Lại Một Vụ Mì Thất Bát Ở Khánh Vĩnh (Khánh Hòa)

Tình trạng mì mất mùa, rớt giá đang khiến không ít hộ dân ở Khánh Vĩnh, Khánh Hòa lâm vào hoàn cảnh khó khăn.
Giá “bèo”, năng suất thấp
Mấy năm trước, nông dân ở Khánh Vĩnh đua nhau trồng mì vì giá cao. Thậm chí, nhiều gia đình còn chặt bỏ các loại cây dài ngày để lấy đất trồng loại cây ngắn ngày này. Vậy nhưng, từ vụ mì năm 2012 đến nay, người trồng mì liên tục bị thất bát.
Anh Cà Mun (xã Khánh Thượng) cho biết: “Năm nay, gia đình trồng được 4ha mì, với hy vọng sẽ bán được giá. Vậy mà đâu ngờ, 4ha chỉ thu được có 4 tấn. Đã vậy, giá mì năm nay thấp lắm, mỗi kg chỉ bán được 900 đồng. Với giá này thì gia đình mình chỉ thu được 3,6 triệu đồng.
Tính tiền đầu tư, tiền thuê nhân công, vụ này mình lỗ trên chục triệu đồng”. Theo anh Cà Mun, hầu hết diện tích mì của gia đình anh đều bị ảnh hưởng bởi sương muối. Năm nay, trời nắng hạn liên tục, khi cây mì vào thời kỳ sinh trưởng mạnh nhất lại rơi vào cảnh thiếu nước nên mì rất ít củ. Chính vì vậy, phần lớn diện tích mì ở Khánh Vĩnh đều cho năng suất thấp.
Gia đình anh Hà Trí Dũng (xã Cầu Bà) trồng 1ha mì, nhưng thu hoạch chỉ được 3 tấn, bán được 2,7 triệu đồng. Tại xã Sơn Thái hiện có hơn 100ha mì, những diện tích mì chuẩn bị thu hoạch đều cho sản lượng khá thấp, chi phí vận chuyển cao nên các tiểu thương chưa muốn mua. Nhiều người dân cho biết, trước tình hình nắng hạn, giá bán mì thấp như hiện nay, một vụ mì thất bát lại tiếp tục diễn ra. Người dân chắc sẽ bỏ mì trồng những cây trồng khác.
“Giống mì KM94 được trồng đã lâu, bị thoái hóa, lại gặp sương muối, hạn hán nên hầu hết diện tích mì của chúng tôi đều bị thiệt hại nặng. Chúng tôi rất mong được hỗ trợ giống mì mới có năng suất, khả năng kháng bệnh cao hơn”, anh Hà Trí Dũng nói.
Bệnh chổi rồng vẫn hoành hành
Không chỉ mất mùa vì thời tiết, năm nay, cũng như những năm trước, bệnh chổi rồng liên tục hoành hành diện tích trồng mì ở Khánh Vĩnh. Bà Cà Tam - Chủ tịch UBND xã Sơn Thái cho hay: “Trong 100ha mì của xã Sơn Thái thì có đến một nửa diện tích bị bệnh chổi rồng.
Chính quyền địa phương nhiều lần khuyến cáo người dân bỏ những khu vực mì bị bệnh để trồng các loại cây khác, hoặc phải thay giống mới, có khả năng kháng bệnh tốt hơn. Song, hiện nay, việc tìm giống mì cao sản mới để thay thế cũng rất khó khăn”.
Được biết, ngay từ đầu vụ mì năm nay, để hạn chế bệnh chổi rồng lây lan trên diện rộng, ngành chức năng của huyện Khánh Vĩnh đã khuyến cáo người dân: đối với những diện tích mì thu hoạch xong phải thu gom cây mì và đốt, không làm giống để trồng lại; khoanh vùng trồng mì, không trồng liên vùng để hạn chế sâu bệnh lây lan.
Theo ông Cao Dê Sy - Cán bộ phụ trách trồng trọt Phòng Nông nghiệp huyện Khánh Vĩnh, toàn huyện hiện có 1.680ha mì. Mấy năm gần đây, giá cả bấp bênh nên người dân không dám tăng thêm diện tích. Năm nay, do hạn hán, sản lượng mì rất kém.
Bình thường mì trồng khoảng 11 tháng là cho thu hoạch nhưng hiện có nhiều nơi trồng đã 15 tháng mà vẫn chưa thu hoạch. Đã vậy, bệnh chổi rồng hiện chưa có thuốc đặc trị nên vẫn hoành hành dẫn đến sản lượng và chất lượng bị ảnh hưởng.
Huyện cố gắng tìm giống mới cao sản, chịu hạn, kháng bệnh tốt để thay thế, song đến thời điểm hiện tại mới chỉ đáp ứng được hơn 50% diện tích. “Huyện đã nhiều lần tuyên truyền bà con không dùng các hom mì bị bệnh để làm giống, nhưng nhiều người vẫn tiếc nên lấy lại giống bị bệnh, khiến tình trạng bệnh càng phức tạp. Ngoài ra, giống mì đều do người dân tự mua và nhân giống nên không quản lý được mầm bệnh”, ông Cao Dê Sy nói.
3 năm liên tiếp vụ mì thất bát nên nhiều người dân rơi vào túng quẫn, nợ nần. Không ít gia đình có ý định bỏ cây mì, nhưng vẫn chưa tìm được cây trồng phù hợp để thay thế.
Theo nghiên cứu của Viện Bảo vệ thực vật (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam), bệnh chổi rồng mới xuất hiện ở nước ta nhưng rất nguy hiểm vì lây lan nhanh và chưa có thuốc chữa trị.
Các nhà chuyên môn khuyến cáo, diện tích trồng mì bị bệnh, bà con nên chuyển đổi sang trồng các loại cây khác nhằm cải tạo đất, hạn chế mầm bệnh từ vụ trước. Trong điều kiện không thể chuyển đổi cây trồng khác, bà con cần cải tạo đất, không được lấy hom giống từ các vườn đã bị bệnh từ vụ trước để làm giống cho vụ sau; ngoài ra, cần chuyển đổi giống mì KM94 sang các giống mì mới có khả năng kháng bệnh cao.
Có thể bạn quan tâm

