Hiệu Quả Mô Hình Trồng Dưa Trên Đất Lúa

Chúng tôi trở lại thôn La Chữ thuộc xã Phước Hữu vào dịp toàn tỉnh thi đua lập thành tích kỷ niệm 38 năm giải phóng quê hương Ninh Thuận. Nông dân địa phương tập trung ra đồng chăm sóc hoa màu và thu hoạch dưa hấu vụ đông xuân 2013. Cây dưa luân canh trên đất lúa cho năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao giúp nông dân tăng thu nhập nâng cao đời sống gia đình.
Trên cánh đồng có tục danh Cây me tám đám, chúng tôi gặp nông dân đang nhộn nhịp vào mùa thu hoạch dưa dấu. Những trái dưa chín da xanh căng tròn nằm chật mặt ruộng. Lê Minh Sơn 31 tuổi, chủ ruộng dưa cho biết gia đình anh canh tác 3 sào dưa hấu giống “Hoàng Châu” thu hoạch đạt 9 tấn trái. Thương lái thu mua trả tiền ngay tại ruộng với giá 5.000 đồng/kg. Vốn đầu tư 3 sào dưa từ khi xuống giống đến lúc thu hoạch khoảng 21 triệu đồng. Trừ hết chi phí sản xuất, anh Sơn còn lãi ròng 24 triệu đồng. Thời gian trồng một vụ dưa chỉ có 55 ngày ít sử dụng nước tưới, cho lợi nhuận cao gấp 3- 4 lần so với trồng lúa.
Lê Minh Sơn là nông dân đi đầu thực hiện mô hình trồng dưa hấu trên đất lúa đem lại hiệu quả kinh tế cao ở đồng đất La Chữ. Gần bảy năm gắn bó với nghề trồng dưa dấu anh được dân làng thương mến phong tặng danh hiệu “Sơn dưa”. Anh trở thành khuyến nông viên tự nguyện hướng dẫn bà con kỹ thuật canh tác loài cây “xanh vỏ đỏ lòng”.
Từ nông dân chuyên trồng lúa, anh Sơn “duyên nợ” với nghề trồng dưa hấu từ vụ hè thu 2006. Khi đó có ông Chín Thiều và Hai Thọ từ Khánh Hòa vô La Chữ thuê 5 ha ruộng lúa trồng dưa xuất khẩu qua thị trường Trung Quốc.
Đất thịt pha cát chủ động tưới, nắng ấm quanh năm, trồng dưa hấu chăm sóc tốt cho sản phẩm đạt chất lượng cao. Ông Chín Thiều và Hai Thọ trồng dưa hấu trên vùng đất mới La Chữ đạt sản lượng trên 30 tấn/ha bán vào dịp tết Trung Thu cho lợi nhuận cao gấp 4-5 lần trồng lúa.
Lê Minh Sơn hiền lành chịu thương chịu khó làm ăn theo hai ông Chín Thiều và Hai Thọ học nghề trồng dưa hấu. Anh nắm vững kỹ thuật ủ hạt, vô bầu, trải bạt, định ngọn, chọn trái và các biện pháp phòng trừ sâu bệnh hại trên cây dưa hấu. Đặc điểm của cây dưa hấu chăm sóc đúng kỹ thuật gặp thời tiết thuận lợi là bảo đảm có thu hoạch.
Mỗi hecta trồng dưa hấu cần vốn đầu tư 60-70 triệu đồng, năng suất trung bình 25- 30 tấn. Nếu dưa bán được 5- 6 ngàn đồng/kg thì người trồng dưa dư ăn dư để còn như giá rớt xuống 3.000 đồng/kg thì huề vốn hoặc có lãi chút đỉnh. Qua sáu năm gắn bó với nghề trồng dưa hấu trên ruộng lúa, gia đình anh Sơn và nhiều nông hộ ở La Chữ bảo đảm cuộc sống gia đình no ấm.
Anh Đặng Văn Dũng, Trưởng thôn La Chữ cho biết toàn thôn hiện có 549 hộ với 2.400 nhân khẩu chuyên nghề trồng lúa. Bà con nông dân đầu tư thâm canh trên diện tích 315 ha ruộng lúa và 80 ha đất màu chủ động tưới từ công trình thủy lợi Tân Giang. Bà con nông dân chuyển dịch cơ cấu từ trồng lúa sang trồng bắp lai, bông vải, dưa hấu đạt hiệu quả kinh tế cao.
Nông dân đang nhân rộng mô hình một vụ lúa- một vụ dưa hấu trên đất ruộng. Vụ đông xuân năm nay, La Chữ có 12 nông hộ trồng 26 ha dưa hấu đạt sản lượng trên 700 tấn. Dưa dấu La Chữ chắc thịt, màu đỏ son, vị ngọt thanh được người tiêu dùng ưa chuộng. Nghề trồng dưa hấu tạo việc làm nâng cao thu nhập góp phần giảm hộ nghèo ở địa phương hiện nay còn 6 %.
Có thể bạn quan tâm

Mặc dù hiện đang là mùa nghịch, thế nhưng tình hình tiêu thụ chôm chôm tại vùng đồng bằng sông Cửu Long rất èo uột, giá giảm mạnh. Tình trạng này khiến nhiều nhà vườn vô cùng lo lắng.

Với quy mô chăn nuôi trên 12.000 con lợn rừng và 5.000 gà rừng bằng thức ăn tự nhiên, cùng việc chữa bệnh cho vật nuôi bằng cây thuốc nam, trang trại lợn rừng NTC của Công ty cổ phần Phát triển KHKT NTC Việt Nam (NTC) là trang trại chăn nuôi hữu cơ lớn nhất Việt Nam.

Miền núi, trung du hội đủ tiềm năng để phát triển kinh tế rừng, song giá trị mà lĩnh vực này đem lại còn quá khiêm tốn so với kỳ vọng của các địa phương. Làm thế nào để thoát khỏi nền lâm nghiệp nhỏ lẻ, tụt hậu để đủ sức cạnh tranh với các tỉnh, thành lân cận luôn là vấn đề đặt ra.

Nhiều năm qua nền nông nghiệp của Điện Bàn vẫn có những bước tiến tích cực, nhưng để tìm được một cây trồng chủ lực, đặc trưng của địa phương nhằm tạo dựng thương hiệu thì vẫn là một bài toán khó.

Tổng kết Chương trình 135 và Nghị quyết 30a của Chính phủ về hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn Nam Trà My, từ năm 2011 - 2014, tổng nguồn vốn Chương trình 135 của Chính phủ đã đầu tư cho huyện hơn 4,2 tỷ đồng.