Làm Sao Để Giữ Rừng Và Trồng Lúa Đi Cùng Một Hướng?

20 năm là khoảng thời gian đủ dài để thay đổi cuộc đời con người. Tuy nhiên, ngần ấy thời gian vẫn chưa đủ để làm thay đổi cuộc sống của người dân dưới tán rừng tràm U Minh Hạ. Nhiều hộ có trách nhiệm rất cao trong công tác bảo vệ rừng, nhưng cuộc sống của họ vẫn còn khó khăn nhiều bề.
Thực trạng trên xuất phát từ những mâu thuẫn trong bảo vệ rừng với phát triển kinh tế gia đình từ nhiều năm nay chưa được khắc phục.
Người dân U Minh đã có ý thức phòng chống cháy rừng (PCCR) từ lâu. Trong họ, bảo vệ và PCCR là đồng nghĩa với bảo vệ tài sản của chính gia đình họ. Từ đó, việc triển khai công tác PCCR ở Công ty Lâm nghiệp U Minh Hạ gặp nhiều thuận lợi.
Đa phần người dân sống trong đất rừng U Minh đều là những hộ nghèo, không đất sản xuất; vào rừng lập nghiệp từ những năm 1990 theo chính sách điều động dân cư. Mỗi hộ được cấp 2 ha đất ruộng trồng lúa và 5 ha đất trồng rừng.
Những năm gần đây, khi cây tràm mất giá và những lâm sản trong rừng ngày càng cạn kiệt thì đời sống của người dân dưới tán rừng cũng gặp nhiều cái khó. Nhất là khi thực hiện đóng cửa rừng để phục vụ cho công tác phòng chống cháy.
Anh Phạm Văn Tuấn, ấp 13, xã Khánh Lâm, cho biết, vùng này ít khi xảy ra cháy do người dân rất ý thức trong bảo vệ rừng. Vì giữ rừng cũng chính là giữ tài sản của gia đình. Tuy nhiên, việc giữ nước để chữa cháy cũng đồng nghĩa với việc ngập úng trong nông nghiệp.
Vào khoảng tháng 9 âm lịch là khoảng thời gian làm đòng của lúa, lúc này thì cần nước rút. Trong khi đó, thời điểm này lại phải giữ nước để chuẩn bị cho mùa khô. Chính vì vậy, việc sản xuất gặp rất nhiều khó khăn.
Hiện tại có 45 hộ dân sống trong khu vực 181, ấp 13, xã Khánh Lâm, có cùng chung cảnh ngộ với ông Tuấn. Hầu hết những hộ ở đây thực hiện rất tốt việc giữ rừng trong những năm gần đây.
Tuy nhiên, nếu thực hiện các biện pháp giữ rừng thật tốt thì điều kiện sản xuất lúa của bà con sẽ gặp khó khăn. Bởi vì, để thực hiện tốt công tác phòng chống cháy thì đòi hỏi người dân phải hy sinh lúa giữ nước để phục vụ cho công tác phòng chống cháy rừng.
Mùa khô thì người dân bị cấm ra vào rừng. Đồng thời phải cam kết không được đốt đồng, thu nhập từ ong mật, con cá cũng theo đó mà giảm sút. Do đó, việc sản xuất lúa chỉ là tạm đủ ăn, chứ khó có thể dư giả.
Phụ trách xã có tỷ lệ hộ nghèo lên đến 29%, ông Vũ Hà Bắc, Chủ tịch UBND xã Khánh Lâm, trăn trở: “Nếu làm tốt công tác giữ rừng thì đời sống người dân gặp khó, mà đời sống người dân gặp khó thì gánh nặng địa phương càng nhiều.
Chính vì vậy, hơn lúc nào hết, giữa rừng và lúa khó có thể sống hài hoà được với nhau. Để cuộc sống người dân bảo đảm tốt hơn, cần xem xét đến lộ trình tách lúa ra khỏi rừng”.
Trong những năm gần đây, đời sống kinh tế của một số hộ dân trong lâm phần rừng tràm U Minh Hạ đã được cải thiện. Tuy nhiên, để tất cả người dân trong lâm phần vừa thực hiện tốt bảo vệ rừng theo chủ trương vừa phát triển kinh tế gia đình thì cần nhiều hơn nữa sự quan tâm về những giải pháp hữu hiệu từ ngành chức năng.
Có thể bạn quan tâm

Do giá hồ tiêu liên tục tăng cao trong vài năm gần đây nên nông dân vùng Đông Nam bộ đã ồ ạt phát triển diện tích canh tác.

Đời sống của nông dân Hậu Giang cải thiện đáng kể nhờ nguồn thu nhập từ 35 triệu đồng - hơn 100 triệu đồng/ha mía.

Liên kết, gắn sản xuất với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn (CĐL) là đòi hỏi, hướng đi tất yếu của ngành nông nghiệp nhằm khắc phục những hạn chế và yếu kém trong sản xuất cũng như tiêu thụ nông sản. Vậy nhưng, từ mô hình đến nhân rộng vẫn còn nhiều lực cản.

Vì quá tin tưởng vào cơ sở bao tiêu, những nông dân từng gắn bó với mô hình trồng nấm bào ngư, nấm mèo tại xã Thạnh Mỹ Tây (Châu Phú - An Giang) đã phải nhận “trái đắng”. Hiện, những cơ sở bao tiêu này đã gom hết số nấm nông dân bán cho họ và... không hẹn ngày trở lại.

Theo Trung tâm Khí tượng - Thủy văn Trung ương, do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, khu vực ĐBSCL - trong đó có Bạc Liêu sẽ xảy ra tình trạng xâm nhập mặn, thiếu nước ngọt sản xuất.