Lao Đao Nghề Nuôi Cá Chẽm

Hiện người nuôi cá chẽm ở TP Cam Ranh (Khánh Hòa) đang điêu đứng vì giá cá thương phẩm rớt thê thảm khiến họ bị thua lỗ.
Ngư dân Nguyễn Tuấn, tổ dân phố Khánh Cam 1, phường Ba Ngòi (TP Cam Ranh), một người nuôi cá chẽm ở khu vực Trà Long 1 cho biết, từ đầu năm đến nay, giá cá chẽm thương phẩm rớt thê thảm, hiện chỉ còn từ 46 - 48 ngàn đồng/kg, giảm hơn nửa so với năm ngoái khiến người nuôi thua lỗ. Như gia đình ông với 3 ao nuôi, với tổng diện tích khoảng 5.000m2, năm ngoái thả 8.000 con thu được 5 tấn, bán với giá từ 80.000 - 100.000 đ/kg, sau khi trừ tất cả chi phí lãi từ 25 - 30 ngàn đ/kg. Còn năm nay ông cũng nuôi chừng ấy, nhưng do chi phí đầu tư cao, giá cá lại thấp nên thu hoạch bị thua lỗ gần 100 triệu đồng.
“Vụ này để nuôi được 1 kg cá chẽm người nuôi phải đầu tư chi phí thức ăn mất từ 40-60 ngàn đồng, chưa kể các chi phí khác. Với giá cá thương phẩm như hiện nay thì hầu như bà con đều thua lỗ”, ông Tuấn nói.
Cách hộ ông Tuấn không xa, gia đình ông Bùi Thanh Tiên, người cùng phường đang điêu đứng, vì cá đến thời kỳ xuất bán nhưng chưa bán được. Ông Tiên than vãn: “Gia đình tôi có 4 sào ao nuôi cá chẽm. Năm ngoái thả 10.000 con, do trong quá trình nuôi bị hao hụt hơn nửa nên chỉ thu được 3,5 tấn, bán với giá 96.000 đ/kg, sau khi trừ tất cả chi phí lãi hơn 100 triệu đồng. Vậy mà năm nay tôi cũng nuôi chừng ấy, hiện cá đã đạt trọng lượng từ 1,5 - 2 kg/con tương đương khoảng 7 - 8 tấn, nhưng chưa có thương lái hỏi mua”.
Ông Tiên nhẩm tính, với giá cá thấp như hiện nay nếu gia đình ông xuất bán thời điểm này thì phải chịu thua lỗ hàng chục triệu đồng. Tuy nhiên, do cá chưa bán được cho nên ông buộc cho cá ăn cầm hơi, cứ 2 ngày cho cá ăn 1 lần, mỗi lần tốn 4,5 tạ cá mồi, với giá từ 9.000 - 10.000 đ/kg.
Tương tự, người cá chẽm tại phường Cam Linh cũng đang chán chường vì tình trạng cá chẽm rớt giá lại khó bán như. Qua tìm hiểu của chúng tôi, mặc dù giá cá thấp thế nhưng có hộ chấp nhận thua lỗ để bán đổ bán tháo. Anh Trần Văn Sơn, tổ dân phố Đá Bạc vừa mới xuất bán 5 tấn cá, bán với giá 48 ngàn đồng/kg, sau khi trừ tất cả chi phí anh lỗ 15 ngàn đồng/kg. Giọng anh Sơn buồn rầu cho biết: “Cá đã nuôi hơn 15 tháng, đạt trọng lượng từ 1,2 - 1,5 kg/con, nếu không bán thì mỗi ngày phải tốn tiền thức ăn từ 3 - 4 triệu đồng/ngày. Bán cá để lấy ít vốn đầu tư đối tượng khác còn hơn nuôi mà không biết giá cá sắp tới sẽ tăng hay tiếp tục giảm”.
Trao đổi với PV NNVN, ông Phạm Huy Trường, Trưởng trạm Nuôi trồng Thuỷ sản Cam Ranh cho biết: Hiện diện tích cá chẽm đang đến thời kỳ xuất bán nhưng chưa bán được khoảng 80 ha, với hàng ngàn tấn cá bị tồn đọng, trong đó chưa kể khoảng 25 ha cá đang trong thời kỳ chuẩn bị xuất bán. Nguyên nhân cá bị tồn đọng là do giá cá thương phẩm rớt giá thê thảm và tiêu thụ chậm.
Cá thương phẩm không tiêu thụ được, nhiều trại SX giống trên địa bàn hiện cũng đã ngừng hoạt động do không bán được giống.
BOX: Bà Trần Thanh Thúy, Phó Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng Thủy sản Khánh Hòa cho biết: Cá chẽm chủ yếu XK sang thị trường Mỹ, Úc và các nước Châu u. Tuy nhiên, năm nay do các nhà máy chế biến thuỷ sản XK giảm số lượng các đơn đặt hàng khiến giá cá xuống thấp.
Có thể bạn quan tâm

Lần theo địa chỉ được anh bạn giới thiệu, tìm về đúng khóm Tây Khánh 7, phường Mỹ Hòa (Tp. Long Xuyên, An Giang), chúng tôi hỏi thăm suốt dọc đường mà nghe tên ông Ba Kim ai cũng lắc đầu ngơ ngác. Nhưng chỉ cần “quá bộ” vài bước xuống cánh đồng ngay kế lộ, thì người nào cũng biết và nhiệt tình chỉ đường về “trại tép Ba Kim”.

Nơi có sản lượng đạt cao là Yên Dũng, Tân Yên, Lạng Giang, Việt Yên do nông dân đầu tư mở rộng diện tích nuôi thâm canh; công tác kiểm soát chất lượng thức ăn thủy sản, giống và phòng chống dịch bệnh trên cá được chú trọng đã hạn chế rủi ro cho người chăn nuôi.

Trong những năm gần đây, ngành chăn nuôi của huyện Dầu Tiếng có tốc độ tăng trưởng cao, đóng góp khá lớn cho lĩnh vực sản xuất nông nghiệp của huyện. Cùng với việc phát huy thế mạnh chăn nuôi trong nông nghiệp, hiện Dầu Tiếng (Bình Dương) đang tập trung phát triển ngành này theo hướng công nghiệp.

Với diện tích canh tác trên 740ha; trong đó đất 2 lúa có 445ha, đất chuyên màu trên 293ha, Yên Đồng là một trong những xã có diện tích đất sản xuất nông nghiệp lớn của huyện Ý Yên (Nam Định). Triển khai chương trình hỗ trợ nông dân sản xuất rau an toàn của Hội Nông dân (HND) tỉnh từ năm 2009, HND xã đã đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ nông dân chuyển đổi hơn 150ha đất 2 lúa ở các cánh đồng thôn Cốc Dương, An Trung sang trồng rau sạch nhằm tăng giá trị thu nhập trên diện tích đất canh tác.

UBND huyện Thanh Bình (Đồng Tháp) liên kết với Trường Đại học Cần Thơ vừa tổ chức hội thảo đề tài xây dựng quy trình sản xuất ớt theo tiêu chuẩn VietGAP. Tham dự hội thảo có đại diện Trung tâm chất lượng Nông, Lâm, Thủy sản vùng 6; Trường Đại học Cần Thơ cùng một số nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực nông nghiệp và gần 100 nông dân ở 5 xã cù lao và xã Bình Thành, huyện Thanh Bình.