Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Kỹ thuật chăm sóc cây màu vụ đông

Kỹ thuật chăm sóc cây màu vụ đông
Ngày đăng: 10/11/2015

Để các loại cây rau màu vụ đông sinh trưởng phát triển tốt, cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao, bà con cần lưu ý thực hiện tốt một số biện pháp kỹ thuật sau:

1. Cây ngô:

* Đối với diện tích ngô áp dụng kỹ thuật làm đất tối thiểu:

- Để hạn chế ảnh hưởng xấu của những trận mưa lớn đầu vụ, sau khi trồng ngô xong cần làm rãnh thoát nước, cứ 2 - 3 hàng ngô đào một rãnh với kích thước rộng 25 - 30cm, sâu 25cm để khi gặp mưa to không bị ngập úng làm ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây.

- Xới xáo nhẹ mặt luống để đất xốp thoáng, thuận lợi cho quá trình bón phân và giúp cây sinh trưởng, phát triển tốt.

* Đối với diện tích ngô trước khi trồng mới chỉ bón lót phân chuồng mà chưa bón phân lân, cần tập trung bón bổ sung ngay khi ngô được 3 - 5 lá với lượng 15 -18kg/sào.

- Cách bón như sau: Ngâm supe lân với nước giải hoặc nước phân chuồng ít nhất trong một tuần, sau đó pha loãng hỗn hợp phân với nước theo tỷ lệ 2 phần phân/100 phần nước tưới cho ngô để kịp thời cung cấp dinh dưỡng và lân dễ tiêu cho ngô, phòng bệnh huyết dụ chân chì. Tưới 2 - 3 lần cách nhau 5 - 7 ngày.

- Bón thúc cho ngô: Với diện tích 1 sào cần bón 12kg đạm + 6 - 8kg kali, bón làm 3 lần theo từng giai đoạn sinh trưởng phát triển của cây:

+ Lần 1: Khi ngô được 3 - 5 lá, bón 3 - 4kg đạm + 2 - 3kg kali. Bón cách gốc 3 - 5cm, lấp đất kín phân hoặc có thể hoà cùng với hỗn hợp phân lân ngâm nước giải để tưới.

+ Lần 2: Khi ngô có 7 - 9 lá, bón 3 - 4kg đạm + 2 - 3kg kali. Bón cách gốc 3 - 5cm kết hợp xới xáo lấp đất kín phân.

+ Lần 3: Giai đoạn ngô xoáy nõn (trước trỗ cờ 10 - 15 ngày) bón 3 - 4kg đạm + 2 - 3kg kali. Bón cách gốc 3 - 5cm kết hợp vun xới lấp đất kín phân, tạo điều kiện cho rễ chân kiềng phát triển.

- Với ngô trồng trên đất ruộng ướt bà con cũng bón phân và chăm sóc như trên. Sau mỗi lần bón phân vét bùn dưới rãnh phủ lên gốc và luống ngô để tăng hiệu quả phân bón đồng thời hạn chế cỏ dại.

2. Cây khoai lang:

- Bấm ngọn: Khi thân chính dài khoảng 40 - 50cm, bà con nên tiến hành bấm ngọn để hạn chế sự vươn dài của thân chính, tăng nhanh sự phân cành, làm cho thân lá phát triển sớm. Dùng tay ngắt đầu ngọn khoai lang một đoạn ngắn 1 - 2cm.

- Nhấc dây: Nhấc dây có tác dụng làm đứt rễ con để tập trung dinh dưỡng cho củ. Nhấc dây cần tiến hành thường xuyên, nhấc xong phải đặt đúng vị trí cũ không lật dây, tránh gây tổn thương đến thân lá.

- Làm cỏ, vun xới kết hợp cùng các lần bón thúc.

- Tưới nước: Độ ẩm đất thích hợp với khoai lang từ 70 - 80%, sau trồng cần tưới nước giữ ẩm để thuận lợi cho quá trình bén rễ hồi xanh và tập trung tưới nước vào thời kỳ cuối để thuận lợi cho sự phát triển của củ. Cho nước vào ruộng ngập 1/3 - 1/2 luống, để qua một đêm cho nước ngấm vào luống khoai, sáng hôm sau rút cạn nước còn lại trên rãnh luống.

3. Cây cà chua:

- Cà chua rất cần nước vào các giai đoạn ra quả rộ và giai đoạn quả phát triển mạnh, vì vậy, ở những giai đoạn này, bà con nên tưới nước đầy đủ để cây sinh trưởng phát triển tốt, cho năng suất cao. Có thể áp dụng biện pháp tưới rãnh hoặc dùng ô doa để tưới.

- Bón thúc: Cà chua cần bón thúc 4 - 5 lần vào các thời kỳ quan trọng là khi cây bén rễ hồi xanh, ra nụ, ra quả rộ. Lượng phân thúc tăng dần theo các giai đoạn phát triển của cây. Bón tập trung nhất là lúc ra hoa và quả đang phát triển, sau đó, mỗi lần thu hoạch lại bón thúc 1 lần cho cây trẻ lâu và quả đẹp mã.

