Làm giàu từ mô hình trồng mít Changai

Trước những khó khăn trong việc chọn lựa hướng đi, nông dân Lê Văn Sanh (ấp Bưng Lớn B, xã Tam Ngãi, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh) đã trăn trở, cuối cùng ông quyết định lựa chọn và thành công với mô hình trồng mít Changai.
Ông Lê Văn Sanh cũng chính là người đầu tiên của huyện đã đưa cây mít Changai về trồng trên vùng đất Tam Ngãi. Bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế rất cao.
Nông dân Lê Văn Sanh với giống mít Changai đang được thu hoạch
Được biết cuối năm 2012, nông dân Lê Văn Sanh đã mạnh dạn qua tận Tiền Giang để tìm hiểu về mô hình trồng mít. Được sự hỗ trợ về kỹ thuật và liên kết trong việc đầu ra cho sản phẩm, mô hình trồng mít Changai được nông dân Lê Văn Sanh đưa về trồng trên diện tích 01ha đất vườn với 1.500 cây mít Changai.
Sau 18 tháng trồng, mít bắt đầu cho trái chiếng; Trong vụ trái đợt I (cuối năm 2014) ông Lê Văn Sanh đã thu hoạch trên 30 tấn trái, với giá thu mua của lái tại vườn bình quân 12.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, ông thu nhập trên 300 triệu đồng.
Ông Lê Văn Sanh cho biết: trồng mít Changai tuy khó nhưng lại dễ, rất phù hợp cho vùng đất của Tam Ngãi nói riêng và trong huyện Cầu Kè nói chung. Tuy nhiên nguồn giống phải đảm bảo chất lượng và đúng với giống mít Changai (giống Thái Lan). Khi đó chất lượng của mít mới đảm bảo, như: múi mít khi chín khô, không bị tươm mật.
Độ dày cơm của múi mít, sơ mít vẫn ăn được. Thương lái sau khi thu mua sẽ đóng thùng, vận chuyển về Thành phố Hồ Chí Minh, Tiền Giang và Hà Nội.
Trong kỹ thuật trồng mít Changai, nhà vườn thường gặp phải đối tượng gây hại là sâu đục trái và nền đất trồng phải tránh bị úng, đảm bảo tốt việc thoát nước trong mùa mưa. Mật độ trồng thường dao động 120 - 130 gốc/1.000m2. Trong quá trình để trái cần chú ý đến hiệu quả (yêu cầu của thương lái).
Nếu trọng lượng mít dưới 07kg/trái sẽ rơi vào hàng dạt (giá chỉ 2.000 - 3.000 đồng/kg), vì vậy giai đoạn mít cho trái chiếng nên để 01 trái/cây (trái mọc từ thân), khi đó trọng lượng của mít có thể đạt 12 - 15kg/trái.
Giai đoạn mít từ 03 năm tuổi trở đi, tùy vào thể trạng của từng cây, nên để 02 - 03 trái, nếu cây được chăm sóc tốt, đủ dinh dưỡng, trọng lượng trái có thể đạt 20 - 25kg.
Cũng theo nông dân Lê Văn Sanh, giá cây giống mít Changai hiện nay đang có xu hướng tăng cao, do nhu cầu “ăn hàng” về mít trái tăng mạnh, nên nguồn cung cấp giống ở các tỉnh đang thiếu. Trước đây giá cây giống khoảng 12.000 đồng/cây, đầu năm 2015 tăng lên 18.000 đồng/cây, và nhiều nhà vườn gặp phải cảnh “treo đầu dê”, sau khi thu hoạch mới phát hiện không phải là giống mít Changai của Thái, nên các thương lái không thu mua, gây thiệt hại lớn cho nhà vườn.
Từ mô hình trồng mít Changai của nông dân Lê Văn Sanh đã giúp cho gần 15 hộ trong ấp Bưng Lớn B, xã Tam Ngãi áp dụng thực hiện thành công, góp phần chia sẻ kinh nghiệm, cách làm giàu đến với mỗi người. Theo ông Huỳnh Võ Trường An, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Tam Ngãi:
Mô hình trồng mít Changai đã tạo được hướng đi cho nhiều hội viên nông dân, ngoài hiệu quả kinh tế.
Đây là cây trồng mới nên cũng cần được ngành chuyên môn định hướng trong việc phát triển. Hiện toàn xã có trên 20 hộ chuyển đổi đất vườn kém hiệu quả để trồng mít Changai (500 - 700 gốc mít/hộ), với tổng diện tích khoảng10ha.
Tuy giá thu mua mít trái là khá cao, nhưng đối với trái mít bị bệnh múi đen (hiện tượng múi, xơ mít có màu đen) giá trị giảm chỉ còn 1.500 - 2.000 đồng/kg, khi đó nhà vườn thiệt hại rất lớn.
Có thể bạn quan tâm

Theo anh Hà Duy (Phòng NN&PTNT), sau khi xử lý ổn thỏa 3,5 ha tôm bị nhiễm bệnh trước đây, do nắng nóng kéo dài nên đã có thêm nhiều diện tích nuôi tôm, cá bị nhiễm bệnh đốm trắng và môi trường.

Khoảng 1 tuần nay, trên sông Nhuệ đoạn chảy qua địa bàn tỉnh Hà Nam bỗng nhiên xuất hiện tình trạng cá chết hàng loạt, nổi trắng cả một khúc sông.

Hai tháng sau khi đưa ra một nghiên cứu về Hội chứng tôm chết sớm (EMS), Chủ tịch Liên minh Nuôi trồng thủy sản toàn cầu (GAA) George Chamberlain cho biết, EMS tiếp tục gây thiệt hại cho tôm nuôi toàn cầu, tuy nhiên, dịch bệnh đã được kiểm soát tốt hơn nhờ những nỗ lực trong việc nghiên cứu và tìm hiểu đại dịch này.

Tổng giá trị xuất khẩu (XK) nhuyễn thể 2 mảnh vỏ trong 4 tháng đầu năm lên hơn 23,4 triệu USD, nhưng con số này vẫn giảm hơn 9% so với cùng kỳ năm 2013.

Cục Chế biến Nông Lâm Thủy sản và Nghề muối (Bộ NN&PTNT) phối hợp với Tổng cục Thủy sản, Hội Nghề cá Việt Nam và Hiệp hội Cá tra Việt Nam vừa tổ chức Hội nghị Phổ biến quy định của các thị trường xuất khẩu thủy sản năm 2014.