Làm Giàu Từ Nghề Làm Lờ Cá

Đến ấp 7, xã Khánh Bình Đông, huyện Trần Văn Thời (Cà Mau), hỏi ông Hai làm lờ cá, thì hầu như ai cũng biết. Đó là ông Thạch Lợi (67 tuổi), một tấm gương vượt khó vươn lên thoát nghèo tiêu biểu của người dân tộc Khmer.
Không cam chịu cảnh nghèo
Là con của một gia đình nông dân Khmer nghèo khó, học chưa hết lớp 6 trường làng, ông đã phải bỏ học để phụ giúp cha mẹ lo cho cuộc sống gia đình. Đến năm 1974, ông Lợi lập gia đình với một phụ nữ cùng ấp, với tài sản lớn nhất từ cha mẹ cho là 1ha đất phèn chủng, năn sậy mọc dày đặc chẳng thể trồng trọt được thứ gì.
Với ý chí muốn thoát nghèo từ 1ha đất nhà mình, sau nhiều lần tính toán, Hai Lợi cùng một số hộ dân lân cận quyết định lên khuôn, bao ngạn phần đất ruộng để tháo úng xổ phèn, giữ ngọt, cải tạo làm được lúa 2 vụ. Rồi cái ăn của gia đình đã được đảm bảo, ông Hai Lợi bắt đầu tính toán đến chuyện làm giàu. Suy đi tính lại, ông quyết định chọn nghề làm lờ lưới truyền thống (một dụng cụ bắt cá của người dân miền Tây – PV).
Kể lại với chúng tôi về những ngày đầu khó khăn trong con đường lập nghiệp của mình, Hai Lợi nói: “Thấy vùng đất này là “xứ cá” nhưng bà con phải đi đến tận huyện Trần Văn Thời hoặc Cà Mau để mua lờ về đặt cá. Thấy vậy, tôi quyết định chọn nghề này làm nghề tay trái nhưng cũng là nghề thu nhập chính của gia đình”. Với bản tính dám nghĩ dám làm, Hai Lợi bắt tay cùng vợ và các con mua tre về đan lờ để bán.
Giúp nhiều hộ thoát nghèo
Nghề làm lờ lưới của ông Hai Lợi đã giúp cho nhiều hộ dân nghèo khó xã Khánh Bình Đông thoát nghèo, phát triển ổn định hơn 20 năm qua.
Ngoài việc làm giàu cho gia đình mình, Hai Lợi còn nhiệt tình chỉ dẫn cho nhiều gia đình nghèo khó khác trong vùng cách làm lờ để vươn lên thoát nghèo. “Một người có thể làm được 5 - 7 cái lờ/ngày, trừ chi phí, lấy công làm lời mỗi người có thể kiếm được từ 50–100 ngàn đồng/ngày” - Hai Lợi cười tươi cho biết.
Chị Nguyễn Thị Phượng người cùng xã với ông Hai Lợi, nói: “Từ khi ông Hai Lợi chỉ cho cái nghề làm lờ lưới này, vợ chồng tôi không còn đi làm thuê cực khổ như trước, mà thu nhập gia đình ngày càng ổn định hơn”.
Ông Nguyễn Đồng Khởi - Chủ tịch UBND xã Khánh Bình Đông nhận xét: “Ở xã Khánh Bình Đông này có rất nhiều hộ giàu là đồng bào dân tộc Khmer, nhưng việc dạy lại nghề cho bà con trong xóm để cùng nhau làm giàu như ông Hai Lợi là một việc làm thực sự có ý nghĩa. Địa phương luôn biểu dương những người có tinh thần cao cả như ông Lợi”.
Có thể bạn quan tâm

Nhiều nông dân ở xã Châu Hưng A (huyện Vĩnh Lợi - Bạc Liêu) ăn nên làm ra nhờ mô hình trồng cây bồn bồn kết hợp với nuôi cá nước ngọt. Cây bồn bồn không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế khá mà còn góp phần đa dạng nguồn rau sạch, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, tạo việc làm cho lao động nhàn rỗi ở nông thôn…

Từ khi triển khai thực hiện Chỉ thị số 01/1998/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc nghiêm cấm sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thủy sản đến nay đã 15 năm. Chỉ thị này góp phần nâng cao ý thức, hạn chế tình trạng khai thác hủy diệt nguồn lợi thủy sản ở các địa phương. Song, để chấm dứt hoàn toàn thì không phải là chuyện dễ.

Trường hợp năng suất thu hoạch thực tế vụ này hơn 70% so với năng suất thu hoạch thực tế cùng vụ năm trước thì được xác định mức thiệt hại dưới 30%.

Từ đầu năm đến nay, tình trạng kinh doanh, vận chuyển gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập khẩu trái phép đã cơ bản được ngăn chặn, đẩy lùi. Đặc biệt, cơ quan chức năng đã liệt kê, giám sát được các đầu nậu, đường dây, đối tượng chuyên kinh doanh, vận chuyển gia cầm nhập lậu.

Do ảnh hưởng của các cơn bão số 10, 11, nhiều hộ nuôi trồng thủy sản ở xã Thạch Hưng (TP Hà Tĩnh) bị thiệt hại nặng nề. Ao hồ sạt lở, hệ thống tiêu thoát bị ảnh hưởng; đặc biệt, nhiều loại thủy, hải sản trong giai đoạn sinh trưởng đều bị trôi theo nước lũ. Không ít mô hình được đầu tư hiệu quả đang gặp khó khăn, ảnh hưởng không nhỏ đến việc xây dựng và hoàn thiện đề án sản xuất của địa phương.