Làm giàu nhờ nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Sơn La

Gia đình ông Lò Văn Khặn, bản Huổi Quẩy, xã Chiềng Bằng, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La là một trong những hộ nuôi cá đầu tiên ở bản. Thời điểm ban đầu rất khó khăn do không có vốn, lại thiếu kĩ thuật nên gia đình chỉ đầu tư được 2 lồng cá, chủ yếu là những giống bản địa. Qua thời gian, với kinh nghiệm và số tiền tích góp, nay ông Khặn đã có 10 lồng với nhiều loại cá đặc sản như: cá Lăng, cá Nheo mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Ông Lò Văn Khặn cho biết: “Từ khi tích nước thủy điện Sơn La, tôi nuôi cá lồng, từ năm 2010 đến nay. So với nuôi lợn, gà, vịt, nuôi cá cho thu nhập cao hơn, lại nhàn. Đến 2014, gia đình tôi thu nhập từ cá lồng cũng khá giả hơn, mỗi năm thu được 300 triệu đồng”.
Gia đình ông Khặn là một trong số 120 hộ dân tái định cư xã Chiềng Bằng phát triển nghề nuôi cá lồng trên vùng lòng hồ thủy điện Sơn La. Di chuyển đến nơi ở mới, không còn ruộng nước, giờ đây nghề nuôi cá lồng là nghề chính và đem lại thu nhập ổn định cho người dân từ 2 đến 2,5 triệu đồng/người/tháng.
Ông Tòng Văn Tám, Phó Chủ tịch UBND xã Chiềng Bằng, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La đánh giá: “So với trước đây chăn nuôi, trồng lúa là chủ yếu, thu nhập bình quân của người dân từ 1,5 – 2 triệu đồng/tháng, nay nuôi cá cho thu nhập 2 đến 2,5 triệu đồng/người/tháng”.
Tuy nhiên, để đầu tư một lồng cá, số tiền lên đến 20 triệu đồng, cùng với đó là giá cá giống khá cao, mỗi con cá Lăng giống lên tới 13.000 đồng, trong khi nguồn vốn đầu tư của người dân còn hạn hẹp. Đây là một trong những trở ngại trong phát triển nghề nuôi cá lồng. Nếu những loại cá đặc sản được tiêu thụ khá dễ dàng, những giống cá bản địa cũng gặp không ít khó khăn trong việc tiêu thụ.
Ông Lò Văn Khặn cho hay: “Gia đình tôi bây giờ đang muốn nhân rộng nhưng gặp khó khăn vì vốn thiếu; còn giống cá mang về thả như cá chép, cá rô không hiệu quả”.
Nghề nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Sơn La bước đầu đã cho thấy những hiệu quả tích cực về kinh tế. Tuy nhiên, chính quyền địa phương cần phối hợp với các đơn vị đầu mối, các cơ sở kinh doanh, dịch vụ để tìm đầu ra cho sản phẩm, giúp bà con vùng lòng hồ khai thác tốt lợi thế về mặt nước.
Theo ông Lưu Bỉnh Khiêm, Phó chủ tịch UBND huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La, “trong thời gian tới, huyện sẽ cho phát triển thủy sản trong lòng hồ qua các hợp tác xã và tổ hợp tác để nhân dân tập hợp được nhân lực, nguồn vốn...”.
Để phát triển nghề nuôi cá lồng bền vững, giúp đồng bào tái định cư giảm nghèo và làm giàu trên vùng quê mới, tỉnh Sơn La đã và đang tìm cơ chế chính sách liên kết giữa nông dân với nông dân và doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh; quy hoạch diện tích nuôi thủy sản ổn định cho bà con.
Có thể bạn quan tâm

Trái cóc là một loại quả có nhiều ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Ngoài việc trái cóc dùng để ăn (có vị ngọt và hơi chua, rất dễ ăn), lá cóc còn dùng để nấu canh chua - món ăn dân dã được nhiều người ưa chuộng

Lâu nay, nghề nuôi yến chủ yếu phát triển mạnh ở các vùng ven biển miền Trung, nhất là tỉnh Khánh Hòa, bởi nơi đây hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi để nghề này phát huy hiệu quả cao. Những năm gần đây, nghề nuôi yến bắt đầu phát triển tại các tỉnh miền Đông Nam bộ. Tại Dầu Tiếng (Bình Dương), nghề nuôi yến được bà con nông dân thử nghiệm thành công, trong đó mô hình nuôi yến tại nhà của bà Vũ Thị Tuất, ngụ ấp Tân Phú, xã Minh Tân là một điển hình.

Cuối cùng, điều lo lắng nhất cũng đã xảy ra: Dịch tai xanh trên lợn sau nhiều tháng hoành hành tại miền Bắc đã bắt đầu "tấn công" các tỉnh phía Nam. Bạc Liêu và Đồng Nai là những tỉnh đầu tiên dịch bệnh này tràn đến...

Lợi nhuận của nông dân thêm 2,2-3 triệu đồng/ha, có nơi tăng thêm 7-7,5 triệu đồng/ha sau khi áp dụng mô hình “cánh đồng mẫu lớn”. Bộ NN&PTNT đã cho biết như vậy tại hội nghị sơ kết mô hình trên tổ chức tại An Giang ngày 22-8

Ngày 16.5, tại cuộc họp của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), đại diện VPA cho hay giá tiêu trong nước tiếp tục tăng cao khiến người trồng tiêu lãi lớn trong một thời gian dài.