Làm Giàu Từ Cây Ổi Xá Lị

Đi thăm vườn ổi sai trĩu quả chen trong màu hoa trắng và cành lá xanh mướt của anh Tạ Văn Hồng, 48 tuổi tại khu vực Gò Rít - Dóc Trang (xã Phú Lạc - Tuy Phong - Bình Thuận) thấy hiệu quả từ việc chuyển đổi cây trồng, vươn lên làm giàu.
Với gần 200 gốc ổi xá lị, một cây đạt sản lượng trên 1 tạ quả, giá bán 6 ngàn đồng/kg, trừ đi các khoản chi phí, mỗi năm anh Hồng lãi hơn 80 triệu đồng từ 3 sào ổi. Anh Hồng cho biết: “Giống ổi xá lị có ưu điểm hình thức đẹp, quả ăn giòn, có vị ngọt đậm, ruột trắng ít hạt, có trọng lượng trung bình 400-700g mỗi quả, hơn hẳn các giống ổi khác. Đặc biệt, cây rất dễ trồng, phù hợp với nhiều loại đất khác nhau, ra quả quanh năm, trên cây lúc nào cũng vừa có hoa, vừa có quả non và quả đang cho thu hoạch, mang lại thu nhập đều đặn hàng ngày cho gia đình".
Nói về kỹ thuật và hiệu quả mà cây ổi mang lại, anh Hồng cho biết trồng và chăm sóc ổi không khó nhưng đòi hỏi sự cần mẫn, chăm chỉ của người làm vườn. Lúc trồng cần đào hố rộng và bón phân chuồng để giữ độ bền dinh dưỡng cho cây, từng hàng có mương nhỏ dẫn nước, mỗi gốc ổi cách nhau khoảng 4 – 5m. Để ổi đạt chất lượng cao, cho quả to, anh Hồng chủ yếu sử dụng các loại phân hữu cơ như phân chuồng, phân xanh, phân vi sinh và phân sinh học, không độc hại lại hạn chế được sâu bệnh. Đặc biệt, khi bón phân cần xới đất xung quanh gốc để tạo độ thông thoáng, tránh vi sinh vật yếm khí phát triển, đồng thời cắt đi những cành lá sát chân gốc hoặc những cành “đực” để tạo sự thông thoáng cho cây và giúp cây nuôi trái; khi quả non to khoảng bằng ngón chân cái, dùng túi ni lông để bọc từng quả một vừa giúp tránh sâu bệnh, vừa tạo “mã” đẹp, dễ tiêu thụ.
Chị Nguyễn Thị Lan, 36 tuổi, người thu mua ổi cho biết, hiện nay giống ổi xá lị của anh Hồng rất được ưa chuộng nhờ mẫu mã đẹp và chất lượng rất ngon. Vì thế, việc tiêu thụ ổi không quá khó khăn. Chúng tôi đến tận vườn để thu mua, người trồng ổi không phải chịu cảnh vất vả, lo lắng đầu ra và giá cả mỗi khi thu hoạch.
Là một nông dân sản xuất giỏi của huyện, anh Hồng cho biết với diện tích đất này trước đây làm lúa một năm 3 vụ, lãi cao lắm cũng khoảng 25 triệu đồng, nhưng phải đầu tư khá nhiều phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, vụ nào bị rầy nâu hay giá lúa thấp là coi như lỗ. Từ khi chuyển sang trồng ổi, chi phí đầu tư ít mà cho thu nhập gấp 3 lần cây lúa. 5 năm nay, nhờ thu nhập từ ổi, anh xây được một căn nhà khang trang, kinh tế gia đình khá ổn định.
Ở một vùng đất nắng gió khắt nghiệt, mô hình trồng ổi của anh Hồng đã mở thêm hướng đi mới để vượt khó làm giàu, góp phần xây dựng nông thôn mới.
Có thể bạn quan tâm

Quảng Hợp có diện tích đất rừng khá lớn. Đây là điều kiện thuận lợi để người dân phát triển mô hình chăn nuôi dê thả rừng, tận dụng được nguồn thức ăn sẵn có tại địa phương. Nhận thấy hiệu quả từ mô hình chăn nuôi dê núi của một số hội viên điển hình, Hội Nông dân xã đã tích cực vận động hội viên chuyển đổi cơ cấu chăn nuôi, từ những mô hình chăn nuôi kém hiệu quả sang nuôi dê thả rừng.

Chị Nguyễn Thị Quyên- tiểu thương chợ Vĩnh Long cho biết: Khoảng 1 tháng nay, giá sầu riêng tăng mạnh lại khan hiếm hàng. Nguyên nhân là do nghịch mùa, nhu cầu xuất khẩu tăng. Phần lớn phải mua sầu riêng sống, để chín dần, trái xấu cũng mua mới có hàng bán. Nhập khoảng 200 kg/đợt, bán 4 - 5 ngày mới hết, sức mua cũng không tăng nhiều.

Theo ông Bình, cây iều trước đây là loại rất phổ biến ở địa phương theo kiểu ăn chơi. Do nước lũ, người dân đã chặt bỏ để trồng bắp, cà, sả… nên từ rất lâu không còn nghe ai nhắc đến và cây iều gần như “tiệt chủng”. Trong một lần đi học tập kinh nghiệm làm ăn ở các tỉnh miền Đông, gặp cây iều có cái tên là lạ, ông đã xin giống đem về trồng.

Cây nhãn Thạch Kiệt trồng khoảng 24 tháng là có thể xử lý cho trái. Giống nhãn này có nhiều ưu điểm như: Kháng được bệnh “chổi rồng”, cơm dầy, khô giòn, hạt nhỏ, thơm, trái sai, có năng suất cao, chống chịu sâu bệnh tốt, thích nghi với thổ nhưỡng vùng đất ven sông Tiền.

Mô hình trồng chuối tiêu hồng bằng phương pháp cấy mô do UBND xã Vĩnh Quang (huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định) thực hiện tại thôn Định Trường, với diện tích 1 ha, có 5 hộ tham gia. Các hộ dân được hỗ trợ 100% giá giống, phân bón và được tập huấn quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh...