Khẳng Định Thương Hiệu Rau An Toàn

Mặc dù còn nhiều khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm, nhưng gần 100 hộ dân tham gia HTX Sản xuất và kinh doanh rau an toàn ở thôn 6, xã Nghĩa Dũng (TP Quảng Ngãi) vẫn kiên trì theo đuổi và từng bước khẳng định được thương hiệu rau an toàn của địa phương mình.
Từ lúc tham gia vào vùng chuyên canh rau an toàn, bà con nông dân xã Nghĩa Dũng bắt đầu làm quen với quy trình trồng rau kiểu mới - nghiêm ngặt và tốn công hơn, thời gian thu hoạch chậm hơn cách trồng thông thường. Người trồng rau phải sử dụng nguồn nước sạch để tưới, không bón phân quá nhiều, chỉ được dùng thuốc bảo vệ thực vật sinh học và phải đảm bảo thời gian cách ly sau khi phun thuốc trừ sâu…
Hiện tại giá bán rau an toàn bị tiểu thương “ép” giá ngang bằng với rau thông thường, nhưng gần 100 hộ dân ở vùng chuyên canh rau này vẫn giữ vững lập trường và tiếp tục sản xuất rau an toàn. Nhiều thời điểm vào vụ, cánh đồng rau hơn 10 ha này giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động tại địa phương.
“Trồng rau an toàn không chỉ có lợi cho sức khỏe người tiêu dùng mà việc sử dụng ít phân bón, không dùng thuốc BVTV liều cao... cũng giúp người trồng rau chúng tôi giữ gìn được sức khỏe. Hơn nữa, rau an toàn không lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật nên rau có thể bảo quản được lâu hơn”, bà Nguyễn Thị Nữ - người đã có “thâm niên” trồng rau hơn 20 năm chia sẻ.
Không chạy theo lợi nhuận, nỗ lực tuân thủ quy trình sản xuất nên vừa qua, khi nghe thông tin HTX được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, bà con nông dân ai nấy đều vui mừng. Vậy là sau nhiều năm cố gắng giữ vững cái tâm trong nghề, cuối cùng những bó rau mà người nông dân vùng chuyên canh rau sạch thôn 6 trồng nên đã có chứng nhận để chứng minh rau đạt chuẩn.
Dẫn chúng tôi đi tham quan nhà sơ chế rau sạch vừa được UBND xã Nghĩa Dũng đầu tư xây dựng ngay trong cánh đồng chuyên canh, hầu hết bà con nông dân đều hồ hởi: “Thời gian đến, rau sau khi thu hoạch xong sẽ được đưa vào đây để đóng gói, in nhãn mác rồi mới đem ra thị trường tiêu thụ. Vậy là rau sạch do chúng tôi trồng cuối cùng cũng có nhãn hiệu riêng để người tiêu dùng nhận biết và tin tưởng”.
Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản tỉnh vừa cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm trong sản xuất rau cho Hợp tác xã sản xuất và kinh doanh rau an toàn xã Nghĩa Dũng, thành phố Quảng Ngãi, với diện tích sản xuất 10,22 ha, công suất sơ, chế biến đạt 5 tấn/ngày.
Có thể bạn quan tâm

Trong vụ bưởi tết năm nay, nhiều vườn bưởi Năm Roi ở huyện Châu Thành nói chung và câu lạc bộ (CLB) bưởi tạo hình hồ lô ở xã Phú Tân nói riêng, không khỏi lo lắng khi trái non bị rụng ngay từ đầu vụ. Tình trạng này dẫn đến nguy cơ mất mùa, đồng nghĩa với thu nhập trong dịp tết của nhiều nhà vườn cũng giảm theo.

Mặc dù mùa thu hoạch mía 2014-2015 vẫn chưa kết thúc, tuy nhiên, tranh thủ nước rút, hiện những khu vực nằm trong đê bao chống lũ hoặc nơi có bờ liếp cao, nhiều nông dân trên địa bàn huyện Phụng Hiệp đang tất bật xuống giống cho niên vụ mía 2015-2016. Theo đó, niên vụ mía năm nay, ngành chức năng địa phương và người dân có sự thay đổi lớn về cơ cấu giống và diện tích.

Theo quy hoạch, mô hình phát triển vùng sản xuất rau an toàn có quy mô 14ha, với trên 400 hộ dân tại xã Hà Thạch, Văn Lung và phường Trường Thịnh tham gia. Ngoài việc được hỗ trợ về giống, vốn và chuyển giao KHKT, dự án còn hỗ trợ xây dựng 6 nhà lưới để trồng rau với mức bình quân 20 triệu đồng/1 nhà lưới.

Trong nhiều năm qua, cùng với sự đầu tư của các chương trình, dự án; sự vào cuộc của các cấp ủy Đảng, đoàn thể, MTTQ, Hội Nông dân thị xã Phú Thọ đã phát huy vai trò nòng cốt trong việc tuyên truyền, cổ vũ hội viên phát triển kinh tế, điển hình là phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói giảm nghèo và làm giàu chính đáng.

Hội nghị thông qua quyết định thành lập ban chỉ đạo sản xuất nông nghiệp trọng điểm, triển khai các nhiệm vụ trọng tâm trong vụ chiêm xuân, đặc biệt chú ý tới phương án mở rộng diện tích lúa J02 trên địa bàn huyện. Vụ chiêm xuân này huyện Thanh Ba dự kiến sẽ mở rộng diện tích gieo cấy giống lúa J02 ra 25 xã với khoảng 850ha, đến nay các xã đã đăng ký trên 520ha.