Khoai Lang Hoàng Long Hướng Phát Triển Kinh Tế Từ Cây Đặc Sản

Khoai lang Hoàng Long là loại cây đặc sản của Ninh Bình có thịt củ bở, màu vàng, bùi, ngọt dịu và có mùi thơm đặc trưng. Tuy nhiên, thời gian qua, giống cây này đã bị thoái hóa dẫn đến năng suất, chất lượng không cao. Gần đây, giống khoai lang Hoàng Long đang được phục tráng, hứa hẹn giúp tăng năng suất, chất lượng và mở rộng diện tích sản xuất.
Thạc sỹ Trịnh Thị Thanh Hương (Viện Di truyền Nông nghiệp) cho biết: Trong quá trình sản xuất, khoai lang được nhân giống chủ yếu bằng phương thức vô tính, người dân để giống bằng cách cắt các đoạn dây để làm giống cho vụ sau mà không tìm hiểu sâu xa về bản chất di truyền của giống. Do vậy, giống khoai lang Hoàng Long ở Ninh Bình hầu như đã bị thoái hóa, cho năng suất không cao và phẩm chất giảm, lẫn tạp nhiều.
Trong thời gian 3 năm, từ tháng 4-2012 đến nay, chúng tôi đã tiến hành nghiên cứu, phục tráng giống này bằng phương pháp truyền thống kết hợp với sử dụng chỉ thị phân tử RAPD, tương ứng với cách phục tráng giống khoai lang từ dây và từ củ. Đến nay đã cho sản xuất thử nghiệm tại xã Phú Sơn và xã Yên Quang (Nho Quan) với tổng diện tích là 6ha. Ước năng suất trung bình đạt từ 7 - 9 tấn/ha.
Về kỹ thuật mới trồng giống khoai lang Hoàng Long phục tráng: Mật độ trồng cây giống được áp dụng là 38.000 hom/ha. Mỗi ha gieo trồng cần 2 tấn phân hữu cơ sinh học, 150 kg urê, 250 kg phân lân và 150 kg kali.
Thời kỳ bón lót, rải phân chuồng hoặc phân hữu cơ vi sinh xuống dưới, tiếp theo là bón vôi bột để khử trùng nước, super lân, urê và kali. Trong giai đoạn bón thúc lần 1 sau khi trồng từ 20 - 25 ngày, người dân cần bổ sung urê, kali cho cây, kết hợp xới đất, làm sạch cỏ và vun nhẹ. Tiếp tục bón thúc lần 2 sau khi trồng 40 – 45 ngày.
Do chủ động về công nghệ và nhân nhanh giống nên giá thành của giống giảm và chất lượng sẽ tốt hơn vì phục tráng được chính xác giống khoai Hoàng Long. Các đơn vị, cá nhân có thể dễ dàng đặt mua giống tại Phòng Nông nghiệp huyện Nho Quan và Trung tâm Thực nghiệm Sinh học nông nghiệp công nghệ cao - Viện Di truyền nông nghiệp phục vụ cho canh tác.
Là một hộ tham gia mô hình trồng thử nghiệm, bà Đinh Thị Chi, thôn Yên Thủy cho biết: Gia đình tôi nhận giống trồng thử trên diện tích khoảng 400m2, giờ đã bắt đầu thu hoạch. Khoai rất ngon, thơm, lòng vàng, chất lượng khoai so với trước đã được cải thiện nhiều. Phía Trung tâm tập huấn kỹ thuật có thông báo sẽ thu mua hết số khoai thử nghiệm này với giá 6.000 đồng/kg, tổng cộng gia đình tôi thu được hơn 2 triệu đồng.
Thị trường tiêu thụ luôn là yếu tố quyết định sự sống còn của hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đối với khoai lang Hoàng Long nếu khoai lang được phục tráng, nhân rộng mà đầu ra cho sản phẩm thiếu ổn định, giá thành bấp bênh, tất yếu sẽ dẫn đến tình trạng người nông dân bỏ giống để tìm đến những phương án sản xuất khác, như thế không khác nào bỏ phí thời gian nghiên cứu của các nhà khoa học.
Vì vậy, cần tìm ra thị trường thực sự có nhu cầu ổn định giúp người nông dân tiêu thụ được sản phẩm mới có thể phát triển giống cây đặc sản của địa phương.
Chia sẻ về những băn khoăn trên, bà Trịnh Thị Thanh Hương cho biết: Đối với diện tích trồng thử nghiệm, Trung tâm sẽ thu mua hết sản phẩm. Thời gian sau, khi cây giống được mở rộng diện tích gieo trồng, chúng tôi sẽ phối hợp với địa phương, liên hệ với các doanh nghiệp, siêu thị, điểm du lịch... để tìm thị trường tiêu thụ cho người nông dân.
Như vậy, với những phẩm chất tốt của cây giống sau phục tráng cùng nhiều hy vọng về thị trường tiêu thụ sản phẩm, khoai lang Hoàng Long đang là hướng đi mới nhiều triển vọng của người dân trong tỉnh.
Có thể bạn quan tâm
Có dịp trở lại xã Chà Cang, huyện Nậm Pồ vào những ngày cuối tháng 5, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước sự đổi thay từng ngày của mảnh đất trước đây còn gặp nhiều “gian khó”. Phóng tầm mắt dọc hai bên đường những ngôi nhà mới khang trang mọc lên san sát nhau tạo nên khung cảnh trù phú, yên vui.

Liên tiếp phải ngưng sản xuất đến 4 vụ do nắng hạn kéo dài, từ tháng 8 năm 2014 đến nay, do vậy, đối với người dân vùng hạn trong tỉnh Ninh Thuận là phải làm mọi cách để bảo vệ đàn gia súc, nguồn thu nhập chính đối với kinh tế gia đình. Cách hiệu quả nhất lúc này đang được nhiều hộ chăn nuôi bò, dê, cừu áp dụng là tận dụng triệt để phụ phẩm nông nghiệp, kết hợp với trồng bắp, trồng cỏ để tạo nguồn thức ăn xanh cho đàn gia súc.

Nhằm bảo đảm an toàn và ngăn ngừa dịch bệnh lây lan trên đàn vật nuôi, ngay từ đầu năm 2015, Chi cục Thú y đã chủ động điều phối lịch tiêm phòng cho đàn vật nuôi trong tỉnh Long An. Lũy kế từ đầu năm đến nay, ngành đã tiêm phòng 81.569 liều vắc-xin lỡ mồm long móng (LMLM) trên gia súc; 25.484 liều vắc-xin PRRS (tai xanh) trên heo và 4.254.606 liều vắc-xin cúm gia cầm. Đồng thời, chi cục chỉ đạo các trạm thú y tập trung kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh; tiếp tục tiêm phòng vắc-xin LMLM trên gia súc và vắc-xin cúm trên gia cầm.

Ngày 25.6, Ban Quản lý Chương trình phát triển nhanh đàn bò lai Brahman đỏ của tỉnh Hưng Yên tổ chức hội nghị triển khai thực hiện Chương trình phát triển nhanh đàn bò lai Brahman đỏ của tỉnh giai đoạn 2015 - 2017. Dự hội nghị có ông Đặng Minh Ngọc, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

45 triệu USD này sẽ được tài trợ cho các dự án chăn nuôi và tăng cường an toàn thực phẩm, đang thực hiện tại Việt Nam.