Khi Nông Dân Làm Cà Phê Bền Vững

Thay đổi hoàn toàn thói quen, tập quán cũ của người nông dân trong canh tác cà phê; Giúp bà con làm quen với phong cách bón phân mới, phun thuốc diệt sâu bệnh mới; Giúp nông dân tạo thói quen ghi nhật kí đồng ruộng, kiểm soát được chi phí đầu vào và tính toán lợi nhuận...
Đó là những thay đổi mà Trung tâm khuyến nông đã mang lại cho người nông dân khi triển khai Mô hình Sản xuất cà phê chè bền vững được cấp giấy chứng nhận tại Tây Nguyên. Hơn tất cả, việc canh tác cà phê theo hướng bền vững giúp người nông dân chung sống hòa hợp với ruộng đất của mình, có thu nhập cao trên cùng một thửa vườn.
Anh Nguyễn Minh Hùng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tà Nung, thành phố Đà Lạt, một trong hai xã tham gia mô hình sản xuất cà phê chè bền vững cho hay, Tà Nung là xã có phần đông cư dân sống bằng cây cà phê. Tập quán xưa giờ của bà con là bón phân bất kể thời gian, theo lời anh Hùng là "khi nào có phân thì cho cây ăn".
Thêm vào đó, việc phun thuốc, tỉa cành cũng theo thói quen, không có bất cứ một quy chuẩn nào. Bởi vậy, khi 30 hộ sống dọc theo đường lộ DT 725 và suối Nước Trong tham gia mô hình, các nông hộ đã được cán bộ kỹ thuật tập huấn lại rất cẩn thận quy trình canh tác.
Từ việc bón phân cân đối, đúng thời gian, tỉa cành đúng kỹ thuật cho tới vệ sinh đồng ruộng sạch sẽ. Xưa nay, bà con thường vứt rác thải bừa bãi thì nay đã tập thói quen thu gom rác, vỏ bao bì và cành lá khô vào xử lý bằng phương pháp đốt hoặc thu gom tập trung, không để rác lan tràn như trước. Riêng việc thu gom đồng ruộng này đã giúp giảm nhiều bệnh sâu đục thân, loại sâu bệnh gây hại rộng rãi trên địa bàn Tà Nung.
Điều rất khác nữa là nông hộ buộc phải ghi chép nhật ký đồng ruộng và đây thực sự là việc thay đổi quyết liệt. Anh Hùng cho hay: "Xưa nay nông dân cứ có tiền là bỏ phân, có bệnh là phun thuốc, đâu có ghi chép gì. Giờ ghi nhật kí đồng ruộng mới thấy hiệu quả. Một là mình vừa xác định được đúng chất lượng, số lượng phân tro...
Hai là ghi chép cụ thể mình tính toán được số tiền đầu tư, đến mùa bán đi tính được lời lỗ, cái này là thay đổi lớn nhất". Bản thân anh Hùng là người tham gia mô hình cũng tập cho mình thói quen ghi nhật kí. Việc ghi nhật ký đồng ruộng giúp chất lượng cây trồng cũng như khả năng tính toán của bà con được nâng cao rõ rệt.
Tương tự như các hộ nông dân xã Tà Nung, thành phố Đà Lạt, 30 nông hộ thuộc xã Hoài Đức, Lâm Hà cũng tham gia dự án với mục tiêu cải thiện chất lượng vườn cà phê. Với các nông hộ ở Hoài Đức, bà con rất nhiệt tình thực hiện đúng kỹ thuật chăm bón và cho kết quả khả quan.
Anh Nguyễn Bá Hà, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hoài Đức chia sẻ: "Những hộ tham gia mô hình có kết quả rất tốt, cây bớt bệnh và trái sai hơn nhiều so với những năm trước. Kết quả kiểm tra cũng rất tốt và có lẽ sẽ được cấp giấy chứng nhận trong nay mai". Theo anh Hà, lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật khi canh tác cà phê theo bộ tiêu chuẩn UTZ Certified và 4C không nhiều, tương tự với lượng phân bà con vẫn bón theo thói quen.
Nhưng thay vì bón phân đơn, bón đạm, lân như bà con thường làm thì cách bón phân của cà phê bền vững là kết hợp nhiều loại phân, cả NPK, vôi, vi sinh..., rất đa dạng và cân đối. Bón phân kiểu kết hợp này tuy phức tạp hơn nhưng cho kết quả rất tốt, cây khỏe, trái sai và những nông hộ này khẳng định sẽ tiếp tục tuân theo phương pháp canh tác bền vững.
Trong hai địa phương tham gia mô hình cà phê chè bền vững thì xã Tà Nung, Đà Lạt khó khăn hơn do có một số hộ là hộ đồng bào dân tộc thiểu số, điều kiện kinh tế khó khăn.
Anh Nguyễn Minh Hùng cho hay, nhiều hộ trong số này chỉ bón phân cho cà phê 1 lần/vụ nên việc áp dụng đúng yêu cầu là tương đối khó nếu không có nguồn hỗ trợ của Nhà nước như vụ vừa qua.
Tuy nhiên, xã thường xuyên hướng dẫn các hộ ủ phân hữu cơ từ vỏ cà phê, từ cây xanh cắt tại chỗ để bổ sung lượng dinh dưỡng cây thiếu hụt. Còn với trên 20 hộ còn lại, việc áp dụng đúng quy trình canh tác là việc không khó và nhiều nông hộ đã thấy hiệu quả rõ rệt của việc canh tác cà phê bền vững.
Và với việc triển khai mô hình thành công tại những vùng cà phê chè rộng lớn như Tà Nung, Hoài Đức, việc giúp nông dân làm "cà phê 4C" chứng tỏ người trồng cà phê Lâm Đồng đủ khả năng và sẵn sàng tiếp nhận phương pháp canh tác mới, làm ra những hạt cà phê giá trị cao hơn, mang lại danh tiếng cho vùng cà phê Lâm Đồng.
Có thể bạn quan tâm

