Làm Giàu Từ Nuôi Rắn Ráo Trâu

Thời gian qua, việc mạnh dạn chuyển đổi vật nuôi, cây trồng không chỉ làm đa dạng mô hình sản xuất mà nó còn góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho nhiều nông hộ ở đồng bằng sông Cửu Long.
Tuy nhiên, ngoài những định hướng của ngành nông nghiệp địa phương thì phải kể đến sự nhạy bén, sáng tạo biết nắm bắt khoa học kỹ thuật và bám sát với nhu cầu thị trường của nông dân. Câu chuyện làm giàu từ mô hình nuôi rắn ráo trâu của anh Võ Văn Tạo – nông dân ngụ tại xã Minh Diệu, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu sẽ làm rõ hơn về tính đột phá của nông dân trong thời buổi hiện nay.
Nhiều năm gắn bó với ruộng đồng, cuộc sống vẫn loay hoay với những tháng, ngày thiếu thốn, có năm được mùa thì lúa mất giá và ngược lại…không chấp nhận thực tế, anh Võ Văn Tạo đã quyết tâm tìm hướng đi mới để thay đổi cuộc sống. Và một quyết định khá táo bạo đã được người nông dân này thực hiện.
Đầu năm 2011, sau khi tìm hiểu cách nuôi rắn ráo trâu ở các tỉnh Đồng Tháp, An Giang,…anh đã bán 3 công ruộng - tài sản quý giá nhất của gia đình để đầu tư cho mô hình này.
Với 50 cặp rắn giống ban đầu, hiện số lượng rắn trang trại của anh Tạo đã lên gần 1.000 con. Lúc đầu anh chỉ nuôi rắn thịt, về sau nhờ chịu khó học hỏi và sản xuất thành công rắn giống nên đã giảm chi phí đầu tư, gia tăng thu nhập cho người nông dân này.
Anh Tạo chia sẻ, rắn ráo trâu là một trong những loài rắn hoàn toàn không có độc và không nguy hiểm cho người chăn nuôi, với giá bán trung bình khoảng 450.000 đồng/1 kg, có thời điểm lên đến 900.000 đồng/1 kg. Ưu điểm của rắn ráo trâu là ít bệnh, dễ chăm sóc, diện tích nuôi nhỏ, thích hợp với những nông hộ có ít đất. Ở chế độ chăm sóc tốt, sau 1 năm, rắn có thể đạt trọng lượng trên 1,2 kg. Người nuôi có thể bán rắn thương phẩm hoặc nuôi tiếp hay cho chúng sinh sản.
Để được sự hỗ trợ và tư vấn kỹ thuật từ các cơ quan chuyên môn giúp mô hình phát triển bền vững, bắt đầu thực hiện mô hình anh Võ Văn Tạo đã đăng ký với Chi Cục Kiểm lâm tỉnh. Ngoài ra, anh còn ký kết hợp đồng thu mua với nhiều doanh nghiệp, nhà hàng trong và ngoài tỉnh để đảm bảo đầu ra cũng như giá cả ổn định.
Với diện tích 300m2 thả nuôi rắn ráo trâu, trừ chi phí mỗi năm gia đình anh Tạo thu về mức lợi nhuận ròng lên trên 300 triệu đồng, cao gấp nhiều lần so với làm lúa trước đây. Điều đáng quý ở người nông dân này là không ngừng chịu khó học hỏi và sẵn sàng sẻ chia cách làm ăn với mọi người để cùng nhau làm giàu.
Có thể bạn quan tâm

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá lúa khô tại kho loại thường hiện ở mức 5.550 - 5.650 đ/kg, loại hạt dài 5750 - 5.850 đ/kg. Giá gạo nguyên liệu làm gạo 5% tấm hiện ở mức 7.150 - 7.250 đ/kg. Gạo thành phẩm 5% tấm không bao bì tại mạn tàu hiện khoảng 8.600 - 8.700 đ/kg, gạo 15% tấm 8.100 - 8.200 đ/kg và gạo 25% tấm 7.650 - 7.750 đ/kg.

Theo thông cáo của chính phủ Sri Lanka, việc Nga cho phép Sri Lanka XK thủy sản sang nước này là minh chứng về chất lượng và tiêu chuẩn của sản phẩm thủy sản Sri Lanka cung cấp cho các thị trường quốc tế và cũng cho thấy khả năng đáp ứng các yêu cầu cao trong XK của Sri Lanka.

Theo Tổng cục Hải quan, trong 6 tháng đầu năm nay, các DN nước ta đã XK TĂCN và nguyên liệu TĂCN đạt giá trị 205,482 triệu USD, tăng tới 22,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Trung Quốc là nước NK TĂCN và nguyên liệu từ Việt Nam nhiều nhất, với giá trị 62,268 triệu USD.

Tháng 8/2014, kim ngạch XK thủy sản của Ireland sang Trung Quốc (bao gồm cả Hồng Kông) tăng 34% so với cùng kỳ. Trung Quốc là một thị trường quan trọng đối với hải sản Ireland. Mức độ đô thị hóa cao và tầng lớp trung lưu làm tăng nhu cầu thủy sản an toàn, và thuỷ sản Ireland đáp ứng được nhu cầu này.

5 doanh nghiệp bán lẻ lớn của Hà Nội đã ký thỏa thuận hợp tác thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nước mắm mang chỉ dẫn địa lý “Phú Quốc” tại hội thảo “Bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Phú Quốc” cho sản phẩm nước mắm và kinh nghiệm đăng ký ở châu Âu” diễn ra sáng nay (22/7).