Khó Kiểm Soát Chặt Cá Tôm Ở Chợ Vì Luật

Mong muốn mua được thịt, cá an toàn của người dân TPHCM sẽ khó đạt được vì cơ quan quản lý không thể kiểm soát chặt do vướng phải những quy định pháp luật.
Sản phẩm tôm cá thịt bày bán ở chợ nhiều khi không đảm bảo những tiêu chí về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, hàng the, urê... Ở TPHCM, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có kế hoạch sử dụng bộ kít thử nhanh để kiểm tra các loại hóa chất, kháng sinh cấm trong trong rau, quả, thủy sản.
Mới đây UBND TPHCM đã gửi kiến nghị lên Chính phủ, đề nghị công nhận phương pháp phân tích định tính bằng kít thử nhanh để kiểm tra, đánh giá và phát hiện hóa chất, kháng sinh cấm trong thực phẩm tươi sống và có biện pháp xử lý nếu kết quả dương tính.
Tuy nhiên, trong công văn số 3177/BNN-QLCL, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) nêu rõ kiến nghị như vậy là không phù hợp với các quy định hiện hành. Do đó, việc đình chỉ kinh doanh, tạm giữ lô hàng trong thời gian chờ kết quả phân tích định lượng phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về xử lý hành chính.
Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, một cán bộ của Sở NN&PTNT TPHCM cho biết, cách dùng kít có lợi thế là khi kiểm tra trực tiếp tại các rạp bán thực phẩm ngoài chợ sẽ cho kết quả ngay tức thì, sau đó, cơ quan kiểm tra sẽ lấy mẫu để có kết quả dương tính với kít thử để đi kiểm nghiệm. “Thường kết quả kiểm nghiệm khoảng sau 2-4 ngày mới cho kết quả. Lúc đó, đoàn kiểm tra chỉ có thể phạt hành chính chứ không thu giữ lô hàng vì hàng đã được bán cho người tiêu dùng cách đó mấy ngày rồi”, ông nói.
Theo ông này, với quyết định nói trên của Bộ NN&PTNT thì chuyện muốn cá tôm bán ở chợ được kiểm soát chặt hơn về an toàn vệ sinh thực phẩm ở thành phố có khoảng 10 triệu dân như TPHCM là khó làm được.
Có thể bạn quan tâm

Từ đầu tháng 7.2013 đến nay, người nuôi tôm hùm thương phẩm ở xã Nhơn Hải (TP Quy Nhơn, Bình Định) phấn khởi vì giá sản phẩm liên tục tăng. Do dịch bệnh tôm, giá con giống và thức ăn tăng nên mức lãi không được như mong muốn, nhưng người nuôi tôm vẫn an tâm sản xuất.

Toàn tỉnh Cà Mau đã có trên chín nghìn ha các loại hình tôm nuôi bị dịch bệnh chết trắng trong vài tháng qua; trong đó có 833 ha diện tích tôm nuôi công nghiệp. Dịch bệnh thường gặp trên tôm nuôi như đốm trắng, đỏ thân, gan tụy và đến nay vẫn chưa có cách phòng trừ, chữa trị dịch bệnh này.

Sau thời gian nghêu chết hàng loạt trong những tháng đầu năm 2013, hiện nghêu nuôi ở vùng biển Tân Thành, huyện Gò Công Đông (Tiền Giang) đang phát triển bình thường. Tuy nhiên, người nuôi nghêu không khỏi lo lắng do nguyên nhân gây chết nghêu hàng loạt trong những năm gần đây vẫn chưa được xác định, đồng nghĩa “tai họa” có thể bất ngờ ập xuống bất cứ lúc nào mà người nuôi nghêu không có cách gì để phòng tránh.

Không chỉ đáp ứng nhu cầu nuôi cá nước ngọt ngày một phát triển rộng khắp trên địa bàn tỉnh, sản xuất giống thủy sản nước ngọt tại Quảng Nam còn cung ứng cho thị trường trong nước, đặc biệt là xuất khẩu.

Tại chợ Chắc Cà Đao (thị trấn An Châu, Châu Thành - An Giang) các tiểu thương bán cá rô đồng dính lưới 3 phân (cỡ khoảng 2 ngón tay/con), với giá 100.000 đồng/kg. Đây là loại cá rô được dân nghèo giăng lưới đánh bắt trong mùa nước nổi.