Liên Kết Bám Biển Thời Xăng Dầu Tăng Giá

Chỉ trong vòng hơn 1 tháng giá xăng dầu tăng 3 lần, hàng ngàn tàu cá trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế gặp khó. Chi phí nhiên liệu tăng cao nhưng tôm, cá, mực... lại mất giá; sau chuyến biển thu không đủ bù chi. Khoảng nửa tháng nay, nhiều chiếc tàu ra khơi cầm chừng.
Thu không đủ bù chi
Sau một vài ngày giữ giá, cuối giờ chiều ngày 17/7, liên Bộ Tài Chính - Công Thương “bất ngờ” cho phép các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối tăng thêm gần 500 đồng/lít đối với xăng và dầu. Xăng A92 có mức giá mới 24.570 đồng/lít; dầu diezel tăng lên 22.310 đồng/lít; còn dầu hỏa 22.020 đồng/lít. Đây là lần tăng giá xăng dầu thứ tư kể từ đầu năm và là lần tăng thứ ba liên tiếp trong hơn một tháng nay. Thời điểm này, trên địa bàn tỉnh có gần 2.000 chiếc tàu, thuyền đánh bắt thủy sản trên biển; trong đó, có 215 chiếc tàu đánh bắt xa bờ với công suất từ 90CV trở lên.
Từ khi xăng dầu tăng giá đến nay, ngư dân ra khơi cầm chừng. Anh Trần Văn Lưu, ngư dân khai thác thủy sản trên biển, ở thôn Tân Bình, thị trấn Thuận An (Phú Vang) buồn bã: “Bình quân, mỗi chuyến ra khơi chi phí từ 1.000 - 1.200 lít dầu, 600 cây đá và các nhu yếu phẩm khác. Với chi phí đó, sau chuyến ra khơi sản phẩm bán ra phải đạt 120 triệu đồng mới có lãi”.
Theo anh Lê Quý Hợp, ngư dân ở xã Phú Hải (Phú Vang), mỗi chuyến đi biển từ 5 đến 7 ngày, chi phí 400 đến 500 lít dầu. Tính theo mức giá mới 22.310 đồng/lít, chưa kể các khoản chi phí khác chuyến đi biển vừa rồi, gia đình anh chỉ hòa vốn. Trong khi đó, giá bán các loại sản phẩm thì bấp bênh, điệp khúc “được mùa mất giá, được giá mất mùa” thường xuyên xảy ra. Thu không đủ bù chi, vì thế sau đợt xăng dầu tăng giá đến nay, gia đình anh rất ngại đi biển.
Đẩy mạnh liên kết tàu thuyền
Ông Võ Giang, Trưởng phòng Quản lý tàu cá và Hậu cần nghề cá (Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản) cho biết: “Trước tình hình xăng dầu tăng giá, bà con ngư dân làm nghề khai thác thủy hải sản trên biển nhận thức được việc thành lập các tổ, đội liên kết tàu thuyền trên biển sẽ mang lại nhiều lợi ích trong việc giúp nhau cùng mang lại hiệu quả cao trong khai thác, tiết kiệm nhiên liệu.
Hiện, toàn tỉnh thành lập được 36 đội; trong đó, xã Phú Thuận có 12 đội, Phú Hải 10 đội; Vinh Thanh 1 đội; thị trấn Thuận An 11 đội (Phú Vang); thị trấn Phú Lộc 1 đội, Lộc Trì 1 đội (Phú Lộc). Hàng tháng, ngư dân trong đội đóng phí thành lập quỹ (mức đóng tùy theo quy định của từng đội); nếu có tàu trong đội gặp nạn thì dùng quỹ đó để hỗ trợ khoảng 50% chi phí, 50% còn lại chủ tàu phải bỏ ra”.
Sau nhiều đợt xăng dầu tăng giá, bà con ngư dân biết “tự cứu lấy mình”, đó là kêu gọi liên kết tàu thuyền để giảm chi phí, bảo đảm thu nhập cho anh em thuyền viên. Các chủ tàu thành lập các đội liên kết tàu thuyền trên biển nhằm tạo thuận lợi trong việc thông tin liên lạc, thông báo cho nhau về luồng cá và liên kết đưa sản phẩm vào bán ở đất liền.
Các tàu còn tiếp ứng thêm xăng dầu, lương thực, thực phẩm cho các tàu đánh bắt xa bờ dài ngày trên biển. Ông Trần Thoạn, đội trưởng Đội tàu thuyền khai thác biển Lộc Trì (Phú Lộc) cho biết: “Toàn xã có 40 chiếc tàu đánh bắt xa bờ có công suất từ 74 đến 300CV.
Giúp nhau đánh bắt hiệu quả, sau thời gian khai thác thủy sản trên biển 10 - 15 ngày, các tàu luân phiên mỗi ngày có một chiếc tàu chở sản phẩm vào bờ tiêu thụ; đồng thời, đưa nhiên liệu và thực phẩm ra biển phục vụ cho các tàu hoạt động trên biển.
Cách làm trên giảm chi phí đi lại cho các tàu thuyền, đồng thời, sản phẩm cung ứng cho thị trường luôn bảo đảm chất lượng, tăng thời gian bám biển...”.
Với nhiều khó khăn và thách thức nhưng bà con ngư dân đồng tâm, đồng lực để cùng giúp nhau khai thác thủy hải sản trên biển mang lại hiệu quả cao, đồng thời có điều kiện bám biển dài ngày để bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc.
Tuy nhiên, do cửa biển Tư Hiền cạn nên tàu thuyền ra vào gặp nhiều khó khăn; hơn nữa, dịch vụ nghề cá trên địa bàn tỉnh phát triển còn chậm, chưa đáp ứng nhu cầu thu mua sản phẩm của ngư dân sau mỗi chuyến biển về.
Vì thế, hầu hết các tàu khai thác thủy hải sản trên biển của xã Lộc Trì đều phải cập cảng Đà Nẵng để bán cá và mua dầu, đá, nhu yếu phẩm để tiếp tục ra khơi. “Sở dĩ, ngư dân phải vào Đà Nẵng, bởi vì dịch vụ hậu cần ở Đà Nẵng rất tốt, sản phẩm bán được giá; ngư dân mua dầu, đá và nhu yếu phẩm để đi biển dễ dàng và giá cũng mềm hơn”. Ông Trần Thoạn tiếp lời.
Để nghề khai thác biển phát triển bền vững, đảm bảo an sinh xã hội, bà con ngư dân mong muốn cơ quan ban ngành chức năng, chính quyền địa phương các cấp quan tâm khơi thông cửa biển Tư Hiền và thành lập các hợp tác xã dịch vụ hậu cần nghề cá trong thời gian sớm nhất.
Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng đồng ý với đề nghị của Bộ Tài chính về việc đưa mặt hàng thức ăn chăn nuôi sản xuất công nghiệp đang áp dụng mức thuế giá trị gia tăng là 5% về đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng.

