Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Lãi hơn 500 triệu đồng mỗi năm nhờ trồng đu đủ

Lãi hơn 500 triệu đồng mỗi năm nhờ trồng đu đủ
Ngày đăng: 27/06/2015

Năm 2009, tận dụng mảnh đất vườn rộng hơn 23.000m2, bà Lê Thị Quà (ấp Đông, xã Hòa Long) mua 50 bịch hạt giống đu đủ về trồng. Nhờ chịu khó cần cù, chăm sóc đúng kỹ thuật, cây đu đủ phát triển khá tốt. Bình quân mỗi cây có khoảng 15 - 20 trái, trọng lượng trung bình từ 1 - 1,2kg, có vị ngọt đậm đà… Mỗi vụ, từ hơn 23.000m2 trồng đu đủ, bà thu về gần 300 tấn, giá bán được 8.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, mỗi năm gia đình bà có thu nhập từ 500 - 700 triệu đồng/ha.

Thấy hiệu quả kinh tế cao, bà Quà tiếp tục chặt bỏ 200 gốc điều để trồng đu đủ. Cuối năm 2014, bà thuê thêm 8.000m2 đất (8 triệu đồng/năm) để trồng thêm hơn 2.000 gốc đu đủ. Hiện nay, những gốc đu đủ này đang chuẩn bị đơm hoa, có cây đã ra trái nhỏ bằng ba ngón tay. Bà Quà cho biết: “Gia đình tôi khấm khá hơn là nhờ trồng đu đủ. Mô hình này cũng đang được bà con trong xã nhân rộng, vì hiệu quả kinh tế cao hơn các loại cây trồng khác”.

Thấy việc trồng đu đủ có thể phát triển kinh tế nhanh, nhiều hộ gia đình ở xã Hòa Long cũng tìm tòi, xin giống về trồng. Năm 2006, ông Nguyễn Văn Vinh (ấp Bắc 2, xã Hòa Long) trồng 15.000m2 tiêu nhưng do dịch bệnh, cây bị hư, đổ, ông quyết định chuyển qua trồng ca cao. Tuy nhiên ở thời điểm đó, giá ca cao là 3.000 - 6.000 đồng/kg tươi, 40.000 đồng/kg khô. Trên diện tích 7.000m2 trồng ca cao, mỗi tháng ông chỉ thu về được hơn 20 triệu đồng. Thấy việc trồng ca cao không hiệu quả, năm 2008, từ 5 trái đu đủ chín xin được của người quen, ông tách lấy những hạt khỏe, đều nhau, bỏ vào lon cà phê nhựa, thêm đất, tưới nước và để ở nơi râm mát. Sau 45 ngày, cây cao khoảng 20cm, ông bắt đầu xuống giống.

Theo kinh nghiệm của ông Vinh, khi cây còn nhỏ không nên trồng sâu. Do rễ cây hay trồi lên mặt đất nên khi cây cao khoảng 70cm, phải bỏ thêm đất để cây không bị đổ, mỗi cây trồng cách nhau 2m. Sau 7 tháng, cây cao khoảng 2m đã có thể thu hoạch được. Đến nay, ông Vinh đã ươm giống và phát triển thành công 350 gốc đu đủ đang cho thu hoạch. Mỗi tháng, ông Vinh thu hoạch đu đủ một lần, trung bình từ 2 - 3 tấn. Năm 2013, từ 350 gốc đu đủ, ông Vinh thu về được 200 triệu đồng/năm, trừ chi phí phân bón, thuốc trừ sâu, còn 180 triệu đồng/năm. Cách đây khoảng 2 tháng, ông Vinh tiếp tục xuống giống thêm 600 gốc trên mảnh đất rộng 4.000m2 cạnh nhà. “Trồng đu đủ khỏe hơn trồng tiêu, ca cao vì tháng nào cũng cho thu hoạch, lại dễ chăm sóc”, ông Vinh nói.

