Làm Giàu Từ Nuôi Lươn Trong Chum

Trải qua 4 năm học hỏi, tích lũy kinh nghiệm, anh Nguyễn Trung Thành ở khu phố 1, phường Long Thủy (TX. Phước Long, tỉnh Bình Phước) đã thành công với mô hình “nuôi lươn thương phẩm trong chum” thu lợi hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Lươn sống ở mương, lạch, nơi đầm lầy, ruộng lúa. Lươn không chỉ là món ăn đặc sản giàu dinh dưỡng mà theo các thầy thuốc đông y, còn là vị thuốc có thể chữa được bệnh suy dinh dưỡng, kiết lỵ, đau nhức xương sống, phong thấp... Vì vậy, lươn trở thành loại thực phẩm có giá trị cao.
Anh Thành cho biết: “Nhu cầu tiêu thụ lươn ở các chợ tại thị xã Phước Long rất lớn và nguồn lươn phải nhập từ các tỉnh lân cận với giá cao. Sau khi tìm hiểu thị trường và tham khảo các tài liệu, tôi nhận thấy nuôi lươn trong chum rất phù hợp với điều kiện của gia đình”.
Năm 2008, anh Thành thử nghiệm nuôi lươn trong 5 chum, mỗi chum có đường kính 1m, cao 80cm. Trong mỗi chum anh Thành thả 1kg lươn giống có giá 400 ngàn đồng. Thức ăn chủ yếu của lươn là da bò, cám cá, thịt phế phẩm. Ban đầu, chưa chọn được giống tốt nên lươn chậm phát triển, lợi nhuận không nhiều.
Đầu năm 2012, anh đã thành công với giống lươn đã thuần chủng. 10 chum được thả 10kg lươn, sau 5 tháng lươn đạt trọng lượng 500g/con, giá bán 120 ngàn đồng/kg, trừ chi phí đầu tư anh thu về hơn 9 triệu đồng. Tháng 8-2012, mô hình của anh đã đoạt giải nhì hội thi “Tuổi trẻ tiến quân khoa học”. UBND tỉnh đã phê duyệt dự án “nuôi lươn thương phẩm trong chum” và đầu tư gần 100 triệu đồng cho dự án do anh Thành làm chủ nhiệm.
Năm 2013, anh Thành xây 3 hồ lươn có thể tích 18m3, mua thêm 30 chum và thả 50kg lươn giống. Sau 5 tháng, lươn được bán với giá 140 ngàn đồng/kg và thu về hơn 100 triệu đồng. Anh Thành cho biết, lươn ưa nước sạch nên phải thay nước hàng ngày.
Từ mô hình nuôi lươn của anh Thành, Hội Nông dân thị xã Phước Long đã nhân rộng ra các phường. Hội đã hỗ trợ 300 triệu đồng cho 10 hộ ở phường Long Phước và thành lập liên kết tổ hợp tác sản xuất giữa các hộ. Trong đó, gia đình ông Vũ Ngọc Triết ở khu phố Long Điền 1, phường Long Phước đã thành công. Ông Triết chia sẻ: “Sau 5 tháng nuôi, lươn của tôi tiêu thụ tại chợ Phước Bình (TX. Phước Long) với giá 150 ngàn đồng/kg. Trừ chi phí đầu tư tôi thu hơn 30 triệu đồng. Lươn là loại ăn tạp nên nguồn thức ăn rất phong phú và đảm bảo nước thay hàng ngày thì phát triển rất nhanh”.
Ông Đoàn Ngọc Lâm, Chủ tịch Hội Nông dân thị xã Phước Long cho biết: “Để mô hình nuôi lươn phát triển vững chắc tại thị xã Phước Long cần tạo được liên kết giữa các hộ nuôi lươn vào một hợp tác xã. Khi đó, lươn cung cấp ra thị trường sẽ ổn định và người nuôi chủ động hơn về con giống”.
Có thể bạn quan tâm

Sản xuất rau an toàn đã trở thành nhu cầu bức thiết trong xã hội. Ngoài yếu tố bảo vệ sức khỏe cộng đồng, rau an toàn còn có ý nghĩa rất lớn về kinh tế và khoa học vì hướng tới một nền nông nghiệp bền vững. Chính vì vậy, khai thác thiên địch tự nhiên (sử dụng tài nguyên côn trùng) để phòng chống sâu hại hiệu quả là một xu hướng mới đã được giới thiệu đến các nhà vườn trồng rau tại BR-VT.

Nhiều bạn đọc ở nước ngoài như: New Zeland, Canada, Úc, Hàn Quốc, Nhật, Đức, Mỹ… cho biết ở bên đó thanh long Việt Nam bán giá 5 – 6 USD/quả bằng nắm tay, đắt quá, thèm mà chẳng dám ăn. Mong Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu, để nông dân đỡ khổ.

Phóng viên TTXVN tại Sydney dẫn đánh giá của Hiệp hội thịt và vật nuôi Australia (MLA) cho biết kể từ năm tài chính 2011-2012, xuất khẩu gia súc sống từ Australia sang Việt Nam đã tăng gần 90 lần.

Hiện nay, trên các trà lúa mùa của huyện đang xuất hiện bệnh bạc lá, đạo ôn, khô vằn và ốc bươu vàng gây hại với tổng diện tích gần 340 ha, trong đó, hơn 60 ha bị ốc bươu vàng gây hại với mật độ hơn 20 con/m2. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đang chỉ đạo nông dân thường xuyên bám sát đồng ruộng để phát hiện các loại sâu bệnh, phòng trừ kịp thời.

Ngày 16-8, Hiệp hội An toàn thực phẩm và an ninh lương thực Châu Á (AFSSA), cùng với Hiệp hội An toàn thực phẩm Nhật Bản đã phối hợp với Sở Khoa học công nghệ và Trường Đại học Công nghệ Đồng Nai tổ chức Hội nghị quốc tế về an toàn thực phẩm và an ninh lương thực lần 2 tại Đồng Nai.