- Xới xáo: Sau trồng 7 - 10 ngày cần xới phá váng, sau đó 2 - 3 tuần xới lần 2 kết hợp vun tạo điều kiện cho cây ra rễ phụ, thường xuyên giữ sạch cỏ dại và tạo sự thông thoáng để hạn chế sâu bệnh hại.

4. Cây rau:

- Để rau phát triển tốt, cho năng suất cao, an toàn với người sử dụng và không gây ô nhiễm môi trường, bà con cần thường xuyên xới xáo làm cỏ, vun gốc cho rau đặc biệt là sau những trận mưa rào làm cho đất bị bí chặt.

- Tưới nước đủ ẩm 2 lần/ngày vào sáng sớm và chiều mát. Tưới rãnh vào thời kỳ phát triển thân, lá.

* Lưu ý:

- Không dùng phân hữu cơ tươi bón hoặc tưới cho rau, phân cần được ủ thật hoai mục.

- Tưới bằng nước sạch, không dùng nước ao tù đọng, nước cống rãnh, nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý để tưới cho rau.

- Bón thúc phân định kỳ theo đặc điểm của từng loại rau.

+ Đối với rau cải bẹ, cải ngọt thời gian sinh trưởng ngắn, vì vậy, lượng phân bón ít hơn.

+ Các loại cải bắp, súp lơ, cải bao… lượng bón nhiều hơn.

Bên cạnh việc bón phân, chăm sóc bảo đảm theo yêu cầu, bà con cần thường xuyên thăm đồng nắm bắt tình hình sâu, bệnh hại rau màu để có biện pháp xử lý kịp thời;

Hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên rau, trong những trường hợp bất khả kháng, phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật thì bà con nên chọn những loại thuốc trừ sâu dạng sinh học hoặc thảo mộc, thuốc có độ độc thấp, thời gian phân huỷ nhanh và bảo đảm đúng thời gian cách ly theo hướng dẫn trên bao bì và theo hướng dẫn của cán bộ chuyên ngành bảo vệ thực vật.


Có thể bạn quan tâm

Báo Động Tình Trạng Tái Diễn Đặt Ngư Lưới Cụ Trái Phép Tại Cảng Chân Mây Báo Động Tình Trạng Tái Diễn Đặt Ngư Lưới Cụ Trái Phép Tại Cảng Chân Mây

Sau một thời gian tạm lắng, đến nay tình trạng người dân đăng đặt đáy rớ, ngư lưới cụ, chướng ngại vật, khai thác thủy sản trái phép trong phạm vi vùng nước cảng biển, luồng tàu, vùng quay trở tàu Cảng Chân Mây lại tái diễn, gây cản trở giao thông đường thủy, làm thiệt hại về kinh tế cho các đơn vị, tàu thuyền đăng ký kinh doanh, hoạt động tại bến cảng này.

19/11/2013
Tổng Sản Lượng Thủy Sản Huyện Cát Hải Đạt 7400 Tấn Tổng Sản Lượng Thủy Sản Huyện Cát Hải Đạt 7400 Tấn

Theo UBND huyện Cát Hải (Hải Phòng), tổng sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản 10 tháng đạt 7.400 tấn; cả năm ước đạt 9.000 tấn, trong đó: khai thác thuỷ sản ước đạt 3.700 tấn, bằng 100% kế hoạch; nuôi trồng thuỷ sản ước đạt 5.300 tấn, bằng 100% kế hoạch.

19/11/2013
Bò - Giun - Lươn Bò - Giun - Lươn

Nuôi bò nhốt chuồng, lấy phân bò nuôi giun quế, lấy giun quế nuôi lươn, làm thức ăn chăn nuôi. Mô hình khép kín trên cho gia đình anh Vũ Văn Hòa, xóm 12, thôn Thăng Long, xã Bắc Sơn, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình thu nhập mỗi năm khoảng 300 triệu đồng.

19/11/2013
Người Chăn Nuôi Gánh Thêm Nỗi Lo Thuốc Thú Y Bị Làm Giả Người Chăn Nuôi Gánh Thêm Nỗi Lo Thuốc Thú Y Bị Làm Giả

Nếu như trước đây thuốc thú y chỉ bị các đối tượng làm ăn bất chính thực hiện việc ghi sai nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ để trục lợi, thì nay với sự phát triển của kỹ thuật, công nghệ hiện đại, họ đã làm giả cả các thành phần bên trong.

19/11/2013
Người Nuôi Và Người Dùng Đều Thiệt Người Nuôi Và Người Dùng Đều Thiệt

Không chỉ giá trứng gà giảm mạnh mà giá gà thịt trong khoảng 2 tuần qua cũng liên tục rớt, khiến người nuôi lỗ nặng. Trong khi đó, người tiêu dùng cũng thiệt thòi khi vẫn ăn gà, trứng với giá cao.

19/11/2013