Lại Chuyện Đầu Ra Cho Cây Giống Cà Phê!

Năm 2014, Trung tâm Nghiên cứu, chuyển giao Cây công nghiệp và Cây ăn quả Lâm Đồng sản xuất 300 ngàn cây cà phê giống thực sinh từ các giống lai đa dòng và 200 ngàn cây cà phê ghép.
Nếu như năm ngoái, Trung tâm đã bán hết 250 ngàn cây cà phê thực sinh và 100 ngàn cây cà phê ghép, thì cùng thời điểm này năm nay, 300 ngàn cây cà phê thực sinh vẫn còn tồn lại vườn ươm, chưa thể xuất được. Nếu không xuất cây đúng thời điểm, cũng có nghĩa chất lượng cây giống sẽ giảm.
Theo Giám đốc Trung tâm Lê Văn Hùng, việc tồn đọng lượng cây cà phê giống thực sinh là do năm nay, bà con nông dân ở các địa phương đã “ồ ạt” kéo đi mua cây giống từ những ngày đầu tháng 3, khi những cơn mưa đầu mùa đến sớm.
Trong khi, phải đến cuối tháng 6, đầu tháng 7, lượng cây giống của Trung tâm mới đủ thời gian để xuất bán. Ông Hùng cho biết: “Hàng năm, Trung tâm đều mua hạt giống từ Viện Eakmat (ĐakLak). Thời điểm có hạt giống tốt phải vào cao điểm mùa thu hoạch cà phê (từ giữa tháng 11 đến cuối tháng 12).
Khi nhận hạt giống về, phải hết tháng 1 mới gieo ươm xong và phải cần đến 6 - 7 tháng, khi cây có đủ 6 cặp lá thì mới có thể xuất vườn. Hầu hết những cây giống bán sớm vào thời điểm tháng 3 - 4 đều là những cây không đảm bảo chất lượng. Nếu bà con nông dân mua sớm đều rơi vào tình trạng mua phải cây giống không xác định nguồn gốc”.
Hiện nay, hầu hết các cơ sở ươm cây giống đều đang sử dụng giống cây ghép thực sinh không xác định và chất lượng gieo ươm cũng chưa đạt tiêu chuẩn theo yêu cầu. Thông thường, cây thực sinh từ lúc gieo ươm đến lúc xuất bán phải cần từ 6 - 8 tháng, cây ghép phải cần 18 tháng.
Độ lớn của bầu giống cũng phải đúng chuẩn: rộng 13cm và dài 22cm. Trong thực tế, nhiều cơ sở chỉ sản xuất bầu giống kích cỡ 10cm x 11cm, nên chất lượng cây giống không đảm bảo. Ông Hùng cho biết: “Thông thường, những cơn mưa đầu mùa thường kéo theo sau là những ngày hạn hán, nắng nóng.
Nếu những cây giống được trồng vào thời điểm này gặp hạn, tỷ lệ cây chết sẽ rất cao. Thêm vào đó, theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp, phải đến 15/8 mới là thời điểm tốt nhất để hoàn tất việc xuống giống cà phê. Bà con không nên quá nôn nóng tìm mua giống khi thấy mùa mưa đến sớm”.
Anh Phạm Quang Sơn - Chủ Cơ sở giống cà phê cao sản Trường Sơn, cũng khẳng định: “Tình trạng các cơ sở ươm cây giống thu hoạch trái vụ hoặc thu hoạch trái bói sớm để ươm giống cà phê thực sinh hiện nay khá phổ biến. Tuy nhiên, hầu hết những hạt giống này đều không thể đạt chất lượng bằng hạt được thu đúng vụ, thu vào thời điểm chín rộ.
Tâm lý bà con nông dân khi đi mua cây giống thường thích cây to, đẹp mà không quan tâm đến thời điểm cây xuất sớm hay trễ. Thông thường, nếu là cây giống chất lượng, thì phải xuất từ tháng 5, tháng 6 hàng năm”.
Tuy nhiên, theo anh Trần Minh Phương - Chuyên viên phụ trách trồng trọt (Phòng Kinh tế TP Bảo Lộc), không phải tất cả những cây giống được mua sớm từ đầu mùa mưa đều là những cây giống kém chất lượng. Vì từ 2 năm trở lại đây, nhiều cơ sở cây giống cũng đã đặt vấn đề mua hạt giống tại Viện Eakmat.
Những hạt giống tốt được bảo quản từ vụ thu hoạch trước, có đủ thời gian “nghỉ” để hạt phá men trạng, nhằm đạt tỷ lệ nảy mầm cao nhất. Các cơ sở ươm giống mua hạt giống này về để ươm sớm.
Do đó, người dân vẫn có thể mua được cây giống chất lượng để xuống giống cà phê sớm hơn, chứ không cần phải đợi đến thời điểm xuống giống đồng loạt vào cuối tháng 7, đầu tháng 8 như lệ thường.
Song, trao đổi về điều này, chủ Cơ sở cây giống Trường Sơn lại cho rằng: “Việc bảo quản hạt giống cho mùa sau rất hạn chế. Trong trường hợp cấp bách thì mới nên làm, vì thông thường hạt giống được bảo quản chỉ trong vòng 5 tháng trở lại. Nếu lâu hơn hạt giống sẽ kém chất lượng.
Cách làm này thường nhắm vào mục đích kinh doanh hơn là hiệu quả giống. Vì vậy, tốt nhất bà con nông dân nên mua cây giống được ươm từ những hạt thu hoạch đúng vụ, đúng độ chín để sau này, cà phê sẽ cho năng suất và chất lượng cao nhất”.
Có thể bạn quan tâm

Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam vừa phối hợp với Hiệp hội Nông dân Thuốc lá Thế giới tổ chức “Diễn đàn Hiệp hội Nông dân Thuốc lá Thế giới (ITGA) – Khu vực Châu Á”. Đại diện của 8 quốc gia trong khu vực châu Á đã có mặt và tham dự diễn đàn này.

Ngày 24.4, Hội Làm vườn tỉnh Bình Định phối hợp với UBND xã Cát Hiệp (huyện Phù Cát) và xã Bình Tân (huyện Tây Sơn) tổ chức hội nghị đầu bờ mô hình trồng đậu phụng thâm canh xen mì vụ Đông Xuân với sự tham gia của hàng trăm hộ nông dân tại địa phương.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, đa số người trồng bí tại làng Bung (xã Ya Hội, huyện Đak Pơ, tỉnh Gia Lai) đều đến từ thị xã An Khê và huyện Đak Pơ. Họ phải thuê đất của người dân trong làng với giá từ 3 đến 8 triệu đồng/ha/vụ hoặc 3 triệu đồng/ha trong thời gian trên 2 năm. Hộ ít trồng 7 sào, hộ nhiều cũng trên 2 ha. Và việc trồng bí của họ cũng giống như 1 canh bạc, năm được, năm mất. Năm nay, ngoài một số ít hộ có lãi nhờ trồng sớm, còn lại đa số đều bị thua lỗ do bí vừa mất mùa, vừa mất giá.

Việc thực hiện Chiến dịch phòng chống bệnh chết nhanh, chết chậm hại hồ tiêu ở các tỉnh đã có những kết quả đáng khích lệ. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa ban hành Thông báo số 3020/TB-BNN-VP về Kết luận của Thứ trưởng Lê Quốc Doanh tại Hội nghị Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật phòng chống bệnh hại cây hồ tiêu.

Cuộc tọa đàm trực tiếp có chủ đề “Cà Mau tìm hướng phát triển bền vững cho ngành thủy sản”. Sáng 26/4, tại Cà Mau, Hệ thời sự chính trị tổng hợp (VOV1) và Cơ quan thường trú Đài Tiếng nói Việt Nam khu vực ĐBSCL phối hợp tổ chức cuộc tọa đàm trực tiếp với chủ đề “Cà Mau tìm hướng phát triển bền vững cho ngành thủy sản”.