Khuyến Khích Những Vùng Khó Khăn Chuyển Đổi Từ Lúa Sang Cây Trồng Khác

Ông Cao Văn Hóa, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang cho biết, địa phương khuyến khích nông dân chuyển đổi cây trồng trên những chân ruộng canh tác gặp nhiều khó khăn nhằm đảm bảo hiệu quả sản xuất. Trong vụ đông xuân 2013 - 2014, Tiền Giang chỉ gieo sạ 78.500 ha, giảm khoảng 2.000 ha so với vụ đông xuân năm trước. Diện tích giảm trên được chuyển đổi sang trồng màu tết, lập vườn trồng cây ăn quả đặc sản hoặc cây trồng phù hợp khác.
Đúc kết kinh nghiệm trong sản xuất và phòng chống thiên tai, Tiền Giang chủ trương không mở rộng diện tích đất trồng lúa độc canh ba vụ năm vừa làm nghèo kiệt đất đai, chi phí sản xuất cao mà chỉ giữ ổn định diện tích đất lúa trên dưới 80.000 ha; đồng thời khuyến khích nông dân đưa cây màu xuống trồng luân vụ trên ruộng theo các mô hình: lúa + màu, lúa + cá, chuyên canh màu,... tiến tới hình thành những vành đai trồng màu quanh những đô thị lớn gắn với áp dụng các tiến bộ kỹ thuật tiên tiến để nâng chất lượng nông sản hàng hóa, giúp nông dân tăng lợi nhuận, giải quyết ổn định đầu ra sản xuất.
Đối với những vùng nằm trong qui hoạch phát triển kinh tế vườn, ngành Nông nghiệp khuyến khích nông dân trồng chuyên canh các loại cây ăn quả đặc sản đang có giá trị kinh tế cao và được thị trường ưa chuộng: sầu riêng, cây có múi, bưởi da xanh, xoài cát Hòa Lộc, thanh long,...
Đồng thời, tỉnh đang quán triệt chủ trương giảm diện tích sản xuất đất trồng lúa cho các cấp, các ngành và nông dân, chỉ đạo chặt chẽ lịch thời vụ xuống giống đồng loạt "né rầy", khuyến cáo bà con chọn giống tốt, kiện toàn mạng lưới thủy lợi để chủ động nguồn nước tưới tiêu cũng như áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật tiên tiến như "1 phải 5 giảm", IPM,... nhằm tạo tiền đề cho một vụ mùa mới bội thu.
Đáng chú ý, tỉnh tiếp tục triển khai mô hình "Cánh đồng mẫu lớn" tại các địa bàn trọng điểm; khuyến khích các doanh nghiệp hợp đồng bao tiêu nông sản hàng hóa cho nông dân. Từ đầu năm đến nay, Tiền Giang đã xuống giống được gần 234.000 ha, trong đó đã thu hoạch trên 199.000 ha, năng suất bình quân 58,5 tạ/ha và sản lượng thu hoạch gần 1.165.000 tấn lúa. Hiện nay, nông dân đang tích cực chăm sóc trên 36.500 ha lúa thu đông không để lũ lụt gây hại.
Có thể bạn quan tâm

So với các tỉnh ĐBSCL, Bến Tre có tổng đàn heo trên 500 ngàn con, với phẩm cấp giống khá tốt. Tuy nhiên, đa số sản xuất dưới hình thức nông hộ, quy mô còn nhỏ lẻ và mức độ đầu tư về cơ sở vật chất chưa cao, chưa có qui hoạch khu chăn nuôi riêng. Vì vậy, việc bảo đảm vệ sinh môi trường trong chăn nuôi nhằm hạn chế dịch bệnh cho vật nuôi, bảo đảm vệ sinh môi trường và sức khỏe cộng đồng luôn là vấn đề bức thiết. Trong đó, giải pháp an toàn sinh học luôn được chú trọng.

Theo Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, thời gian qua thời tiết tại Đồng Nai thường xuyên có mưa lớn, độ ẩm cao nên sâu bệnh nấm hồng trên cây điều phát triển khá nhanh. Hiện toàn tỉnh có trên 1 ngàn hécta điều bị bệnh nấm hồng, tăng gần 500 hécta so với dịp cuối tháng 4-2012. Cây điều đang vào giai đoạn thu hoạch và chăm sóc sau thu hoạch.

Ngành Nông nghiệp vùng ĐBSCL cho biết, hiện nông dân trong khu vực đang vào vụ sản xuất lúa nên nhu cầu sử dụng phân bón là rất lớn. Tuy nhiên, tình trạng phân bón kém chất lượng xuất hiện ngày càng nhiều đang mang lại rất nhiều nỗi lo cho nông dân trong vùng.

Liên kết khuyến nông viên cơ sở (KNVCS) là mô hình mới do Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hà Nam thực hiện, bước đầu đem lại hiệu quả. Tuy nhiên, phần lớn KNVCS đều phàn nàn bởi khối lượng công việc quá lớn, song mức phụ cấp thấp; chỉ đủ tiền xăng xe hàng tháng nên họ không mặn mà.

Tính đến giữa tháng 3/2012, giá trị xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam đạt 101 triệu đô la Mỹ, tăng 23,1% so với cùng kỳ năm ngoái.