Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Làm Tốt Công Tác Tiêm Phòng Vụ Thu Cho Gia Súc, Gia Cầm

Làm Tốt Công Tác Tiêm Phòng Vụ Thu Cho Gia Súc, Gia Cầm
Ngày đăng: 17/09/2014

Những năm qua, công tác thú y được chú trọng phát triển cả bề rộng lẫn chiều sâu đã đáp ứng kịp thời nhu cầu bảo vệ đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn, góp phần nâng cao hiệu quả chăn nuôi và tạo ra môi trường chăn nuôi trong sạch, sản phẩm thịt sạch góp phần bảo vệ sức khỏe con người.

Để hạn chế đến mức thấp nhất các loại dịch bệnh trên gia súc, gia cầm xảy ra trên địa bàn, Chi cục Thú y tỉnh Quảng Trị đã triển khai thường xuyên và đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, trong đó Chi cục đã làm tốt công tác tiêm phòng định kỳ mỗi năm 2 vụ là vụ xuân và vụ thu.

Dựa vào tác dụng và thời hạn phòng ngừa dịch bệnh của vắc xin mà ngành thú y tỉnh tổ chức tiêm phòng cho các loại gia súc 2 lần trong một năm là tiêm phòng vụ xuân được tổ chức từ 1- 31/3 và vụ thu được tổ chức từ 1- 31/8 (có thể kéo dài thời gian tiêm phòng bổ sung từ 15- 20 ngày trong mỗi vụ và đối với gia cầm thì tiêm phòng quanh năm).

Công tác tiêm phòng được chỉ đạo chặt chẽ từ tỉnh xuống cơ sở và có sự phối hợp với chính quyền địa phương. Đội ngũ cán bộ thú y cơ sở được kiện toàn và thường xuyên được tập huấn nâng cao trình độ kỹ thuật tiêm cùng với ý thức của nông dân về tiêm phòng gia súc được nâng lên cho nên công tác tiêm phòng thuận lợi hơn những năm trước đây.

Dưới sự chỉ đạo của chính quyền địa phương, phần đông nông dân ở vùng đồng bằng chăn nuôi thâm canh tự nguyện tham gia dịch vụ thú y, nhờ đó tỷ lệ tiêm phòng ở vùng này luôn đạt được mức bảo hộ từ 80% tổng đàn trở lên.

Tuy nhiên, ở các vùng nghèo, vùng khó khăn về cơ sở hạ tầng, vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số chăn nuôi chậm phát triển hoặc còn chăn nuôi nhỏ lẻ, không tập trung thì ý thức tiêm phòng cho gia súc của người dân còn kém, vì thế kết quả công tác tiêm phòng thường đạt rất thấp.

Đối với đàn lợn do thời gian nuôi ngắn, nông dân thường có tư tưởng chủ quan không tham gia tiêm phòng nên tỷ lệ tiêm phòng cho lợn cũng đạt thấp, toàn tỉnh chỉ đạt từ 20- 30% tổng đàn lợn.

Ngay cả lợn đang mang thai với kỹ thuật tiêm tốt như hiện nay thì có thể tiêm bình thường giúp cho đàn lợn con sinh ra có khả năng kháng thể mạnh đảm bảo được an toàn dịch bệnh, nhưng trên thực tế tâm lý của nông dân vẫn lo ngại chưa mạnh dạn tiêm cho lợn nái.

Đặc biệt một số vùng ở gò đồi và miền núi chăn nuôi trâu bò theo phương thức thả rông nên rất khó để thực hiện được công tác tiêm phòng. Công tác kiểm soát, quản lý dịch bệnh đối với những trâu bò chăn nuôi thả rông cũng rất khó khăn, do đó trâu bò thả rông là đầu mối nguy hiểm làm bùng phát và lây lan dịch bệnh gia súc.

Một thực tế nữa là người chăn nuôi thường có tâm lý chủ quan, lơ là ít tham gia tiêm phòng cho gia súc, gia cầm nếu trong một thời gian dài không có dịch bệnh xảy ra làm cho mầm bệnh lây nhiễm âm ỉ trong đàn gia súc, gia cầm, khả năng kháng bệnh của vật nuôi bị hạn chế đến khi bùng phát thành dịch mới đua nhau tiêm phòng cho gia súc, gia cầm thì khả năng phòng chống bệnh của vật nuôi kém hiệu quả, gây ra hậu quả nghiêm trọng do dịch bệnh...

Từ thực trạng đó, ngành Thú y tỉnh phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, thông qua chính quyền địa phương để vận động người dân tham gia tiêm phòng cho gia súc.

Ở một số địa phương chính quyền đưa tiêu chí an toàn dịch bệnh trong chăn nuôi làm tiêu chí thi đua; ngành Thú y quy định hộ chăn nuôi không đăng ký lập đàn và không thực hiện tiêm phòng theo quy định nếu xảy ra dịch bệnh thì tiêu hủy mà không được hỗ trợ thiệt hại.