Thành phố Ðà Nẵng có 11 xã thuộc huyện Hòa Vang tham gia xây dựng nông thôn mới. Ðến nay, đã có hai xã Hòa Châu và Hòa Tiến được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Huyện đang phấn đấu trong hai năm 2014 và 2015, đưa chín xã còn lại hoàn thành 19 tiêu chí theo quy định, về đích trước năm năm so với cả nước.

Thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp, Chính phủ đã đề ra mục tiêu đổi mới căn bản về công tác quản lý và nâng cao hiệu quả sử dụng đất, trong đó có cơ chế, chính sách phù hợp nhằm bảo đảm quyền lợi của người lao động. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập cần được tiếp tục tháo gỡ...

Ông Anh Quân, nông dân ở xã Xuân Thạnh (huyện Thống Nhất, Đồng Nai) hồ hởi: “Tôi có hơn 600 gốc ca cao trồng xen với cao su trên diện tích 2 ha, nên vừa rồi dù giá mủ cao su rớt mạnh, nhưng cũng vớt vát lại được hơn 100 triệu đồng nhờ bán quả ca cao tươi”.

Nhiều giải pháp về thuế, vốn vay, chính sách phát triển công nghiệp chế biến sâu sản phẩm cao su… đã được đặt ra tại hội nghị bàn giải pháp tiêu thụ cao su nguyên liệu trong nước mới diễn ra tại TP.HCM.