Khánh Vĩnh phát triển cây mít nghệ

Những ngày này, đến thăm vườn của ông Trần Được (thôn 6, xã Khánh Nam) đã nghe hương mít sực nức khắp vườn. Ông Được cho biết, vườn của ông là một trong những điểm đầu tiên trồng mít nghệ tại huyện Khánh Vĩnh. Năm 2010, ông thay thế vườn chanh già cỗi bằng vườn mít với hơn 300 gốc. Vườn mít cho quả từ năm ngoái với sản lượng 10 tấn, dự kiến năm nay đạt 15 tấn. Với giá bán bình quân 8.000 đồng/kg thu mua tại chỗ, ông sẽ thu nhập khoảng 120 triệu đồng.
Theo ông Được, thổ nhưỡng tại Khánh Vĩnh thích hợp với nhiều loại cây, trong đó có mít nghệ. Cây mít nghệ dễ trồng, phát triển ổn định, ít sâu bệnh. Tuy nhiên, thời kỳ mít ra hoa, đậu trái, cần chăm sóc kỹ bằng cách phun thuốc bảo vệ thực vật định kỳ, bón phân, tưới nước, nếu không trái sẽ bị nhỏ. Ngoài cây mít, ông còn trồng xen nhiều loại cây khác như: sầu riêng, chôm chôm, xoài, bưởi da xanh… Thu nhập từ làm vườn cho gia đình ông khoảng 200 triệu đồng/năm. Ông Được cho hay, nghề làm vườn cần nhiều vốn; thế nhưng hiện nay, việc vay vốn của nông dân vẫn còn khó…
Thời gian này, vườn mít nghệ của ông Cao Việt (thôn Giang Mương, xã Khánh Phú) cũng bắt đầu cho trái. Tuy vườn mít của ông cành, gốc còn bé nhưng quả đã trĩu nặng. Ông Việt cho biết, cách đây 4 năm, ông chuyển 1ha đất trồng mía kém hiệu quả sang trồng mít nghệ. Ông được Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh hỗ trợ 100 gốc; 200 gốc còn lại ông dành dụm vốn để mua dần. Ông Việt hy vọng, khi vườn mít đi vào thu hoạch ổn định, mỗi năm gia đình sẽ có vài chục đến khoảng một trăm triệu đồng.
Lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết, cây mít nghệ được phát triển gần đây với tổng diện tích khoảng 30ha, rất thích hợp với điều kiện canh tác ở miền núi bởi khả năng chịu hạn cao, có thể phát triển trên vùng gò đồi, hạn chế nước tưới. Hiện nay, các xã: Khánh Phú, Sông Cầu, Khánh Nam, Khánh Thượng, Khánh Đông… đang phát triển mạnh, đặc biệt là giống mít Thái lá bàng…
Theo ông Lê Văn Hùng - Phó Trưởng trạm Khuyến nông huyện, cây mít nghệ có thể trồng ở các vùng đất khô hạn, nghèo dinh dưỡng; mít sớm ra trái, năng suất cao, có thị trường tiêu thụ ổn định, có thể trồng xen vào vườn cam, quýt, tiêu, cà phê… để tăng thu nhập. Năm 2015-2016, huyện phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ thực hiện đề tài “Đánh giá hiệu quả kinh tế của cây mít nghệ tại huyện Khánh Vĩnh”. “Đây là đề tài cấp cơ sở. Trên cơ sở tham vấn các mô hình có sẵn của nông dân, đề tài sẽ nghiên cứu quá trình sinh trưởng, phát triển, thích nghi với sâu bệnh, năng suất, thị trường và một số yếu tố khác của cây mít nghệ, qua đó đề xuất hướng phát triển trên địa bàn huyện” - ông Hùng nói.
Hiện nay, khả năng nhân rộng của cây mít nghệ ở Khánh Vĩnh khoảng 300 - 500ha. Huyện đã phê duyệt Đề án phát triển cây ăn quả chủ lực. Theo đó, mít nghệ là 1 trong 4 loại cây ăn quả định hướng (mít nghệ, bưởi da xanh, sầu riêng, xoài). Tuy nhiên, cái khó hiện nay là nguồn vốn hỗ trợ cho chương trình. Mọi nguồn lực đều dựa vào nguồn kinh phí hỗ trợ phát triển sản xuất của tỉnh thông qua Chương trình xây dựng nông thôn mới. Vì thế, khả năng nhân rộng còn hạn chế. Bên cạnh đó, tuy là cây ăn quả có khả năng chịu hạn nhưng mít nghệ vẫn cần nước, nhất là lúc cây đi vào thời kỳ cho quả ổn định. Được biết, vừa qua, tại xã Khánh Trung, người dân đã phải đào giếng để lấy nước tưới vườn với chi phí cho một giếng khoan khoảng 20 - 25 triệu đồng. Đây là một thách thức trong chương trình phát triển cây ăn quả chủ lực của huyện, trong đó có cây mít nghệ.
Có thể bạn quan tâm

Ngày 23/7, tại TP Đồng Hới (Quảng Bình), Bộ NN-PTNT đã tổ chức hội nghị triển khai đề án tái cơ cấu ngành lâm nghiệp (LN). Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát chủ trì hội nghị.

Ngoài số tiền phạt nói trên, UBND tỉnh Quảng Nam cũng tịch thu tang vật vi phạm bổ sung vào ngân sách Nhà nước. Đây là trường hợp mua bán hạt ươi trái phép thứ 3 bị phạt nặng tại Quảng Nam kể từ đầu tháng 7 đến nay.

Tính đến ngày 27-3, các doanh nghiệp TP Cần Thơ đã thu mua tạm trữ được hơn 20.278 tấn quy gạo vụ đông xuân 2013-2014, đạt 14,8% chỉ tiêu được phân bổ. Hiện nông dân thành phố đang thu hoạch rộ lúa đông xuân, việc đẩy mạnh thu mua tạm trữ của doanh nghiệp (DN) đã tạo điều kiện cho nông dân đảm bảo có lợi nhuận.

Cá song vua xứng danh là loài cá khổng lồ nhất trong tất cả các loài cá song với kỷ lục người ta từng đánh bắt được một con nặng tới 600kg. Cá song vua có tốc độ lớn nhanh vô địch. Cỡ cá từ khi dài 20 cm đến nặng 3kg có thể tăng trọng đạt 400 - 600 g/tháng, cỡ từ 3kg đến cá trưởng thành có thể đạt 6 - 8 kg/năm.

Ngày 22 tháng 7 năm 2014, Trung tâm Khuyến nông TP. Hồ Chí Minh tổ chức Hội thi ”Nông dân nuôi tôm giỏi theo tiêu chí VietGAP” tại Trung tâm Văn hóa Thể thao xã An Thới Đông, huyện Cần Giờ. Với 30 thí sinh thuộc 6 đội dự thi đến từ các xã An Thới Đông, Lý Nhơn, Tam Thôn Hiệp, Bình Khánh - H. Cần Giờ và đội huyện Nhà Bè, Bình Chánh.