Hòa Long là xã thuần nông có gần 150ha đất trồng cây ăn quả. Trong đó, diện tích trồng đu đủ chiếm 6,8ha, năng suất đạt 198 tạ/ha/năm. Riêng ấp Bắc 2, diện tích trồng đu đủ đã tăng gấp 4 - 5 lần so với năm 2013. Với giá đu đủ hiện nay dao động từ 7.000 - 8.000 đồng/kg, mỗi năm, một hộ gia đình thu về từ 500 - 600 triệu đồng/ha. Ông Lê Thành Phúc, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Long cho biết: “Đu đủ là loại cây dễ trồng, năng suất cao, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người trồng. Hiện nay, nhiều hộ gia đình ở xã Hòa Long đang mở rộng diện tích, chặt bỏ các loại cây có giá trị kinh tế thấp, khó tiêu thụ để trồng đu đủ”.

Đu đủ được trồng ở xã Hòa Long được tiêu thụ tại các chợ ở TP. Vũng Tàu, TP. Bà Rịa, thị trấn Phước Hải (huyện Long Điền)… và còn được dùng làm nguyên liệu cho món mắm bằm-một món ăn nổi tiếng mang đặc trưng của tỉnh BR-VT. Theo bà Lê Thị Quà, mỗi ngày có hàng chục người đến tận vườn hỏi mua từ 40 - 50kg đu đủ xanh về làm mắm bằm, bán tại chợ Hòa Long (TP. Bà Rịa), các chợ ở huyện Long Điền, Đất Đỏ. Đu đủ xanh bán tại vườn có giá từ 4.000 - 5.000 đồng/kg.


Có thể bạn quan tâm

Thu Nhập Cao Nhờ Nuôi Heo Giống Thu Nhập Cao Nhờ Nuôi Heo Giống

Hơn 12 năm gắn bó với nghề nuôi heo nhân giống, bà Võ Thị Nành, khóm 7, thị trấn Thới Bình gặp không ít thất bại, nhưng nhờ kiên trì, đến nay, nghề này đã mang lại thu nhập khá cho gia đình.

24/04/2014
Cựu Chiến Binh Đặng Chiến Thuật Vươn Lên Từ Ý Chí Cựu Chiến Binh Đặng Chiến Thuật Vươn Lên Từ Ý Chí

Ông Đặng Chiến Thuật sinh năm 1951, quê gốc ở tỉnh Nam Định. Ông nhập ngũ năm 1975, đơn vị Cục Hậu cần Quân khu 7, đến năm 1977 tham gia chiến đấu ở chiến trường Campuchia. Ông xuất ngũ năm 1981 với thương tật một bên chân (thương binh 4/4).

24/04/2014
Đắk N’Drót, Nhiều Hộ Đồng Bào Làm Kinh Tế Giỏi Đắk N’Drót, Nhiều Hộ Đồng Bào Làm Kinh Tế Giỏi

Với việc mạnh dạn đầu tư, mở rộng diện tích, áp dụng nhiều biện pháp khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thời gian qua, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ ở xã Đắk N’Drót (Đắk Mil) đã nỗ lực vươn lên làm giàu và có cuộc sống ổn định.

24/04/2014
Rau An Toàn Ở Tâm Thắng Đang Gặp Khó Rau An Toàn Ở Tâm Thắng Đang Gặp Khó

Với tâm huyết và nỗ lực để đưa sản phẩm rau đảm bảo an toàn đến bàn ăn của người dân tại địa phương, năm 2011, xã Tâm Thắng đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Chư Jút chọn 10 hộ dân chuyên sản xuất rau xanh tại thôn 4 để triển khai mô hình sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn Viet GAP.

24/04/2014
Krông Nô Được Mùa Cây Lương Thực Vụ Đông Xuân Krông Nô Được Mùa Cây Lương Thực Vụ Đông Xuân

Trong những ngày này, về xã Nam Đà, ở các thôn, xóm, sân nhà nào cũng ngập một mùa vàng của lúa. Còn ngoài cánh đồng, không khí ngày mùa càng rộn rã hơn bởi tiếng máy nổ, tiếng guồng quay của máy gặt lúa.

24/04/2014