An Giang Khôi Phục Giống Iều Ở Xứ Cồn

Iều từng là giống trái cây được trồng phổ biến ở cồn Phước, ấp Mỹ Lợi, xã Mỹ An (Chợ Mới - An Giang). Do ảnh hưởng nước lũ hàng năm, người dân đã bỏ iều chuyển dần sang các loại hoa màu ngắn ngày để tiện canh tác. Một thời gian dài bị bỏ quên, iều chỉ còn trong ký ức của số ít người già, bởi ngày ấy người ta chưa xem iều như loại cây trồng để làm kinh tế. Đặc điểm này đã được nông dân Trần Thanh Bình (sinh năm 1970, ấp Mỹ Lợi) chú ý đến khi quyết định khôi phục giống iều.
Theo ông Bình, cây iều trước đây là loại rất phổ biến ở địa phương theo kiểu ăn chơi. Do nước lũ, người dân đã chặt bỏ để trồng bắp, cà, sả… nên từ rất lâu không còn nghe ai nhắc đến và cây iều gần như “tiệt chủng”. Trong một lần đi học tập kinh nghiệm làm ăn ở các tỉnh miền Đông, gặp cây iều có cái tên là lạ, ông đã xin giống đem về trồng.
Quanh năm làm nghề mua bán nông sản, nhưng ông Bình không nghĩ rằng iều được ưa chuộng đến vậy. Trồng ra bao nhiêu cũng có người mua hết, càng không tin nổi iều từng là trái cây rất phổ biến ngay tại nơi mình sống. Từ loại trái cho thu nhập phụ, ông quyết định khôi phục và tin tưởng iều sẽ trở thành kinh tế chính trong nay mai, không chỉ đối với ông mà cả địa phương này.
Ưu điểm của iều là dễ trồng, không tốn nhiều công chăm sóc. Cây iều không có gai, mỗi năm bón phân chuồng một lần là đủ để cây mọc xanh tốt, vươn cành và trổ trái quanh năm, không theo mùa như những trái cây khác. Iều 1 năm tuổi bắt đầu ra trái, khai thác liên tục trong 5 - 6 năm. Tuy được nhiều người hỏi mua nhưng hiện tại vẫn là loại trái hiếm nên ông Bình khá cẩn trọng, ông chỉ gầy giống bán lai rai, chứ không ép cây để ham bán được nhiều.
“Mới trồng được 2 cây đầu tiên mà trái sai dữ lắm, mỗi cây cho năng suất hơn 200 trái/năm. Nhiều người tò mò mua ăn thử rồi khen, bán lai rai vậy mà không đủ. Có người còn dò hỏi tới tận nơi để tìm hiểu, chiết nhánh về trồng. Thấy hay hay, tôi nghĩ tới chuyện làm kinh tế bằng cây iều xem sao” - ông Bình kể.
Lựa những nhánh khỏe, ông chiết dần để bán giá 200.000 đồng, trong khi cây vẫn đảm bảo ra trái đều, thu hoạch để bán thường xuyên. Một trái iều có thể đạt trọng lượng đến 2 - 3 kg, mỗi ký 25.000 đồng. Với giá này, ông Bình nghĩ nếu trồng trên diện rộng, có lượng trái và giống nhiều hơn để cung ứng cho thị trường thì hiệu quả kinh tế thật không nhỏ. Trước mắt, ông chia giống cho người cháu trồng 30 gốc trên đất vườn tạp được cải tạo. Ngay sau nhà mình, ông để dành đất trồng 4 công iều đợi mùa thu hoạch.
Tại đại hội tuyên dương nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi tỉnh An Giang lần XVI-2014, mô hình trồng iều và sản phẩm trưng bày của nông dân Trần Thanh Bình được nhiều người chú ý, vừa tò mò, vừa thích thú. “Tôi muốn quảng bá dần hình ảnh và tên gọi của trái iều cho mọi người làm quen, từng bước khôi phục và phát triển loại trái này thành một trong những mô hình tiêu biểu trong tương lai gần” - ông Bình nhấn mạnh.
Nhìn bề ngoài, trái iều tương tự như bưởi, nhưng nhận biết cũng không khó lắm. Trái iều nhìn hơi vuông cạnh, không tóp nhọn ở gần cuống như bưởi. Kích thước trái iều rất to nhưng vỏ mỏng, ăn không có vị the như bưởi, không có hạt, đặc biệt là mùi thơm và vị ngọt hơn rất nhiều, dưỡng trái càng già ăn càng ngon.
Có thể bạn quan tâm

Tính từ đầu vụ nuôi năm nay, diện tích tôm nuôi có biểu hiện bệnh trên toàn tỉnh Nghệ An là 138,5 trong tổng số 1.263ha. Trước tình hình trên, sáng ngày 15/6, Sở Nông nghiệp & PTNT tổ chức hội nghị Bổ cứu sản xuất nuôi tôm vụ 1 năm 2015 và đề ra các biện pháp khắc phục trong thời gian tới.

Chính nhờ chịu khó biết ứng dụng khoa học kỹ thuật và năng động trong kinh doanh, ông Hồ Ngọc Vân trở nên khá giả khi lập nghiệp trên vùng đất mới. Với mô hình ương tôm giống, nhiều năm nay mỗi năm ông thu lãi gần 400 triệu đồng.

Nuôi cua thương phẩm đang được nhiều hộ dân trong tỉnh áp dụng nhờ lợi nhuận tương đối ổn định. Ưu điểm của mô hình này vốn đầu tư thấp, kỹ thuật nuôi dễ áp dụng, tận dụng được nguồn thức ăn sẵn có ở địa phương.

Người nuôi tôm thẻ chân trắng trên địa bàn thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) đang phải đối diện với tình trạng thua lỗ nặng vì tôm chết và rớt giá. Hiện nay, ở nhiều vùng tôm như: Ninh Hà, Ninh Lộc… diện tích đìa thả nuôi rất ít.

Đồng Tháp sẽ đưa ra khỏi quy hoạch gần 700 ha vùng nuôi do không đáp ứng tiêu chí. Trong 5 ngành hàng chủ lực mà tỉnh Đồng Tháp lựa chọn để thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp thì ngành hàng cá tra đóng vai trò khá quan trọng.