Loạn Giá Bò Úc Tại Chợ Việt

Ngoài nhập nguyên con, còn có nguồn thịt tươi về bằng máy bay, đông lạnh khiến giá bán lẻ thịt bò Úc chênh lệch rất lớn tại các điểm bán, làm người tiêu dùng hoa mắt.
Ồ ạt nhập
Ông Lưu Sơn Thủy - Giám đốc doanh nghiệp tư nhân Thủy Hà, cổ đông công ty cổ phần Kết Phát Thịnh (tỉnh Long An), một trong 2 công ty đầu mối khu vực phía Nam nhập khẩu trực tiếp bò thịt nguyên con từ Úc, cho biết vừa nhập khẩu 10.000 bò Úc đầu tháng 4. Mỗi tháng, công ty này nhập khoảng 15.000 con bò. “Với 300 con bò/ngày, không nhà hàng nào 'ăn' cho hết nên bò Úc đã ra đến chợ lẻ, giá cao hơn bò địa phương từ 10.000 đến15.000 đồng/kg", ông Thủy cho biết.
Trước đó, bò Úc sống được giết mổ tại Việt Nam đã phủ khắp siêu thị, cửa hàng tiện lợi và tiếp tục trụ vững tại đây.
Theo Thương vụ Việt Nam tại Úc, lượng bò Úc xuất khẩu sang Việt Nam từ năm 2012-2013 là 66.951 con. Dự báo trong năm nay, Việt Nam có khả năng nhập khẩu 150.000 con, thậm chí cao hơn.
Giá cả nhảy múa
Do nguồn hàng dồi dào nên gần đây, tại TP.HCM xuất hiện nhiều đại lý chuyên bán thịt bò Úc tươi kèm nội tạng, để hút khách và cũng chứng tỏ là có mổ bò thật. Các đại lý đều giới thiệu là bò Úc giết mổ tại Việt Nam và là hàng tươi sống, nên muốn có hàng ngon phải đặt trước 1 ngày chứ không lấy hàng nhiều về trữ sẵn.
Tại website bosach..., dù người trực đường dây nóng giới thiệu có cổ phần trong công ty nhập bò trực tiếp, sở hữu lò mổ, trang trại nuôi nhốt và cam kết giao thịt sỉ rẻ hơn chợ đầu mối, nhưng niêm yết giá bán lẻ cao chót vót: phi lê 499.000 đồng/kg, thăn 349.000 đồng/kg, đùi 299.000 đồng/kg. Trong khi giá tại cửa hàng H.A chuyên bán bò Úc trên đường D1 (quận Bình Thạnh), phi lê 299.000 đồng/kg (chênh lệch 67%), thăn 287.000 đồng/kg và 237.000 đồng/kg tùy loại (chênh lệch từ 22% đến 26%), chỉ nhích một chút so với giá bán ở chợ lẻ nhưng rẻ hơn thịt bò nội tại siêu thị. Ngoài ra, còn có bò Úc đông lạnh nguyên trạng (chưa rã đông) giá từ 350.000 đến 500.000 đồng/kg, nên để bán được hàng, nhiều nhân viên không ngại “dìm hàng”, cho rằng bò Úc giết mổ tại Việt Nam thì chất lượng không còn 100% Úc nữa.
Giải thích về sự lệch giá quá lớn giữa các điểm bán, nhiều đầu mối kinh doanh thịt bò cho biết, do chi phí khác nhau (mặt bằng, nhân công, bảo quản,...) nên giá thành cũng khác nhau. Nhưng còn một lý do khác mà chỉ những người sành sỏi trong ngành mới nắm được, là do chất lượng khác nhau.
Trưởng bộ phận thu mua của một hệ thống bán lẻ dự định kinh doanh thịt bò Úc cho biết, được nhà cung cấp chào hàng với mức giá rất cách biệt, chứng tỏ có bò loại 1, loại 2. Cũng như giống bò vàng nội địa, nếu giết thịt khi 20 tháng tuổi (bò tơ) thì thịt rất mềm, ngọt, ngon; còn khi nuôi thêm để có nhiều thịt thì chất lượng xuống, hoặc bò thải loại (sau nhiều năm cày kéo hết sức) thì thịt dai, dở là đương nhiên. “Giống, thức ăn, xuất xứ cũng ảnh hưởng chất lượng thịt bò; giống như nước ta phân loại gà ta, gà tam hoàng, gà công nghiệp vậy”, ông này ví von.
Đó cũng là lý do tại sao trên thị trường có loại thịt bò Úc giá bán đến 750.000 đồng/kg (giết mổ tại Úc đưa bằng máy bay về Việt Nam) vẫn có nhiều người mua. Vì thế, với những khách hàng không có nhiều kinh nghiệm, chỉ còn cách mua ăn thử thì mới biết có đúng “tiền nào của nấy” hay không.
Nhập cả bò già
Theo ông Nguyễn Đăng Vang, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam, bò Úc ngon nhất khi giết thịt ở độ tuổi từ 24 đến 30 tháng, nhưng Việt Nam nhập bò Úc ở độ tuổi từ 30 đến 96 tháng (8 năm tuổi). Bò hơi nội địa có giá khoảng 65.000-75.000 đồng/kg, trong khi bò Úc nhập về tính cả phí, thuế, lãi ngân hàng, lợi nhuận,... giá trung bình cũng tương đương, nên giá bán lẻ bằng bò nội là không có gì bất thường.
Thận trọng hàng thùng
Theo một số người am hiểu thị trường, thì ở chợ còn xuất hiện bò “tươi” có nguồn gốc từ trâu, bò đông lạnh nhập khẩu (thường gọi là hàng thùng) cấp thấp rã đông, nhưng vẫn có thể đánh lừa được người tiêu dùng. Đặc điểm của loại thịt này là chất lượng thấp, mềm, nhão chứ không khô, dẻo như bò tươi.
Hằng năm đều có một lượng đáng kể trâu đông lạnh được nhập khẩu từ Ấn Độ, nhưng thực tế thị trường không thấy bán mặt hàng này với đúng tên gọi, vì đa phần được bán ra với “mác” thịt bò. Giám đốc một công ty thực phẩm cho biết, ông vừa từ chối lời mời mua một lô thịt bò đông lạnh 500 tấn gần hết hạn, và dự báo lô hàng này rất khó tiêu thụ. Vì thế, không loại trừ khả năng doanh nghiệp sẽ tìm cách bán lẻ ra thị trường bằng mọi giá.
Có thể bạn quan tâm