Đối với người dân trồng vải vải thiều ở tỉnh Bắc Giang nói chung và huyện Lục Ngạn nói riêng, cùng với biện pháp sản xuất vải thiều sạch an -toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, thì trị sâu đục cuống quả vải được coi là một khâu quan trọng nhằm hạn chế quả vải thiều dụng, góp phần quan trọng nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm

Hằng năm vào mùa nắng, nước ở một số tuyến sông và trong vuông bị cạn kiệt, nhiệt độ nước, độ mặn, độ kiềm tăng cao, tảo phát triển nhiều… sẽ gây ra một số bất lợi đối với tôm nuôi, làm thiệt hại về kinh tế. Người nuôi cần lưu ý một số vấn đề sau

Mấy tháng qua, ngư dân các huyện ven đầm phá Tam Giang - Cầu Hai (Thừa Thiên - Huế) luôn bội thu nguồn lợi từ thủy sản. Riêng ở xã Điền Hải (huyện Phong Điền), ngư dân liên tục thắng đậm cá dìa, đem về hàng trăm triệu đồng. Có được kết quả này là do địa phương đã triển khai tốt chính sách bảo vệ nguồn lợi thủy sản dựa vào cộng đồng.

Hiện nay, toàn tỉnh có trên 70% nông dân, chiếm tỷ lệ cao nhất so với các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội khác. Trước khi nghị quyết “tam nông” ra đời, việc đầu tư của Nhà nước cho phát triển nông nghiệp chưa có trọng tâm, trọng điểm, chưa đặt đầu tư cho nông nghiệp thành động lực để tái cơ cấu và xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn.

Cây việt quất đã được chứng minh rất có lợi cho não và mới đây các nhà khoa học Canada cho biết loại quả này còn tốt đối với tim do có tác dụng làm giảm lượng cholesterol.