Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Kinh Nghiệm Chăn Nuôi Vịt Của Ông Lương

Kinh Nghiệm Chăn Nuôi Vịt Của Ông Lương
Ngày đăng: 17/04/2014

Trong những năm gần đây, người chăn nuôi vịt thường gặp nhiều rủi ro do dịch cúm gia cầm hoành hành. Tuy nhiên, bằng sự năng động và cần cù lao động của mình, ông Nguyễn Văn Lương, thôn Lĩnh Mai, xã Quảng Phú, huyện Lương Tài (Bắc Ninh) trở thành triệu phú với mô hình chăn nuôi vịt thương phẩm.

Trao đổi với ông Lương được biết, lúc đầu gia đình ông chỉ nuôi khoảng 120 con vịt đẻ nhưng do chưa có kinh nghiệm và kỹ thuật nên thu nhập không cao. Cũng trong khoảng thời gian này, ở xã ông có nhiều người đi xuất khẩu lao động nên kinh tế rất khá giả.

Với ước muốn làm giàu nhanh, năm 2001 ông Lương đã xin đi xuất khẩu lao động mấy năm. Về nước với chút vốn có được cùng niềm đam mê và quyết tâm làm giàu từ nuôi vịt, ông mạnh dạn vay vốn thêm từ ngân hàng Nông nghiệp và PTNT để đầu tư mua gần 8000 m2 đất xây dựng chuồng trại chăn nuôi vịt thương phẩm và đào ao thả cá.

Chuồng trại nuôi vịt được ông Lương thiết kế theo hướng hiện đại, thoáng mát, hệ thống cấp thoát nước bảo đảm vệ sinh và chia thành nhiều ô chuồng để nuôi vịt theo từng ngày tuổi khác nhau. Chất thải của vịt cho xuống bể Bioga làm chất đốt. Hệ thống chuồng trại này không chỉ đảm bảo vệ sinh môi trường xung quanh mà còn hạn chế được dịch bệnh cho vịt.

Năm 2013, ông Lương chọn nuôi giống vịt Bầu cánh trắng và vịt Super M của Trung tâm nghiên cứu vịt Đại Xuyên ở Phú Xuyên, Hà Nội với giá giống trung bình 6.000 đồng/con 1 ngày tuổi. Đây là hai giống vịt siêu thịt, tỷ lệ thịt đùi và lườn cao, thơm ngon nên được hách hàng ưa chuộng. Thời gian đầu, gia đình ông chỉ nuôi khoảng 1000 con/lứa, mỗi năm nuôi được 6 đến 7 lứa.

Với kinh nghiệm tích luỹ được cùng việc tích cực tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, phòng trừ dịch bệnh cho vịt do phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Trạm Khuyến nông Lương Tài tổ chức đến nay, mỗi năm ông đã nuôi được 11 đến 12 lứa bằng cách nuôi gối liên tục, số lượng mỗi lứa lên đến 1.500-2.000 con. Hàng năm, gia đình ông Lương cung cấp cho thị trường khoảng 20.000-22.000 con vịt thịt, trong đó có khoảng 5000 vịt Bầu cánh trắng còn lại là vịt Super M. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm gia đình ông thu lãi từ nuôi vịt thương phẩm trên 300 triệu đồng.

Theo ông Lương, nuôi vịt thương phẩm không khó nhưng người nuôi cần phải kiểm soát chặt chẽ quy trình chăn nuôi để bảo đảm an toàn dịch bệnh (yếu tố quyết định thành công trong chăn nuôi), hạn chế rủi ro, rút ngắn thời gian nuôi và tỷ lệ con sống đạt cao. Với kinh nghiệm của mình, ông còn cho rằng: để chăn nuôi vịt thương phẩm hiệu quả, người chăn nuôi cần tuân thủ một số nguyên tắc sau:

Thứ nhất: Giống vịt nuôi phải sạch bệnh, có nguồn gốc rõ ràng.

Thứ hai: Hàng ngày phải vệ sinh chuồng trại, thu gom xử lý chất thải của vịt, thường xuyên khử trùng, rắc vôi bột xung quanh khu vực chuồng trại theo định kỳ.

