Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Lang Môn Đổi Thay Từ Cây Thuốc Lá

Lang Môn Đổi Thay Từ Cây Thuốc Lá
Ngày đăng: 28/07/2014

Mấy năm gần đây, bộ mặt nông thôn của xã Lang Môn (Nguyên Bình) đã dần đổi thay từ trồng cây thuốc lá. Sau vài năm trồng thử nghiệm, cây thuốc lá dần khẳng định được vị thế giúp bà con cải thiện cuộc sống, vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng.

Năm 2011, cây thuốc lá được một số hộ dân ở các xóm: Lủng Hính, Nà Peo, Nà Lẹng đưa vào trồng thử nghiệm với diện tích khoảng 3.000 m2 và mang lại hiệu quả cao.

Đến vụ đông - xuân năm 2014, diện tích trồng thuốc lá của xã tăng lên 41,7 ha,  được trồng tại các xóm: Lủng Hính, Nà Piao, Kẻ Già, Nà Po, Kẻ Si, Nà Lẹng 9 ha với 127 hộ dân tham gia trồng, chiếm 31% số hộ trong toàn xã. Năng suất đạt 17,4 tạ/ha, giá thu mua trung bình 47.000 đồng/kg; nếu vàng, đẹp có thời điểm được 50.000 đồng/kg; thuốc lá đen, xấu hơn thì có giá khoảng 40.000 - 42.000 đồng/kg.

Anh Tô Văn Cương, Trưởng xóm Lủng Hính, xã Lang Môn cho biết: Năm 2013, xóm có 50% số hộ trồng thuốc lá cho thu nhập từ 30 - 50 triệu  đồng, tiêu biểu như các hộ: Hoàng Văn Bằng, Hoàng Văn Lại, Nguyễn Thị Xuân. Bà con thấy rõ cây thuốc lá mang lại hiệu quả thu nhập cao trên cùng một đơn vị diện tích, vì vậy, mỗi năm số hộ trồng thuốc lá trong xóm tăng nhanh, năm 2011 có 9 hộ, năm 2014 có 43 hộ.

Từ trồng thuốc lá, 80% số hộ trong xóm mua được máy cày bừa, xe máy đắt tiền và các phương tiện khác, đến nay, xóm chỉ còn 1 hộ nghèo.

So với cây lúa, cây thuốc lá không đòi hỏi phải sử dụng nhiều nước, phù hợp với đất đai, thời tiết và khí hậu; trồng thuốc lá ít gặp rủi ro và có giá trị kinh tế cao.

Anh Phạm Văn Dương, xóm Lủng Hính chia sẻ: Thấy rõ ưu điểm, thuận lợi trong quá trình trồng cây thuốc lá, năm 2013, gia đình tôi trồng 1.800 m2 thuốc lá. Sau vụ thu hoạch, trừ chi phí, công lao động, củi, phân bón, tiền xăng dầu, vận chuyển, lãi trên 28 triệu đồng, cao gấp 6 - 7 lần so với trồng lúa. Năm nay, gia đình tôi mở rộng diện tích trồng thuốc lá lên 3.000 m2.

Để đảm bảo cho cây thuốc lá phát triển tốt, tôi đầu tư thêm máy bơm nước, vòi dẫn để tưới nước khi thuốc lá gặp thời tiết khô hạn. Sử dụng thêm phân chuồng và dùng chất bã thải của hầm Bioga bón nên cây thuốc lá phát triển rất tốt.

Xác định cây thuốc lá là cây trồng mũi nhọn trong phát triển nông nghiệp, năm 2013, xã đã chọn làm cây trồng mũi nhọn trong  chương trình sản xuất hàng hoá nông, lâm nghiệp do Huyện uỷ phát động theo Công văn số 397-CV/HU ngày 23/2/2013 của Ban Thường vụ Huyện uỷ về xây dựng mô hình sản xuất hàng hoá nông, lâm nghiệp giai đoạn 2011 - 2015.

Theo đó, Đảng uỷ, chính quyền xã tiếp tục vận động bà con tập trung mở rộng diện tích trồng cây thuốc lá, chuyển những mảnh ruộng không chủ động được nước tưới sang trồng cây thuốc lá, giúp người dân nâng cao đời sống, vươn lên làm giàu, góp phần đưa nền KT - XH của xã ngày càng phát triển.

