Lo Ngại Diện Tích Nuôi Tôm Thẻ Chân Trắng Tiếp Tục Tăng

Bộ Nông nhiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) lo ngại năm 2014 diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng tiếp tục tăng sẽ khiến dịch bệnh dễ bùng phát trên diện rộng.
Trong khi năm nay tôm thẻ chân trắng đóng góp rất nhiều vào tổng kim ngạch thủy sản và lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu loại tôm này vượt qua tôm sú.
Theo Bộ NN-PTNT, việc nuôi tôm tại các nơi chưa đủ điều kiện là nguyên nhân khiến dịch bệnh dễ bùng phát.
Còn theo ông Nguyễn Văn Nhiệm, Chủ tịch Hiệp hội tôm Mỹ Thanh, Sóc Trăng, những lo ngại của Bộ NN-PTNN dựa trên việc người dân hiện chọn nuôi tôm thẻ chân trắng thay vì tôm sú. Lý do, nuôi tôm thẻ chân trắng ngắn chỉ sau 3 tháng là có thể thu hoạch được, và nếu trong trường hợp dịch bệnh bùng phát thì khoảng 45 ngày người nuôi có thể thu hoạch, bán cho các nhà máy nhằm thu hồi vốn, còn tôm sú không thể thu hoạch được.
Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) trong một lần trả lời phỏng vấn của Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online nói rằng, trong thời gian qua, người tiêu dùng bắt đầu làm quen với những sản phẩm chế biến từ tôm thẻ chân trắng và nhu cầu tiêu thụ cũng đang tăng.
"Nếu người tiêu dùng các nước vẫn ưa chuộng tôm thẻ chân trắng thì người dân sẽ tiếp tục nuôi để cung cấp cho các nhà máy chế biến và xuất khẩu", ông Hòe nói.
Thống kê của Bộ NN-PTNT cho thấy, đến hết tháng 11 năm 2013, diện tích nuôi tôm của cả nước ước đạt gần 653.000 héc ta. Trong đó, diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng đạt gần 64.000 héc ta, sản lượng đạt hơn 243.000 tấn, còn diện tích nuôi tôm sú là gần 589.000 héc ta với sản lượng là gần 233.000 tấn. Như vậy, diện tích nuôi tôm sú gấp 9 lần so với tôm thẻ chân trắng nhưng sản lượng lại ít hơn 10.000 tấn.
Giá trị xuất khẩu mặt hàng tôm trong 11 tháng của năm là 2,5 tỉ đô la Mỹ, tăng 33% so với cùng kỳ, trong đó, kim ngạch xuất khẩu tôm thẻ đạt hơn 1,2 tỉ đô la Mỹ, tôm sú là hơn 1,1 tỉ đô la Mỹ, còn lại là các mặt hàng tôm khác.
Ông Phạm Anh Tuấn, Phó tổng cục trưởng Tổng cục thủy sản, Bộ NN-PTNT cho biết, qua năm 2014 nhiều khả năng Trung Quốc, Thái Lan sẽ tăng được sản lượng tôm thẻ chân trắng vì đã phần nào kiểm soát được bệnh tôm chết sớm (EMS), qua đó, nguồn cung sẽ tăng tạo áp lực để đẩy giá tôm thẻ chân trắng xuống. Còn đối với người nuôi Việt Nam, nếu giá tôm thẻ chân trắng vẫn còn cao thì sẽ tiếp tục mở rộng diện tích.
Ông Nhiệm cho biết đầu tháng 12, giá tôm thẻ chân trắng đã đạt mức 200.000 đồng/kg (loại 30 con). Mức giá này tương đương với giá tôm sú cùng loại.
Theo Tổng cục thủy sản, tôm thẻ chân trắng bắt đầu được nuôi lần đầu ở Việt Nam vào năm 2001 ở dạng nuôi thử nghiệm. Từ tháng 1-2008 Bộ NN-PTNT bắt đầu cho nuôi tôm thẻ chân trắng rộng rãi ở các đia phương.
Đến cuối năm 2008 tổng diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng là 13.455 héc ta, năng suất nuôi trung bình đạt gần 3 tấn/héc ta. Đến hết tháng 11-2013, diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng đạt gần 64.000 héc ta, năng suất trung bình đạt gần 3,8 tấn/héc ta.
Có thể bạn quan tâm

Hơn 6 năm triển khai dự án ca cao trồng xen trong vườn dừa, đến nay dù trải qua nhiều thăng trầm, nhưng người dân trồng ca cao vẫn kiên trì giữ vững diện tích.

Nghiên cứu, chọn tạo các giống chè năng suất, chất lượng là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục của các nhà khoa học nhằm góp phần phục vụ tốt hơn nhu cầu thưởng thức đồ uống của người dân trong nước và xuất khẩu.

Được biết, trong thời gian trở lại đây, sản xuất rau an toàn (RAT) không chỉ tạo ra sản phẩm sạch, tạo uy tín cho người tiêu dùng mà góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân. Thực tiễn thành công của một số mô hình sản xuất RAT đã cho thấy việc nhân rộng và phát huy hiệu quả của mô hình này là cần thiết.

Khổ qua là một loại rau xanh có thể tác dụng trị bệnh, lại chế biến được khá nhiều món ăn ngon. Theo y học cổ truyền, trái khổ qua có vị đắng-ngọt, tính bình; ăn khổ qua dễ tiêu hóa, có tác dụng tốt đối với người bị bệnh tiểu đường.

Nói đến nông nghiệp của tỉnh Lâm Đồng, người ta thường nghĩ đến cà phê, trà, dâu tằm… Thế nhưng, “Lúa gạo Cát Tiên” là sản phẩm nông nghiệp thứ năm của tỉnh Lâm Đồng được cấp giấy chứng nhận thương hiệu.