng về trồng cây vụ đông của tỉnh Lạng Sơn, góp phần nâng cao giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác.


Có thể bạn quan tâm

Tăng Cường Công Tác Thú Y Thủy Sản Tăng Cường Công Tác Thú Y Thủy Sản

Theo báo cáo của các địa phương, từ đầu năm 2014 đến nay, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại là 49.794 ha, hơn 2.000 lồng có tôm hùm bị bệnh và hơn 9.000 ha bị thiệt hại do môi trường ô nhiễm. Một số dịch bệnh quan trọng trên tôm (bệnh đốm trắng), trên cá tra (bệnh gan thận mủ, xuất huyết), trên tôm hùm (bệnh sữa) và thiệt hại do ô nhiễm môi trường liên tục có chiều hướng gia tăng; gây tổn thất hàng nghìn tỷ đồng của người nuôi trồng thủy sản, ngân sách nhà nước và ảnh hưởng nghiêm trọng đến xuất khẩu thủy sản của nước ta.

19/11/2014
Giàu Lên Từ Nuôi Trồng Thủy Sản Giàu Lên Từ Nuôi Trồng Thủy Sản

Là huyện có chiều dài bờ biển trên 15km, Kim Sơn có nhiều lợi thế trong phát triển kinh tế, nhất là nghề nuôi trồng thủy sản. Nhờ phát triển nghề nuôi thủy sản mà đời sống của người dân nơi đây đã được cải thiện đáng kể, bộ mặt nông thôn mới ngày càng hiện ra rõ nét. Đặc biệt, những năm gần đây Kim Đông đã bứt phá vươn lên mạnh mẽ để trở thành một trong 2 xã của huyện về đích nông thôn mới vào cuối năm 2014.

19/11/2014
Mùa Cá Chạy Mùa Cá Chạy

Màn đêm còn tối mịt. Vậy mà, những cái “chợ ma” vẫn hoạt động nhộn nhịp. Tiếng máy nổ xình xịch, tiếng kỳ kèo trả giá giữa những bạn hàng xa và “ngư phủ” trong đêm trở nên ấm áp. Tám Tăng (62 tuổi) lái chiếc ghe đục chạy từ hướng Tri Tôn qua Vĩnh Hanh (Châu Thành, An Giang) nhá chiếc đèn pha lia lịa về cái “chợ ma” để báo hiệu ghe cá sắp cặp bến.

19/11/2014
Hanoimilk Được Thuê Đất Trồng Cỏ Nuôi Bò Sữa Tại Xã Văn Khê Hanoimilk Được Thuê Đất Trồng Cỏ Nuôi Bò Sữa Tại Xã Văn Khê

Cụ thể, trên diện tích khoảng 56,86ha, Hanoimilk tiến hành trồng cỏ và thức ăn thô xanh, sử dụng những giống mới chất lượng, năng suất cao, áp dụng công nghệ tiên tiến để sản xuất ra khoảng 10.000 tấn cỏ và thức ăn thô xanh/năm, phục vụ cho việc chăn nuôi giai đoạn đầu khoảng 250 con bò sữa và mở rộng lên thành 2.000 con bò sữa trong giai đoạn tiếp theo. Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến 110,973 tỷ đồng. Thời gian thực hiện từ quý IV/2014 - quý II/2016.

19/11/2014
Chủ Động Phòng Bệnh Cho Đàn Gia Súc, Gia Cầm Chủ Động Phòng Bệnh Cho Đàn Gia Súc, Gia Cầm

Nguyên nhân chủ yếu là do các hoạt động chăn nuôi, buôn bán, vận chuyển gia súc, gia cầm tăng phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp Tết Nguyên đán; thời tiết chuyển lạnh làm giảm sức đề kháng của gia súc, gia cầm, tạo điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh phát tán và gây bệnh…

19/11/2014