Để công tác tiêm phòng đạt kết quả cao, ngay từ đầu năm, công tác tổng kết tiêm phòng năm trước và triển khai tiêm phòng năm nay đã được ngành Thú y thực hiện từ tỉnh đến cơ sở. Những sai sót được rút kinh nghiệm, các địa phương làm tốt được biểu dương để các địa phương khác học tập.

Nhờ vậy, các cơ sở đã nhanh chóng bắt tay vào thực hiện tiêm phòng vụ thu. Tính đến ngày 4/9/2014, toàn tỉnh đã tiêm phòng 50.495 liều vắc xin lở mồm long móng trâu bò, đạt 87,6% kế hoạch; 56.873 liều vắc xin kép cho lợn, đạt 52,6% kế hoạch; 16.144 liều tụ huyết trùng trâu bò và 927 liều vắc xin dại chó bổ dung. Chi cục Thú y cũng tiếp tục triển khai tiêm phòng dịch cúm gia cầm với 84.236 liều vắc xin.

Được sự hướng dẫn kỹ thuật của cán bộ trạm thú y huyện thị, đội ngũ cán bộ thú y cơ sở tổ chức tiêm phòng đúng quy trình kỹ thuật, đúng tiến độ. Chi cục Thú y tỉnh luôn chuẩn bị sẵn sàng đầy đủ lượng vắc xin và vật tư thú y, đảm bảo giá cả hợp lý và kịp thời cung ứng cho các địa phương. Phấn đấu năm nay nâng cao tỷ lệ tiêm phòng đại trà trên toàn tỉnh, vùng trọng điểm chăn nuôi, giữ vững kết quả tiêm đạt mức bảo hộ khoảng 85% tổng đàn.


Có thể bạn quan tâm

Trên 1.200 Cơ Sở Cam Kết Không Thu Mua, Chế Biến Tôm Chứa Tạp Chất Trên 1.200 Cơ Sở Cam Kết Không Thu Mua, Chế Biến Tôm Chứa Tạp Chất

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo phòng, chống hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất, kinh doanh tôm chứa tạp chất tỉnh Cà Mau, qua công tác rà soát và tuyên truyền vận động, trên 1.200 cơ sở thu mua, sơ chế nguyên liệu thuỷ sản trong tỉnh ký cam kết không thực hiện hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và không thu mua, sơ chế, vận chuyển, kinh doanh tôm có chứa tạp chất. Ðồng thời, có trên 20 doanh nghiệp ký cam kết không thu mua, chế biến tôm có chứa tạp chất.

26/11/2014
Đề Nghị Lập Trung Tâm Phân Tích Chất Lượng Gạo Chuẩn Quốc Tế Đề Nghị Lập Trung Tâm Phân Tích Chất Lượng Gạo Chuẩn Quốc Tế

Đó là đề xuất của ông Lê Minh Trượng, giám đốc Công ty lương thực Sông Hậu, tại cuộc họp với lãnh đạo TP Cần Thơ về giải quyết hàng tồn kho ngày 19/6.

21/06/2014
Nông Dân Huyện U Minh Phát Triển Mô Hình Nuôi Rắn Ri Tượng Nông Dân Huyện U Minh Phát Triển Mô Hình Nuôi Rắn Ri Tượng

Hiền tính, dễ nuôi, phù hợp với điều kiện ở địa phương nên rắn ri tượng là loài động vật đang được người dân trong huyện U Minh lựa chọn để tạo thêm nguồn thu nhập, có không ít hộ giàu lên từ loài vật nuôi này. Hiện nay một số địa phương cũng hình thành tổ nuôi rắn, với quy mô hàng chục hộ liên kết nhau, số lượng rắn lên đến vài trăm con. Việc thành lập tổ nuôi rắn còn giúp nông dân trao đổi kinh nghiệm và dễ tìm đầu ra với số lượng lớn, giúp người nuôi an tâm.

26/11/2014
Những Vấn Đề Những Vấn Đề "Nóng" Của Ngành Tôm

Tôm thẻ chân trắng rớt giá, dịch bệnh xuất hiện trên diện rộng, tôm xuất khẩu nhiễm dư lượng kháng sinh Oxytetraxycline… Những vấn đề này hiện thu hút sự quan tâm của nhiều chuyên gia, nhà quản lý, người nuôi tôm trên cả nước.

21/06/2014
Nuôi Bồ Câu Pháp, Thu Nhập 50 Triệu Đồng/tháng Nuôi Bồ Câu Pháp, Thu Nhập 50 Triệu Đồng/tháng

Từ khi còn làm lái xe tắc-xi, rong ruổi khắp nơi, anh Nguyễn Ngọc Thức đã khát khao tìm được việc gì đó để có thể làm giàu trên quê hương mình. Sau một thời gian tìm hiểu, năm 2008, anh quyết tâm kinh doanh mô hình nuôi bồ câu Pháp. Ban đầu, với chút vốn liếng giành giụm được và sự hỗ trợ của gia đình, anh Thức mua 400 cặp bồ câu giống với giá 300.000 đồng/cặp về nuôi thử. Một thời gian sau, thấy có triển vọng, anh quyết định mở rộng kinh doanh, mạnh dạn vay vốn từ nhiều nguồn để phát triển con giống.

26/11/2014