Khoai Lang Tím Đắt Hàng

Giá khoai lang tím đang tăng cao tạo thu nhập tốt cho nông dân. Nhằm tránh lệ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc, các doanh nghiệp đã tích cực tìm kiếm thêm nhiều thị trường khác khiến cho việc xuất khẩu khoai lang tím ngày càng rộng mở.
Khống chế diện tích trồng
Ông Nguyễn Văn Tâm ngụ ở xã Tân Thành, huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long có 2 công đất (1 công = 1.000m2) trồng khoai lang tím cho biết, giá khoai lang tím mấy ngày nay tiếp tục tăng, hiện đã lên đến mức 900.000 - 950.000 đồng/tạ (60kg).
“Nguyên nhân giá khoai tăng mạnh ở thời điểm này do trong mùa lũ khoai chỉ trồng trên vùng đất cao, có đê bao, vì thế số lượng hạn chế, không đại trà như trong những mùa vụ khác nên hút hàng giá tăng” - ông Tâm giải thích.
Với mức giá này nông dân đang có lời khoảng 400.000 - 450.000 đồng/tạ. Một mức lời hấp dẫn, gần gấp đôi giá thành khiến nhiều nông dân không ngần ngại mua vải cao su ven xung quanh bờ tránh nước lũ để trồng khoai. Không ít ruộng đã xuống giống xong nhưng lũ tràn về phải đặt máy bơm nước liên tục.
Với giá bán khá hấp dẫn, chỉ cần 900.000 đồng/tạ là nông dân đã bỏ túi lời hơn 25 triệu đồng/công, cao gấp hàng chục lần trồng lúa nên đâu cần nghĩ ngợi, vừa xong vụ lúa hè thu là nhà tôi làm đất, lên liếp, gia cố đê bao, mạnh dạn đầu tư trồng ngay 3 công khoai lang tím” - ông Trần Văn Út ở xã Nguyễn Văn Thảnh, huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long hồn hậu nói.
Huyện Bình Tân là một trong những huyện có diện tích trồng khoai lang tím nhiều nhất các tỉnh ĐBSCL. Theo Phòng NNPTNT huyện, đến thời điểm cuối tháng 10.2013, toàn huyện đã xuống giống được 7.232ha khoai lang. Thạc sĩ Võ Văn Theo - Trưởng phòng NNPTNT huyện Bình Tân cho biết, huyện luôn có chủ trương khuyến cáo bà con khống chế diện tích trồng nhằm đảm bảo đầu ra tiêu thụ ổn định, có được giá bán cao.
“Vấn đề ngành nông nghiệp băn khoăn nhất hiện nay là thị trường tiêu thụ khoai lang còn phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc. Nên nếu bà con thấy giá tăng trồng ồ ạt, rồi khi thị trường Trung Quốc không “ăn hàng” nữa chắc chắn khoai sẽ “dội chợ”, rớt giá” - ông Theo phân tích.
Nhu cầu tăng - thị trường rộng mở
Để tránh lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc, mấy năm gần đây tỉnh Vĩnh Long và các doanh nghiệp đã tích cực tìm kiếm, mở rộng thêm nhiều thị trường mới. Hiện ngoài Trung Quốc, các nước như Singapore, Malaysia, Indonesia, Hàn Quốc, vùng lãnh thổ Đài Loan... cũng đã bắt đầu biết đến khoai lang Việt Nam và gửi đơn đặt hàng.
Để hạn chế tình trạng rớt giá, các địa phương ở ĐBSCL đã vận động nông dân trồng rải vụ và nhiều loại khác nhau. Tuy nhiên thực tế khoai lang tím Nhật vẫn chiếm khoảng 80% diện tích trồng.
Ông Huỳnh Công Ký - Phó Giám đốc Công ty Khoai lang Nhật Thành ở huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long cho biết, hiện mỗi ngày công ty xuất 1 container khoai lang tím đi Trung Quốc, với giá bán 16.500 đồng/kg, tăng hơn 2.000 đồng/kg so với tháng trước. “Không chỉ Trung Quốc mà hiện nhiều nước như Singapore, Malaysia cũng có nhu cầu gửi đơn đặt hàng tới công ty. Do nhu cầu tăng cao nên công ty cũng đã tăng giá thu mua của nông dân từ 13.000 đồng lên 15.000 đồng/kg” - ông Ký vui vẻ nói.
Không chỉ khoai tươi mà các sản phẩm sau chế biến như tinh bột khoai, khoai lang sấy... thị trường cũng đang có nhu cầu. Đại diện Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu Phúc Lợi (TP.HCM) cho biết công ty đang cần mua tinh bột khoai lang với số lượng không hạn chế xuất khẩu đi Đài Loan, Hàn Quốc. Hiện tinh bột khoai lang có giá xuất khẩu từ 800 - 900 USD/tấn tùy thị trường.
Có thể bạn quan tâm

Vài năm gần đây, để tạo nguồn thu nhập trong những mùa biển vụ bấc, bà con ngư dân Phan Thiết đã đưa nghề bẫy bắt tôm hùm con vào hoạt động. Từ đây, nhiều tuyến biển gần bờ phục vụ giao thông, du lịch bị phủ đầy phao nổi của lưới bẫy bắt tôm hùm. Để bảo vệ nguồn lợi thủy sản, đảm bảo an toàn giao thông trên biển và tạo không gian thông thoáng cho các môn thể thao dưới nước, vừa qua, TP. Phan Thiết đã ra quân kiểm tra, xử lý khu vực “nóng” thường xuyên xảy ra tình trạng đặt bẫy tôm hùm con trái phép.

TS Đặng Kim Sơn nhấn mạnh như vậy tại buổi giao lưu trực tuyến “Tiếp sức cho nông dân” do Báo điện tử Dân Việt - Báo NTNN tổ chức cuối tuần qua. Rất nhiều bạn đọc đã gửi câu hỏi đề cập đến Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM).

Huyện Châu Thành từ lâu được biết đến là vùng chuyên canh bưởi Năm Roi đặc sản của Hậu Giang. Nhờ cây bưởi mà nhiều hộ nông dân thoát nghèo làm giàu. Tuy nhiên, thời gian gần đây giá bưởi bấp bênh, sâu bệnh hoành hành chưa có thuốc đặc trị, làm ảnh hưởng rất lớn đến năng suất và thu nhập của bà con nông dân

Tuy bị thương mất đi một phần thân thể nhưng với nghị lực của người lính cụ hồ "tàn nhưng không phế", từ hai bàn tay trắng, chỉ sống vào đồng lương ít ỏi, anh đã vượt lên chính mình để vươn lên thoát nghèo bằng mô hình nuôi lươn.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp bắt đầu xuất hiện loài cá đầu sấu (hay còn gọi là cá sấu hỏa tiển, cá Phúc Lộc Thọ...). Loài cá này do các cơ sở bán cá cảnh đưa ra bán cho những người chơi cá cảnh, con nhỏ nhất giá từ 160 - 200 ngàn đồng/con, loại 400gr - 1kg có giá từ 500 - 800 ngàn đồng/con.