Được sự hỗ trợ về vốn, giống và kỹ thuật từ các đơn vị tài trợ, trực tiếp là Dự án MAM thuộc Tổ chức Phát triển Hà Lan, xã Viên An Đông, huyện Ngọc Hiển có 741 hộ dân tham gia đăng ký thực hiện mô hình nuôi tôm sinh thái, với diện tích 2.695 ha. Trong thời gian thực hiện mô hình, những hộ dân này đã được Ban quản lý dự án thường xuyên tập huấn về các quy trình kỹ thuật nuôi tôm, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, việc khai thác tôm nuôi…

Theo anh Nguyễn Trung Ồ (thôn Tân Thành, xã Quảng Công), đội thuyền của anh bình quân mỗi ngày đánh bắt trên 3 tạ ruốc và cá khoai. Sau khi trừ chi phí, ngư dân đi bạn được chia 800.000 - 1,5 triệu đồng/người/ngày.

Trường Cao đẳng nghề Du lịch Đà lạt được nâng cấp trên cơ sở trường Trung Cấp Du lịch Đà Lạt. Trường có chức năng đào tạo học sinh trình độ Cao Đẳng, Trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề du lịch và các trình độ thấp hơn với các nghiệp vụ: Quản lý khách sạn - Nhà hàng vừa và nhỏ; Nghiệp vụ lễ tân; Quản trị Lưu trú du lịch; Quản trị Nhà hàng; Kỹ thuật chế biến món ăn; Nghiệp vụ lữ hành hướng dẫn; Nghiệp vụ An ninh khách sạn...

Đầu tuần này, Cơ quan Lương thực Quốc gia Philippines (NFA) bước đầu đã phê duyệt nhập khẩu 600.000 tấn gạo trong năm 2015 trong bối cảnh sản lượng lúa thấp và thiệt hại gây ra từ các cơn bão trong năm nay.

TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ NN-PTNT), chia sẻ với NNVN, cho rằng, đây là “thời” của các DN đầu tư vào nông nghiệp, vì lợi thế cạnh tranh của ngành này đang lớn.