Trận mưa lớn trên địa bàn huyện Tủa Chùa kéo dài từ ngày 13 - 14/8 gây ngập úng hơn 75ha lúa mùa tại các xã: Mường Báng, Mường Đun, Tủa Thàng, Xá Nhè. Mưa lũ làm 80m kênh của công trình thủy lợi xã Tủa Thàng bị nước cuốn trôi; một số điểm tuyến đường Mường Báng - Xá Nhè bị ách tắc cục bộ. Ngay sau khi xảy ra mưa lũ, huyện Tủa Chùa chỉ đạo đơn vị chức năng cử cán bộ kịp thời xuống địa bàn kiểm tra, thống kê thiệt hại, động viên nhân dân ổn định sản xuất; đảm bảo giao thông trên các tuyến bị ách tắc cục bộ. Ước tính, từ đầu tháng 8 tới nay, mưa lớn trên địa bàn huyện Tủa Chùa gây thiệt hại hơn 993 triệu đồng.

Trước đây, ở Tây Nguyên, cây hồ tiêu được người trồng trên các loại trụ “chết” như gỗ hoặc gạch, bê tông... Thời gian gần đây, nông dân đang chuyển dần sang các loại trụ “sống” như keo dậu, lồng mức, muồng đen…

Một vùa vải bội thu là niềm vui lớn với người dân các vùng trồng vải ở Lục Ngạn. Ngược lại “180 độ”, người dân vùng Yên Thế đang phải than ngắn, thở dài với những đàn “gà đồi Yên Thê”- thương hiệu mà cả chính quyền và nông dân cố công gây dựng mấy năm qua với nhiều kỳ vọng.

Thời gian gần đây do giá cao su trên thị trường giảm thấp, cùng với một số nguyên nhân khác khiến nông dân nhiều địa phương trong tỉnh đã chặt bỏ cây cao su, chủ yếu là cao su tiểu điền chuyển sang trồng các loại cây khác.

Xã Núa Ngam, huyện Điện Biên có diện tích nuôi trồng thủy sản trên 21ha. Mặc dù người dân đã tận dụng tối đa diện tích mặt nước để nuôi trồng thủy sản. Nhưng do trình độ kỹ thuật lạc hậu, nuôi thả quảng canh, manh mún, nên năng suất, sản lượng thủy sản chưa cao (năng suất đạt 1,5 -2 tấn/ha, sản lượng đạt 43,6 tấn/năm).