Lấy Lại Niềm Tin Cây Mía

Sau niên vụ ép năm trước, Cty CP Đường Bình Định nợ người trồng mía 45 tỷ đồng, đến tháng 6/2014 mới trả hết nợ. Nhiều lo lắng cho rằng không biết vụ ép 2014-2015 Cty có còn hoạt động?
Nay đã có câu trả lời, niên vụ ép này Cty Đường Bình Định bắt đầu khởi động vào ngày 4/12/2014, giá thu mua cao, cam kết trả tiền sau 3 ngày. Vụ trồng mía 2014-2015, Cty vẫn tiếp tục có chính sách đầu tư cho cả 2 vùng nguyên liệu Bình Định và Đông Gia Lai.
Ông Phan Lâm Tường, Phó TGĐ Cty CP Đường Bình Định, cho hay: Hiện nay Cty đã hoàn thành công tác chuẩn bị để sẵn sàng bước vào vụ SX 2014-2015. Về máy móc thiết bị, Cty hoàn tất công tác kiểm tra dây chuyền SX với công suất 3.000 tấn mía/ngày.
“Ngày 28/11 chúng tôi đã triển khai cho nông dân đốn mía. Nhưng do cơn bão số 4 làm ngưng trệ, đến ngày 1/12 số lượng mía nhập về Cty mới có khoảng 1.200 tấn. Từ ngày 1/12 đến nay, do ảnh hưởng của đợt không khí lạnh kéo dài gây mưa liên tục, nên việc vận chuyển mía gặp nhiều khó khăn. Nhiều hộ trồng mía ngại đốn vì sợ phải trung chuyển, tăng thêm chi phí. Vì vậy Cty quyết định ngày 4/12 khởi động bước vào vụ ép mới”.
Theo ông Tường, vụ SX này Cty CP Đường Bình Định sẽ mua mía của nông dân với giá 900.000 đ/tấn 10 chữ đường. Đây là giá mua tại ruộng, Cty sẽ chịu chi phí vận chuyển.
“Trước khi bước vào vụ SX mới, Cty đã tổ chức gặp gỡ người trồng mía và cam kết với họ là sau khi cân mía, 3 ngày sau Cty sẽ thanh toán tiền sòng phẳng. Nông dân đồng tình nên từ ngày 1/12 đã nhập mía về nhà máy”, ông Tường cho hay.
Nông dân Nguyễn Văn Đức ở xã Nhơn Phúc (TX An Nhơn) trồng 3 ha mía bày tỏ: “Mấy năm nay ngành đường gặp khó khăn chung nên năm vừa rồi Cty mang nợ nông dân nhưng cũng đã trả hết. Năm nay Cty tiếp tục mua mía của giá khá cao, chúng tôi yên tâm lắm.
Theo như thông báo của Cty là không hạn chế sản lượng mua vô trong ngày, ai có nhu cầu đốn mía, chỉ cần thông báo ngày đốn, số đầu tấn để trạm thu mua nguyên liệu chuẩn bị cơ số xe và phát phiếu đốn. Cách thu mua như thế này là có cải tiến hơn trước”.
Song song với việc tổ chức SX niên vụ ép mới, Cty CP Đường Bình Định sẽ tiến hành triển khai chính sách đầu tư cho các vùng nguyên liệu. Tại Bình Định, trong niên vụ này Cty sẽ đầu tư cho khoảng 3.000 ha mía trồng mới, nông dân sẽ được Cty đầu tư không thu lãi từ 28 - 30 triệu đồng/ha gồm tiền mặt, 10 tấn mía giống, 30 tấn bã bùn/ha và phân NPK các loại. Thời hạn thu nợ trong vòng 1 năm.
Đối với mía gốc, Cty sẽ đầu tư không thu lãi cho 1.000 ha với mức 20 triệu đ/ha gồm tiền mặt, 20 tấn bã bùn/ha, phân NPK các loại. Thời hạn thu hồi vốn là 1 năm. Ngoài ra còn nhiều chính sách khuyến khích khác như: Mua tăng 20.000 đ/tấn mía có 10 chữ đường tại ruộng ở vùng mía thuộc các xã: Tây Thuận, Tây Giang (Tây Sơn); Vĩnh Quang (Vĩnh Thạnh). “Chúng tôi sẽ ưu tiên giá bán bã bùn cho nông dân chỉ 30.000 đ/tấn”, ông Phan Lâm Tường nói.
“Mặc dù vấn đề tiêu thụ đường hiện nay đang gặp khó, nhưng trước khi vào vụ ép mới, Cty đã đi liên hệ và đã có DN đồng ý bao tiêu sản phẩm, đường ra tới đâu thu mua hết tới đó. Đây là cơ sở để Cty cam kết với nông dân về hạn thanh toán tiền mua mía”, ông Phan Lâm Tường bộc bạch.
Tại vùng nguyên liệu Đông Gia Lai, trong niên vụ 2014-2015, Cty CP Đường Bình Định cũng sẽ áp dụng chính sách đầu tư trồng mới cho 3.000 ha với mức đầu tư 20 triệu đ/ha bao gồm phân bón và tiền mặt. Lãi suất được tính 12%/năm, Cty hỗ trợ 6%, nông dân chịu lãi 6%, thời gian thu hồi nợ là 1 năm. Đối với mía gốc, Cty sẽ đầu tư cho 2.000 ha với mức 10 triệu đ/ha, lãi suất 12%/năm, Cty hỗ trợ 6%, nông dân chịu lãi 6%, 1 năm sau thu hồi nợ.
Giá mua mía vụ ép 2014-2015 sẽ được bảo hiểm là 750.000 đ/tấn mía có 10 chữ đường, đó là giá mua tại ruộng, không bao gồm cước vận chuyển. Tùy vào giá thị trường tại thời điểm, Cty sẽ thông báo giá mua hợp lý, nhưng bảo đảm không thấp hơn giá bảo hiểm nói trên.
Năm nay do nắng hạn kéo dài, vùng nguyên liệu tại Bình Định mất trắng khoảng 350 ha, chỉ còn khoảng 1.300 ha mía đứng trên đồng, nên trong vụ ép này cầm chắc sản lượng mía tại tỉnh này sẽ giảm khoảng 50.000 tấn mía cây. Do đó, trong niên vụ trồng 2014-2015, Cty sẽ tập trung kinh phí đầu tư cho vùng nguyên liệu tại Bình Định.
Theo kế hoạch, niên vụ ép 2014-2015, Cty CP Đường Bình Định sẽ thu mua từ 2 vùng nguyên liệu Bình Định và Đông Gia Lai khoảng 400.000 tấn mía cây, SX ra 40.000 tấn đường. “Giải pháp để Cty tháo gỡ khó khăn trong niên vụ ép này là cố gắng tiết kiệm trong SX, nhất là cải tiến công tác thu mua, nhanh chóng đưa mía vào SX để không bị thất thoát sản lượng”, ông Lê Minh Phương, Trưởng phòng Nguyên liệu, Cty CP Đường Bình Định nói.
Nguồn bài viết: http://nongnghiep.vn/lay-lai-niem-tin-cay-mia-post135607.html
Có thể bạn quan tâm

