Khởi Sắc Nuôi Cá Điêu Hồng Lồng Bè

Theo số liệu thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành (Bến Tre), toàn huyện hiện có 373 bè nuôi cá; tập trung nhiều nhất ở xã Tân Thạch với hơn 30 hộ nuôi, tổng số trên 120 bè và tổng thể tích nuôi gần 15.000m3.
Thời gian qua, các khoản chi phí đầu vào để nuôi cá như: giá thức ăn, thuốc, hóa chất… liên tục tăng, nhưng đầu ra chưa ổn định, giá cá thương phẩm luôn đứng ở mức thấp hoặc giảm giá nên người nuôi không có lợi nhuận cao hoặc bị thua lỗ, cho nên có gần 50% hộ nuôi buộc phải treo bè.
Tuy nhiên, khoảng hai tháng trở lại đây, dọc theo mé sông Tiền, thuộc địa phận ấp 10 - xã Tân Thạch, từ chân cầu Rạch Miễu xuống bến phà Rạch Miễu cũ, những hộ nuôi cá bám trụ kiên trì, không bỏ cuộc bắt đầu có niềm vui trở lại, giá cá thương phẩm tăng lên, người nuôi có lãi cao. Anh Trịnh Công Trung, ở ấp 10, cho biết anh hiện có 6 bè nuôi (5 bè nuôi cá điêu hồng và 1 bè nuôi cá lăng). Các năm trước, anh nuôi bình thường thì lỗ công chăm sóc, nhưng anh vẫn bám nghề. Gần 2 tháng nay, giá cá thương phẩm đột nhiên tăng cao ổn định (từ 41.000-43.000 đ/kg), lượng cá thịt không còn đủ để cung ứng cho thị trường.
Vừa rồi, anh Trung đầu tư 1 bè (150m3), thả nuôi mật độ tối đa là 170 con/m3 mặt nước. Con giống đem về từ các cơ sở ương nuôi tại địa phương và Đồng Tháp, dưỡng lại trong vèo lưới đến khi cá đạt trọng lượng 25-30 con/kg thì tuyển chọn lại thả vào bè nuôi. Anh Trung cho cá ăn thức ăn công nghiệp dạng viên nổi.
Ở giai đoạn cá còn nhỏ (nhỏ hơn 200 gr/con), anh cho cá ăn 3-4 lần/ngày (3-5% trọng lượng thân), giai đoạn 200 gr/con trở lên, cá ăn 2 lần/ngày (2-3% trọng lượng thân). Anh Trung bổ sung men tiêu hóa và Vitamin C vào thức ăn cho cá. Định kỳ 7-10 ngày, anh Trung trộn kháng sinh (được sự cho phép của ngành thủy sản) cho cá ăn liên tục 2-3 ngày để phòng bệnh cho cá.
Sau thời gian nuôi 5 tháng, hệ số chuyển đổi thức ăn (FCR): 1.7 (1,7kg thức ăn/kg cá), tỷ lệ sống: 78%, cá đạt trọng lượng 0,5 kg/con trở lên; anh Trung thu hoạch được 9,75 tấn cá thương phẩm, với giá bán 41.000 đ/kg, sau khi trừ chi phí, anh Trung có lãi trên 100 triệu đồng (lãi khoảng 12.000 đ/kg cá).
Nuôi cá điêu hồng lồng bè trên sông ngoài tận dụng diện tích mặt nước, còn tạo nguồn thực phẩm thủy sản, góp phần vào mục tiêu phát triển kinh tế của địa phương.
Có thể bạn quan tâm

Dù được đánh giá là thành công bậc nhất ở Đồng bằng sông Cửu Long, song sau 40 năm triển khai và vận hành, Dự án thủy lợi Ngọt hóa Gò Công (gọi là Dự án ngọt hóa Gò Công) đang đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Tháo gỡ khó khăn để phát triển sản xuất bền vững trong vùng dự án là vấn đề được đặt ra tại Hội nghị “Giải pháp sản xuất lúa và chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho vùng Dự án thủy lợi Ngọt hóa Gò Công” do UBND tỉnh vừa tổ chức.

Kết quả quan trắc môi trường nước tại 4 huyện: Phú Tân, Ngọc Hiển, Năm Căn, Đầm Dơi (Cà Mau) do Chi cục Nuôi trồng thủy sản vừa công bố cho thấy, các thông số về nhiệt độ, độ mặn, độ kiềm, độ pH đều đạt ngưỡng cho phép, thích hợp cho sự sinh trưởng và phát triển của các loài thủy sản mặn lợ, thuận lợi cho nuôi tôm công nghiệp.

Bàn về vấn đề phát triển ngành chăn nuôi, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát từng lo ngại tình trạng sử dụng kháng sinh quá mức và các chất cấm trong chăn nuôi sẽ phá vỡ ngành này trong thời gian tới.

Cuối tháng 7-2015, giá bán cá tra vẫn tiệm cận với giá thành, người nuôi cá ở ĐBSCL kéo dài lo lắng vì tình trạng này đã kéo dài hơn 10 năm qua. Thế nên, việc Hiệp hội Cá tra Việt Nam bước đầu đã “lập được bản đồ nuôi cá tra” ở ĐBSCL, đang mở ra hướng phát triển căn cơ cho nghề nuôi cá.

Thuỷ sản là ngành kinh tế mũi nhọn của huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau. Tiềm năng về phát triển kinh tế thuỷ sản của huyện rất phong phú và đa dạng, từ nuôi tôm quảng canh cải tiến tới nuôi tôm sinh thái, nuôi hàu lồng, nghêu, sò và các loài thuỷ sản khác dưới tán rừng… Đặc biệt, đây là nơi cung cấp nguồn tôm sú giống bố mẹ nhiều và tốt nhất so với các tỉnh, thành phố trong cả nước, mỗi năm hàng ngàn con.