Khoai Lang Hoàng Long Hướng Phát Triển Kinh Tế Từ Cây Đặc Sản

Khoai lang Hoàng Long là loại cây đặc sản của Ninh Bình có thịt củ bở, màu vàng, bùi, ngọt dịu và có mùi thơm đặc trưng. Tuy nhiên, thời gian qua, giống cây này đã bị thoái hóa dẫn đến năng suất, chất lượng không cao. Gần đây, giống khoai lang Hoàng Long đang được phục tráng, hứa hẹn giúp tăng năng suất, chất lượng và mở rộng diện tích sản xuất.
Thạc sỹ Trịnh Thị Thanh Hương (Viện Di truyền Nông nghiệp) cho biết: Trong quá trình sản xuất, khoai lang được nhân giống chủ yếu bằng phương thức vô tính, người dân để giống bằng cách cắt các đoạn dây để làm giống cho vụ sau mà không tìm hiểu sâu xa về bản chất di truyền của giống. Do vậy, giống khoai lang Hoàng Long ở Ninh Bình hầu như đã bị thoái hóa, cho năng suất không cao và phẩm chất giảm, lẫn tạp nhiều.
Trong thời gian 3 năm, từ tháng 4-2012 đến nay, chúng tôi đã tiến hành nghiên cứu, phục tráng giống này bằng phương pháp truyền thống kết hợp với sử dụng chỉ thị phân tử RAPD, tương ứng với cách phục tráng giống khoai lang từ dây và từ củ. Đến nay đã cho sản xuất thử nghiệm tại xã Phú Sơn và xã Yên Quang (Nho Quan) với tổng diện tích là 6ha. Ước năng suất trung bình đạt từ 7 - 9 tấn/ha.
Về kỹ thuật mới trồng giống khoai lang Hoàng Long phục tráng: Mật độ trồng cây giống được áp dụng là 38.000 hom/ha. Mỗi ha gieo trồng cần 2 tấn phân hữu cơ sinh học, 150 kg urê, 250 kg phân lân và 150 kg kali.
Thời kỳ bón lót, rải phân chuồng hoặc phân hữu cơ vi sinh xuống dưới, tiếp theo là bón vôi bột để khử trùng nước, super lân, urê và kali. Trong giai đoạn bón thúc lần 1 sau khi trồng từ 20 - 25 ngày, người dân cần bổ sung urê, kali cho cây, kết hợp xới đất, làm sạch cỏ và vun nhẹ. Tiếp tục bón thúc lần 2 sau khi trồng 40 – 45 ngày.
Do chủ động về công nghệ và nhân nhanh giống nên giá thành của giống giảm và chất lượng sẽ tốt hơn vì phục tráng được chính xác giống khoai Hoàng Long. Các đơn vị, cá nhân có thể dễ dàng đặt mua giống tại Phòng Nông nghiệp huyện Nho Quan và Trung tâm Thực nghiệm Sinh học nông nghiệp công nghệ cao - Viện Di truyền nông nghiệp phục vụ cho canh tác.
Là một hộ tham gia mô hình trồng thử nghiệm, bà Đinh Thị Chi, thôn Yên Thủy cho biết: Gia đình tôi nhận giống trồng thử trên diện tích khoảng 400m2, giờ đã bắt đầu thu hoạch. Khoai rất ngon, thơm, lòng vàng, chất lượng khoai so với trước đã được cải thiện nhiều. Phía Trung tâm tập huấn kỹ thuật có thông báo sẽ thu mua hết số khoai thử nghiệm này với giá 6.000 đồng/kg, tổng cộng gia đình tôi thu được hơn 2 triệu đồng.
Thị trường tiêu thụ luôn là yếu tố quyết định sự sống còn của hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đối với khoai lang Hoàng Long nếu khoai lang được phục tráng, nhân rộng mà đầu ra cho sản phẩm thiếu ổn định, giá thành bấp bênh, tất yếu sẽ dẫn đến tình trạng người nông dân bỏ giống để tìm đến những phương án sản xuất khác, như thế không khác nào bỏ phí thời gian nghiên cứu của các nhà khoa học.
Vì vậy, cần tìm ra thị trường thực sự có nhu cầu ổn định giúp người nông dân tiêu thụ được sản phẩm mới có thể phát triển giống cây đặc sản của địa phương.
Chia sẻ về những băn khoăn trên, bà Trịnh Thị Thanh Hương cho biết: Đối với diện tích trồng thử nghiệm, Trung tâm sẽ thu mua hết sản phẩm. Thời gian sau, khi cây giống được mở rộng diện tích gieo trồng, chúng tôi sẽ phối hợp với địa phương, liên hệ với các doanh nghiệp, siêu thị, điểm du lịch... để tìm thị trường tiêu thụ cho người nông dân.
Như vậy, với những phẩm chất tốt của cây giống sau phục tráng cùng nhiều hy vọng về thị trường tiêu thụ sản phẩm, khoai lang Hoàng Long đang là hướng đi mới nhiều triển vọng của người dân trong tỉnh.
Có thể bạn quan tâm

Ông Tôn Thất Trí, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh, cho biết từ nay đến năm 2016, trung tâm sẽ triển khai dự án Xây dựng mô hình tổ hợp tác sản xuất của các hộ trồng lan trên địa bàn tỉnh. Dự án có tổng kinh phí hơn 2,2 tỷ đồng. Đối tượng thực hiện dự án là các hộ trồng lan trên địa bàn tỉnh, trong đó tập trung vào các hộ tham gia câu lạc bộ trang trại hoa lan.

Bảy tháng đầu năm 2014, Việt Nam nhập khẩu 58,3% lượng táo từ Trung Quốc, 41,7% lượng táo từ Mỹ, Úc, New Zealand là thông tin Cục bảo vệ thực vật vừa đưa ra.

Những năm gần đây, mô hình chăn nuôi bò lai Sind đã được người nông dân trong toàn tỉnh Quảng Bình “ưa chộng” vì không những thời gian sinh trưởng nhanh, ít bệnh tật, mà giá thành bán ra thị trường cũng cao hơn nhiều so với bò thường. Chăn nuôi bò lai được xem là hướng đi thích hợp, góp phần xóa đói giảm nghèo và ổn định cuộc sống cho người nông dân.

Cá nác hoa là loại hải sản có giá trị kinh tế cao. Cá nác hoa trước đây phân bố tự nhiên rất nhiều ở vùng bãi triều ven biển và vùng cửa sông, cửa lạch các tỉnh ven biển miền Bắc. Tuy nhiên hiện nay, do việc quây đầm, nuôi ngao, sử dụng thuốc diệt tạp bừa bãi nên loài hải sản này phân bố tự nhiên không còn đáng kể và có nguy cơ cạn kiệt.

Để kịp thời tái tạo và bổ sung nguồn lợi này, Dự án “Tái tạo, thả bổ sung giống thuỷ sản tại một số cửa sông nội đồng, ven biển tỉnh Cà Mau” đã được thực hiện gần 2 năm qua, nhưng để được kết quả như mục tiêu đề ra còn rất nhiều việc phải làm.