Vụ 1 năm nay, toàn huyện Núi Thành thả nuôi tôm trên diện tích 600ha (bằng 60% kế hoạch). Mặc dù các hộ thả nuôi tôm đúng lịch thời vụ nhưng do nguồn nước, con giống chưa đảm bảo nên đã có 29ha bị dịch bệnh.

So với các tỉnh ĐBSCL, Bến Tre có tổng đàn heo trên 500 ngàn con, với phẩm cấp giống khá tốt. Tuy nhiên, đa số sản xuất dưới hình thức nông hộ, quy mô còn nhỏ lẻ và mức độ đầu tư về cơ sở vật chất chưa cao, chưa có qui hoạch khu chăn nuôi riêng. Vì vậy, việc bảo đảm vệ sinh môi trường trong chăn nuôi nhằm hạn chế dịch bệnh cho vật nuôi, bảo đảm vệ sinh môi trường và sức khỏe cộng đồng luôn là vấn đề bức thiết. Trong đó, giải pháp an toàn sinh học luôn được chú trọng.

Theo Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, thời gian qua thời tiết tại Đồng Nai thường xuyên có mưa lớn, độ ẩm cao nên sâu bệnh nấm hồng trên cây điều phát triển khá nhanh. Hiện toàn tỉnh có trên 1 ngàn hécta điều bị bệnh nấm hồng, tăng gần 500 hécta so với dịp cuối tháng 4-2012. Cây điều đang vào giai đoạn thu hoạch và chăm sóc sau thu hoạch.

Ngành Nông nghiệp vùng ĐBSCL cho biết, hiện nông dân trong khu vực đang vào vụ sản xuất lúa nên nhu cầu sử dụng phân bón là rất lớn. Tuy nhiên, tình trạng phân bón kém chất lượng xuất hiện ngày càng nhiều đang mang lại rất nhiều nỗi lo cho nông dân trong vùng.

Liên kết khuyến nông viên cơ sở (KNVCS) là mô hình mới do Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hà Nam thực hiện, bước đầu đem lại hiệu quả. Tuy nhiên, phần lớn KNVCS đều phàn nàn bởi khối lượng công việc quá lớn, song mức phụ cấp thấp; chỉ đủ tiền xăng xe hàng tháng nên họ không mặn mà.