Làm Giàu Từ Mô Hình Nuôi Gà Siêu Trứng

Những năm qua, nhờ thực hiện chính sách chuyển đổi ruộng trũng cấy lúa 1 vụ không ăn chắc sang phát triển chăn nuôi và nuôi trồng thuỷ sản, nhiều gia đình đã mạnh dạn đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi kết hợp với thả cá và đã giàu lên nhanh chóng. Điển hình là gia đình anh Nguyễn Văn Dũng thôn Thiện Dũ, xã Ninh Xá (Thuận Thành - Bắc Ninh).
Chúng tôi xuống thăm trang trại nhà anh Dũng. Hỏi chuyện mới biết trước kia anh đã từng đi xuất khẩu lao động mấy năm. Về nước với chút vốn tích luỹ được anh bàn với gia đình vay thêm vốn từ Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện xin đấu thầu của xã 2 ha đất để xây dựng trang trại chăn nuôi và nuôi cá.
Với 2ha đất đấu thầu có được, anh Dũng dành 800m2 xây dựng chuồng trại chăn nuôi gà đẻ siêu trứng và 3000m2 đất đào ao thả cá, còn lại anh cấy lúa. Hệ thống chuồng nuôi gà của anh được thiết kế rất kiên cố, hiện đại với tường xây bằng bê tông khung thép, có hệ thống chiếu sáng, trang bị điều hoà để luôn duy trì nhiệt độ phù hợp và hệ thống cung cấp nước uống tự động. Hệ thống chuồng trại này không chỉ đảm bảo vệ sinh môi trường xung quanh mà còn hạn chế được dịch bệnh cho vật nuôi.
Giống gà anh Dũng chọn nuôi là giống gà đẻ siêu trứng Isabrowm của Công ty C.P Việt Nam với số lượng 10.000 con có đặc điểm ít bệnh, dễ nuôi, trứng dễ bán và năng suất trứng cao. Chuồng nuôi được chia làm 3 dãy mỗi dãy gồm nhiều lồng gà, mỗi lồng gà nhốt 4 con và được đánh số thứ tự để tiện theo dõi sức khoẻ và năng suất trứng.
Ngoài việc được công ty CP Việt Nam hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi gà sinh sản, anh Dũng còn tự tìm hiểu trên sách báo, qua các lớp chuyển giao kỹ thuật do Phòng Nông nghiệp và PTNT, Trạm Khuyến nông huyện tổ chức. Anh cũng tự đi thăm, học tập kinh nghiệm thực tế tại các trang trại chăn nuôi gà lớn trong tỉnh và các địa phương lân cận ở Bắc Giang, Hà Nội, Hưng Yên...
Khi bắt gà hậu bị về nuôi, trọng lượng trung bình mỗi con đạt 1,2kg với giá 130.000 đồng/con, sau khi nuôi từ 25-30 ngày gà bắt đầu đẻ trứng. Trung bình mỗi ngày trang trại của anh thu được khoảng 9.000 quả trứng (trong đó từ tháng thứ 3 đến tháng thứ 7, gà cho sản lượng trứng cao nhất).
Để gà đẻ trứng đều, to anh Dũng đã cho gà ăn cám CP 524 của chính công ty cung cấp gà với giá 253.000 đồng/bao loại bao 40kg. Trung bình mỗi con gà trong cả quá trình nuôi tiêu tốn khoảng 40kg cám. Cứ 2 - 3 ngày, các lái buôn ở trong và ngoài tỉnh lại đưa ô tô đến thu mua với giá từ 1.500 đồng đến 2.000 đồng/quả (tuỳ theo thời giá thị trường). Sau khi trừ chi phí, ngay năm đầu tiên gia đình anh đã thu lãi thuần từ nuôi gà đẻ siêu trứng gần 500 triệu đồng.
Để thu được lợi nhuận như trên là nhờ anh Dũng thường xuyên kiểm tra, theo dõi sức khoẻ của đàn gà 1 - 2 lần/ngày, nếu thấy con gà nào có biểu hiện như mào bé và tái thì bắt nhốt riêng để theo dõi tìm cách xử lý; Hàng ngày vệ sinh chuồng trại, thu gom xử lý chất thải của gà; Phun thuốc khử trùng và rắc vôi bột xung quanh khu vực chuồng trại theo định kỳ; Người và phương tiện ra vào được khử trùng ngay từ cổng, các nhân công tham gia chăn nuôi, vệ sinh và thu gom trứng phải được trang bị dụng cụ, quần áo bảo hộ lao động; Bổ sung vào thức ăn cho gà vitamin và khoáng chất 3 lần một tuần.
Bên cạnh đó, với 3000m2 ao, gia đình anh Dũng đầu tư nuôi thả cá: Chép, trắm, chim trắng, rô phi, trong đó nuôi cá chép là chính. Thức ăn cho cá hàng ngày ngoài cỏ, anh còn tận dụng một phần phân gà hoai để cho cá ăn và tạo màu nước. Ngay năm đầu tiên, với sản lượng cá thu được trên 3 tấn cộng với thu nhập từ cấy lúa nên sau khi trừ chi phí, gia đình anh cũng đã thu lãi thuần từ diện tích này khoảng gần 100 triệu đồng.
Với sự quyết tâm trong lao động của một thanh niên trẻ, cùng niềm đam mê trong công việc, không ngại khó khăn thì những thành công ban đầu này sẽ là tiền đề tốt cho anh Dũng phát triển sản xuất trong tương lai, vừa làm giàu cho mình, vừa tạo thêm công ăn việc làm một số lao động địa phương.
Có thể bạn quan tâm

Nhằm giúp cho các tỉnh, thành trong khu vực có bước đi thiết thực, phù hợp hơn trong quá trình phát triển ngành thủy sản trước áp lực về biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường tại các vùng nuôi; đồng thời, có được những giải pháp phát triển bền vững ngành thủy sản trong tương lai.

Ông Trần Luật Sự cho biết, đầu năm 2012, tình cờ gặp một người quen cung cấp tài liệu, quy trình nuôi cá chình bông. Ông đã mạnh dạn đầu tư xây dựng 2 hồ nuôi với diện tích 40m2 và chia thành 2 phần với vách ngăn cố định bằng tường xi măng để phân loại cá chình trong quá trình nuôi.

Yêu biển, yêu quê hương nơi mình sinh ra, chàng thanh niên Công giáo huyện Tiền Hải (Thái Bình) Trương Văn Trị đã ấp ủ và thành công trong việc thuần hóa cá vược nuôi từ môi trường nước mặn sang môi trường nước ngọt.

Phòng Kinh tế thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) đã triển khai mô hình nuôi chim bồ câu giống Pháp quy mô hộ gia đình trên địa bàn, với 10 hộ tham gia. Từ 25 cặp chim bố mẹ ban đầu, đến nay mỗi hộ tham gia đã nhân lên từ 100 đến 130 cặp chim bố mẹ.

Chi cục Bảo vệ thực vật Lâm Đồng vừa phát hiện một loài động vật chân đốt gây hại bộ rễ của nhiều loại rau Đà Lạt như măng tây, khoai tây, đậu đỗ, hành lá, xà lách, cà rốt, bó xôi, cải bông xanh… Loài động vật này có chiều dài từ 0,5 - 2cm, toàn thân thường một màu trắng đục, có 6 - 12 đôi chân chui lủi rất nhanh trong đất, nên nông dân quen gọi là loài “siêu nhân”.