Liên kết trồng gấc theo chuỗi giá trị hướng mới cho nông dân

Hội thảo sẽ là cầu nối giúp nông dân tiếp cận mô hình mới trong sản xuất nông nghiệp nhằm đa dạng hóa cây trồng, tăng lợi nhuận trên diện tích canh tác.
Cây trồng nhiều ưu việt
Thông tin với nông dân, đại diện Công ty TNHH sản xuất - thương mại - dịch vụ gấc Tây Nguyên (đóng tại tỉnh Đắk Nông) cho biết: Hiện cây gấc đang phát triển mạnh ở Tây Nguyên, đặc biệt ở Đắk Lắk và Đắk Nông với hàng trăm héc ta, lợi nhuận hơn 200 triệu đồng/ha. Gấc có 3 loại: lai, nếp, tẻ.
Nếu được chăm sóc tốt, có giàn leo thì từ lúc trồng đến khi ra trái khoảng hơn 3 tháng, đến khi cho thu hoạch ổn định là 8 tháng. Năng suất năm đầu trung bình từ 10 - 20 tấn/ha và tăng dần theo từng năm, cao nhất là 50 tấn/ha. Gấc là loại cây trồng có sức chống chịu tốt, ít sâu bệnh gây hại, thân lá có mùi hôi nên trâu bò không ăn, có thể trồng xen đinh lăng, gừng... dưới tán gấc. Công ty sẽ cung cấp giống, hướng dẫn kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm.
Tham gia hội thảo có 150 nông dân, khuyến nông viên. Nông dân đã đặt câu hỏi xung quanh vấn đề: giống, điều kiện thổ nhưỡng, kỹ thuật trồng, chăm sóc, phân bón thích hợp... Đặc biệt, nông dân lưu ý đến tiêu thụ sản phẩm. Bởi đây là yếu tố quan trọng nhất quyết định người trồng có mở rộng, gắn bó với gấc.
Ngoài giải đáp ổn thỏa thắc mắc, ông Trần Văn Định, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty gấc Tây Nguyên khẳng định: Công ty sẽ ký kết hợp đồng thu mua sản phẩm trực tiếp với người trồng theo giá thị trường và niêm yết giá công khai để nông dân chủ động trong vụ thu hoạch. Công ty cũng xây dựng các điểm sơ chế tại tỉnh nhằm thu mua kịp thời sản phẩm cho nông dân.
Dự kiến triển khai trồng hơn 100 ha
UBND tỉnh ban hành Công văn số 1223-UBND/KTN ngày 25-4-2015 về việc thực hiện chương trình liên kết, hỗ trợ và phát triển cây gấc cho nông dân trên địa bàn tỉnh. Theo đó, Trung tâm Khuyến nông - khuyến ngư tỉnh sẽ xây dựng 1 mô hình tại trại giống cây trồng và vật nuôi làm điểm tham quan học tập kinh nghiệm cho nông dân; xây dựng chi nhánh sơ chế và thu mua sản phẩm gấc tại Bình Phước trong 10 năm đầu; cung cấp tài liệu, hướng dẫn, tư vấn kỹ thuật cho nông dân về trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại, thu hoạch và bảo quản sản phẩm. Mục đích của hợp tác nhằm xây dựng chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm gấc theo hướng bền vững.
Bà Lê Thị Ánh Tuyết, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - khuyến ngư tỉnh cho biết: Gấc có thể trồng từ 2 sào trở lên, chi phí thấp, sâu bệnh ít và kỹ thuật chăm sóc đơn giản. Trung tâm sẽ đứng ra làm trọng tài trong việc ký kết hợp đồng giữa Công ty gấc Tây Nguyên với người nông dân; đồng thời kiểm tra, quản lý quá trình sản xuất, tư vấn hỗ trợ kỹ thuật cho nông dân. Giai đoạn 2015 - 2016, trung tâm dự kiến triển khai trồng khoảng 100 - 150 ha gấc, chia thành các cụm nông dân và có kỹ sư của trung tâm phụ trách theo dõi, hỗ trợ. Đây là cơ hội để nông dân Bình Phước đa dạng hóa cây trồng, nhất là đối với những nông hộ có diện tích canh tác ít nhằm tăng lợi nhuận.
Có thể bạn quan tâm

Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh Bình Thuận đã trồng mới 1.968 ha thanh long. Các huyện có diện tích trồng mới thanh long nhiều gồm huyện Bắc Bình 520 ha, Hàm Thuận Nam 499 ha, La Gi 351 ha và Hàm Thuận Bắc 280 ha. Nâng tổng diện tích thanh long toàn tỉnh đến cuối tháng 6/2014 đạt 22.470 ha.

Linh hoạt cấp vốn vay theo từng giai đoạn của dự án là hình thức đang được các tổ chức tín dụng (TCTD) triển khai trong Chương trình Cho vay thí điểm theo chuỗi nông nghiệp được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) triển khai từ đầu tháng 6/2014.

Theo số liệu thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đầm Dơi: Toàn huyện hiện có hơn 800 hộ thực hiện mô hình nuôi tôm bán công nghiệp với hơn 1.000 ha. Tập trung ở các xã Tạ An Khương, Tân Đức, Nguyễn Huân, Quách Phẩm Bắc, Tân Duyệt và thị trấn Đầm Dơi, năng suất bình quân đạt 5 tấn – 6 tấn/ha/vụ nuôi.

Hiện Hàn Quốc có nhu cầu nhập khẩu nhiều loại trái cây, như: chôm chôm, măng cụt, mít, chuối… với sản lượng ngày càng lớn. Cụ thể, năm 2013 Hàn Quốc nhập khẩu từ các nước 6 ngàn tấn xoài; dự kiến năm 2014 sẽ tăng lên 10 ngàn tấn và mức tăng trung bình về sản lượng nhập khẩu loại trái cây này là 50%/năm.

Công ty sữa Vinamilk vừa ra thông báo sẽ không thu mua lượng sữa vượt quá so với sản lượng sữa tối đa được quy định tại hợp đồng hoặc sản lượng sữa tối đa khác đã được vinamilk chấp thuận lần gần nhất bằng văn bản. Vinamilk sẽ tiến hành kiểm tra và rà soát lại toàn bộ hộ dân ký hợp đồng với doanh nghiệp, khi phát hiện bất kỳ hộ nào nhận sữa gửi của các đơn vị/hộ dân khác, nhà máy sẽ dừng thu mua và thông báo chấm dứt hợp đồng với hộ dân đã nhận giao sữa giúp này.