Khoai môn bí đầu ra

Hai địa phương có diện tích trồng khoai môn lớn nhất ĐBSCL là huyện An Phú (An Giang) và huyện Lấp Vò (Đồng Tháp). Hiện người trồng khoai môn ở đây đang rơi vào cảnh thua lỗ nặng, vì không có đầu ra.
Ông Lê Văn Đào, trồng 8 công khoai môn ở xã Vĩnh Hậu, huyện An Phú (An Giang) cho biết thời tiết năm nay thuận lợi nên năng suất khoai môn vụ hè thu đạt từ 3,5-4 tấn/1.000m2, cá biệt có nơi đạt 5 tấn/1.000m2.
Tuy nhiên, do giá khoai môn đang sụt giảm, chỉ bằng 1/4 mức giá cùng kỳ năm ngoái, khiến người dân thua lỗ nặng. Hiện giá bán khoai tại ruộng chỉ có 3.000đ/kg, giảm hơn 10.000đ/kg so với năm 2014. Theo ông Đào, 8 công khoai của ông lỗ gần 40 triệu đồng.
Ở Đồng Tháp tình cảnh cũng tương tự. Theo thống kê của UBND xã Mỹ An Hưng A, huyện Lấp Vò, vụ hè thu 2015 toàn xã xuống giống 75ha khoai môn. Hiện nông dân mới thu hoạch được 6ha, số còn lại đang tiếp tục thu hoạch. Tuy nhiên, thị trường tiêu thụ đang bí.
Anh Trần Lê Duy Linh, cán bộ nông nghiệp xã Mỹ An Hưng A cho biết, khoai môn từ lúc trồng cho đến khi thu hoạch khoảng 5 - 6 tháng, củ nặng từ 0,5 -2kg/củ, nhưng hiện nay có đám ruộng để tới 7 tháng chưa thu hoạch vì thương lái không mua. Hiện giá khoai chỉ còn 3.000đ/kg.
Theo nhiều nông dân trồng khoai môn ở huyện Lấp Vò, nếu như trước đây thương lái mua khoai môn cả củ cái lẫn củ giáo (củ phụ đeo quanh củ khoai cái) thì hiện nay họ chỉ mua củ cái. Chị Trương Hồng Hoa cho biết, củ giáo chiếm 40 - 50% tổng sản lượng ruộng khoai. Giờ thương lái chỉ mua củ cái, giá thấp, đã lỗ càng lỗ thêm.
Ông Nguyễn Văn Tròn, thương lái thu mua khoai ở huyện Lấp Vò, nhận định: Nhiều năm nay khoai môn rất ít khi bị rớt giá, do thị trường Trung Quốc và Đài Loan ăn mạnh. Năm nay sản lượng tăng, song thị trường Trung Quốc ngưng mua khiến giá giảm nhiều.
Ông Nguyễn Minh Bửu, Trưởng trạm BVTV huyện An Phú cho biết sản lượng khoai năm nay tăng hơn nhiều so với các năm trước, do năm ngoái người dân trúng giá nên nhiều người bỏ lúa trồng khoai.
Có thể bạn quan tâm

Ngày 26-3, ông Phan Chánh Thi, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Bến Tre, cho biết từ đầu tháng 3 đến nay đã xuất hiện tình trạng nghêu chết, khoảng trên 300 tấn tại các HTX thủy sản trong tỉnh.

Ông Phạm Ngọc Hoàn, Phó Giám đốc Vườn Quốc gia Phước Bình (QGPB) cho biết: “Bò tót là nguồn gen quí dự trữ trong thiên nhiên, để có thể lai tạo với các giống bò khác. Giá trị kinh tế mỗi con có thể cung cấp 500-600kg thịt, 400kg xương, 2 - 3m2 da và cặp sừng đẹp. Bò tót lai thụ tinh nhân tạo thì trên thế giới có nhiều, còn đối với những con bò tót lai Phước Bình, theo thông tin khoa học tôi được biết thì đây là đàn bò tót lai tự nhiên đầu tiên trên thế giới”.

Đặc sản sò huyết ở đầm Ô Loan (Phú Yên) khan hiếm nên nhiều người dân địa phương mua sò huyết từ các nơi về bày bán trên đầm gắn thương hiệu “sò huyết Ô Loan”.

Thời điểm này, nhiều hộ nông dân ở thôn Xuân Dục, Chính Nghĩa, xã An Phú, TP Tuy Hòa (Phú Yên) đang vào chính vụ thu hoạch khoai lang với niềm vui được giá.

Mấy ngày qua, hơn 10 hộ dân trồng dưa hấu ở thôn Ngọc Thạch, xã Tịnh An (Sơn Tịnh - Quảng Ngãi) đứng ngồi không yên vì hàng trăm hécta dưa đến kỳ thu hoạch nhưng không thể bán. Họ liên tiếp bị một nhóm người lạ tới đe dọa, ép bán với giá rẻ hoặc chặng đường thương lái đòi tiền bảo kê.