Thứ ba: Tiêm phòng định kỳ cho vịt, cụ thể: Từ 1-3 ngày tuổi tiêm vác xin phòng viêm gan; Từ 12-15 ngày tuổi tiêm vác xin phòng dịch tả; Từ 28-30 ngày tuổi tiêm vác xin H5N1.

Thứ tư: Thức ăn phải đảm bảo dinh dưỡng theo từng lứa tuổi.

Ngoài diện tích làm chuồng chăn nuôi vịt, ông đã sử dụng 3000 m2 đào ao nuôi thả cá thịt và 2000m2 ương cá hương. Các loại cá chủ yếu có giá trị kinh tế cao đã được ông lựa chọn là cá chép, trắm, chim, rô phi đơn tính… mỗi năm thu hoạch khoảng 4 tấn cá. Đối với ao ương cá hương, ông ương các giống cá truyền thống vừa để phục vụ gia đình vừa đem bán cho các hộ nuôi trồng thuỷ sản trong khu vực.

Nói về cách làm kinh tế của gia đình ông Lương, anh Nguyễn Văn Thuỷ - Cán bộ Khuyến nông xã Quảng Phú cho biết: “Những năm gần đây, xã Quảng Phú có rất nhiều hộ nuôi vịt nhưng nuôi với số lượng lớn và đem lại hiệu quả kinh tế cao thì chỉ có gia đình ông Lương. Ông Lương là một người dám nghĩ dám làm, vượt qua nhiều khó khăn để từng bước vươn lên làm giàu chính đáng trên quê hương mình”.


Có thể bạn quan tâm

Báo động tình trạng khai thác thủy sản kiểu tận diệt ở Quảng Bình Báo động tình trạng khai thác thủy sản kiểu tận diệt ở Quảng Bình

Thời gian gần đây, tại vùng biển tỉnh Quảng Bình rộ lên tình trạng khai thác tận diệt thủy sản, phổ biến là sử dụng chất nổ đánh bắt cá.

27/04/2015
Tình hình sản xuất kinh doanh thủy sản của tỉnh trong quý I/2015 Tình hình sản xuất kinh doanh thủy sản của tỉnh trong quý I/2015

Theo báo cáo của Hiệp hội Nghề nuôi và Chế biến Thủy sản tỉnh An Giang (AFA), tình hình sản xuất kinh doanh thủy sản của tỉnh trong 3 tháng đầu năm vẫn tiếp tục trầm lắng, giá nguyên liệu vẫn giữ ổn định ở mức thấp, diện tích nuôi và sản lượng tăng ít so cùng kỳ, tình hình dịch bệnh phát sinh đã ảnh hưởng sản xuất của nông dân.

27/04/2015
Dang dở ngọc trai Dang dở ngọc trai

Đến nay đã mấy năm, người dân xã Lộc Bình (Phú Lộc - Thừa Thiên Huế) vẫn còn tiếc “đứt ruột” khi những viên ngọc trai bị bế tắc đầu ra.

27/04/2015
Nuôi tôm VietGAP, hướng đi bền vững Nuôi tôm VietGAP, hướng đi bền vững

Theo đánh giá chung, nuôi tôm theo hướng VietGAP cho hiệu quả kinh tế cao nhưng đòi hỏi người dân phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình kỹ thuật...

27/04/2015
Điện lực Hòa Bình tuyên truyền thực hiện tiết kiệm điện đến hộ nuôi tôm Điện lực Hòa Bình tuyên truyền thực hiện tiết kiệm điện đến hộ nuôi tôm

Những năm gần đây, tình hình nuôi tôm công nghiệp và bán công nghiệp (CN-BCN) trên địa bàn huyện Hòa Bình (Bạc Liêu) phát triển rất nhanh, chưa có quy hoạch đồng bộ. Đặc biệt, tại các xã thuộc khu vực nước mặn như Vĩnh Hậu, Vĩnh Hậu A, Vĩnh Thịnh, Vĩnh Mỹ A… việc phát triển nuôi tôm tự phát đã gây quá tải cục bộ đường dây hạ thế, tạo áp lực rất lớn trong công tác cung cấp điện.

27/04/2015