Theo ông Hoàng Xuân Minh, Chủ tịch UBND xã Lang Môn, so với các cây trồng khác, trồng thuốc lá có nhiều thuận lợi hơn, lại được Công ty cổ phần Thuốc lá Cao Bằng cấp  hạt giống không thu tiền, được tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, sấy, và cung cấp một số vật tư cần thiết, như: phân bón, túi bầu, thuốc bảo vệ thực vật.

Đồng thời, Công ty bao tiêu sản phẩm sau khi thu hoạch nên việc phát triển diện tích trồng thuốc lá của xã thuận lợi. Từ 2011 đến nay, xã có nhiều hộ trồng thuốc lá cho thu nhập từ 20 - 60 triệu đồng. Hiện nay, số hộ nghèo của xã  đã giảm xuống còn 72 hộ, chiếm 18,1%.


Có thể bạn quan tâm

Hà Nội Tập Trung Thu Hoạch Lúa Vụ Mùa Hà Nội Tập Trung Thu Hoạch Lúa Vụ Mùa

Từ cuối tháng 9 đến nay, nông dân các xã trên địa bàn huyện Thanh Oai như Thanh Mai, Bích Hòa, Cao Dương, Hồng Dương... hối hả bước vào vụ gặt. Theo các hộ nông dân, thời tiết nắng ráo như hiện nay rất thuận lợi cho việc thu hoạch và bảo quản thóc. Vụ mùa năm 2014, toàn huyện Thanh Oai gieo cấy 6.666 ha, trong đó, diện tích cấy các giống lúa lai có năng suất và chất lượng cao như: Bắc thơm số 7, BC15, lúa lai Thái Xuyên 111... chiếm khá lớn.

07/10/2014
Nhiều Thách Thức Trong Quá Trình Chuyển Đổi Cây Màu Trên Đất Lúa Nhiều Thách Thức Trong Quá Trình Chuyển Đổi Cây Màu Trên Đất Lúa

Những năm qua, tốc độ tăng trưởng ngành sản xuất lúa gạo của Đồng Tháp liên tục tăng mạnh. Diện tích gieo trồng hằng năm ước đạt 500 nghìn ha, sản xuất 2 - 3 vụ/năm. Năm 2013, diện tích trồng lúa của tỉnh tăng 514.803 ha, sản lượng 3,3 triệu tấn, đạt cao nhất từ trước đến nay.

07/10/2014
Thanh Hóa Làm Giàu Từ Sản Xuất Vụ Đông Thanh Hóa Làm Giàu Từ Sản Xuất Vụ Đông

Trước đây, ở Thanh Hóa nhiều người chỉ coi vụ xuân và vụ mùa mới là vụ sản xuất chính, chưa mấy coi trọng sản xuất vụ đông. Nhiều năm gần đây, các giống lúa ngắn ngày được lai tạo và du nhập ngày càng nhiều nên thời gian cho vụ đông được kéo dài, thuận lợi cho việc sản xuất.

07/10/2014
Hàm Thuận Nam Nỗ Lực Thực Hiện Thanh Long VietGAP Hàm Thuận Nam Nỗ Lực Thực Hiện Thanh Long VietGAP

Huyện Hàm Thuận Nam có diện tích thanh long dẫn đầu Bình Thuận. Trong những năm gần đây, người dân địa phương này đã quen dần thực hành sản xuất nông nghiệp tốt với cây trồng chủ lực thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu các nước trong khu vực…

08/10/2014
25 Tấn Cá Tra Của Công Ty Hùng Vương Đã Được Giải Tỏa Tại Nga 25 Tấn Cá Tra Của Công Ty Hùng Vương Đã Được Giải Tỏa Tại Nga

Cụ thể, TTXVN đưa tin, Cơ quan kiểm dịch động thực vật Liên bang Nga Rosselkhoznadzor ngày 6/10 cho biết hơn 25 tấn cá basa filê đông lạnh của Việt Nam cập Cảng Lớn ở thành phố St. Petersburg đã bị áp dụng hạn chế tạm thời.

08/10/2014